Tiền đâu giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành?

Chiều 1-6, Quốc hội (QH) thảo luận tổ về việc tách nội dung giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án sân bay Long Thành thành dự án thành phần. Nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng việc tách dự án này giúp đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay Long Thành nhưng cũng còn nhiều nỗi lo xung quanh đại dự án này.

Tách dự án để đẩy nhanh tiến độ

Trình bày báo cáo thẩm tra về việc tách nội dung GPMB của dự án sân bay Long Thành thành một dự án riêng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho hay nhiều ý kiến tán thành việc này. “Đặc thù công tác GPMB thường phát sinh khó khăn, vướng mắc, phức tạp, mất nhiều thời gian, tăng chi phí… Nếu chờ đến khi QH thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (dự kiến năm 2019), Thủ tướng quyết định đầu tư dự án, sau đó mới thực hiện công tác GPMB thì nhiều khả năng sẽ chậm tiến độ so với nghị quyết của QH đề ra khoảng 2-3 năm” - ông Thanh cho hay.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn dắt kể từ khi QH ban hành Nghị quyết 94/2015 (25-6-2015) thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành đến nay đã hai năm. Tại nghị quyết này, QH đề nghị Chính phủ xây dựng báo cáo khả thi cho từng giai đoạn (dự án sân bay Long Thành có ba giai đoạn), tuy nhiên sau hai năm báo cáo khả thi cả ba giai đoạn đều chưa có.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Hạnh (Đồng Nai) cho hay người dân tại khu vực quy hoạch sân bay Long Thành mong muốn Nhà nước sớm thu hồi đất để yên tâm làm ăn. Ảnh: QH

“Ở đây chúng ta thấy bỏ lỡ rất nhiều thời cơ. Mấy ngày nay xem sân bay Tân Sơn Nhất tắc đường, hành khách phải kéo hành lý chạy bộ vì sợ trễ máy bay thấy thê thảm. Mà chúng ta đã tính tới năm 2025 sân bay này xong giai đoạn 1 thì QH yêu cầu phải sớm hơn để giải quyết vấn đề quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất... Theo tôi, chủ trương là thống nhất nhưng ở đây cũng phải phê bình việc chậm triển khai quyết định đầu tư của QH. Hai năm rồi chưa có báo cáo khả thi” - Chủ tịch QH nói và cho rằng nếu dự án càng chậm triển khai thì càng khó khăn, giá càng lên và dân cũng không yên tâm ổn định sản xuất vì biết sẽ phải di dời vì có chủ trương làm sân bay rồi…

ĐB Phan Thị Mỹ Hạnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho hay hiện tâm tư người dân tại khu vực quy hoạch làm sân bay Long Thành đều muốn Nhà nước sớm thu hồi đất để họ yên tâm làm ăn. Quy hoạch của sân bay Long Thành cũng đã được công bố hơn 10 năm, do đó nó cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người dân sống trong vùng này.

Băn khoăn về nguồn lực

Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho biết hiện có nhiều ý kiến băn khoăn về việc nguồn vốn thực hiện GPMB toàn bộ dự án trong một lần - khoảng 5.000 ha theo Nghị quyết 94 của QH. Hiện nguồn GPMB dự án cần tới 23.000 tỉ đồng nhưng mới bố trí được 5.000 tỉ đồng, tương ứng 21,7% yêu cầu (theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020”. “Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện” - ông Thanh nói.

ĐB Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) tán thành phải làm rõ “địa chỉ nguồn lực ở đâu, bao nhiêu”. “Ở địa phương sẽ thấy phức tạp lắm, GPMB rồi nhưng có cả trăm lý do triển khai chậm như chủ đầu tư hết tiền, ngân hàng không giải ngân tiếp..., đất đai bỏ hoang hóa, dân nhảy vào khai thác hoặc là để làm bãi tập lái xe, chính quyền sẽ bận rộn với khiếu nại, khiếu kiện rất phiền hà. Tôi lường trước với sáu xã lại thực hiện ba giai đoạn với thời gian rất dài thì phải lường trước phương án sử dụng đất để tránh những chuyện phức tạp xảy ra” - ông Quân nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay hiện nay Chính phủ đã sẵn sàng nguồn tiền 5.000 tỉ đồng cho chi phí GPMB. “Nguồn vốn thực hiện dự án không có gì khó khăn bởi Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng hàng không (chủ đầu tư dự án) để huy động vốn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tính đến phương án vừa dùng vốn ngân sách vừa huy động vốn xã hội hóa. Sau khi hoàn tất khâu GPMB là có thể triển khai dự án được ngay” - Phó Thủ tướng nói.

“Không phải tôi bi quan nhưng...”

ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng phải có sự gắn kết giữa việc bồi thường GPMB tái định cư với việc triển khai dự án. Nếu tách ra GPMB xong rồi không làm là một sự lãng phí. “Chúng ta đã có bài học điện hạt nhân Ninh Thuận, chi hơn 2.000 tỉ đồng xong rồi chúng ta dừng. Ở đây là 23.000 tỉ đồng. Mặt khác, tiến độ triển khai dự án cũng phải xác định được, tránh tình trạng có đất nhưng không triển khai dự án hoặc không biết đến bao giờ triển khai được” - ĐB Quang nói.

Tuy nhiên, theo ông Quang, đấy chưa phải là yếu tố quyết định dự án có triển khai được hay không. “Chúng ta cần hơn 16 tỉ USD để đầu tư, bây giờ QH có đồng ý bỏ ra 23.000 tỉ đồng này thì cũng còn 15 tỉ USD chưa biết vốn ở đâu. Cái quyết định để dự án có khả thi hay không là lưu lượng người và hàng hóa. Nếu GPMB xong rồi, thấy lưu lượng người và hàng chưa đủ, ta chờ thêm vài năm thì có thể dự án không còn khả thi nữa. Đơn cử điện hạt nhân, khi QH thông qua chủ trương thì tổng mức đầu tư có 14 tỉ USD, sau này lên đến 23 tỉ USD - vẫn là 4.000 MW điện nên không còn khả thi nữa. Không phải tôi bi quan nhưng có những vấn đề như vậy, chúng ta phải lường được”.

“Chúng ta có suy nghĩ gì về việc này không?”

Tại tổ TP.HCM, bên cạnh việc bàn vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều ĐB đã đề cập đến câu chuyện của sân bay Tân Sơn Nhất.

Nói về tình trạng quá tải của Tân Sơn Nhất, ĐB Nguyễn Phước Lộc cho rằng vấn đề này “không xử lý được thì người dân không yên”. Ông Lộc dẫn chứng tình trạng kẹt xe trước cửa sân bay Tân Sơn Nhất trước kỳ nghỉ 30-4 vừa qua. Kẹt xe khủng khiếp từ 2 giờ chiều tới 11 giờ đêm, bao nhiêu con người bị ảnh hưởng. Trong khi đó đất sân bay lại được cắt ra làm sân golf, nhà hàng, khách sạn.

“Trong khi sân bay quá tải, không đáp ứng được nhu cầu thì đất sân bay lại được cắt sử dụng dùng công năng khác. Chúng ta có suy nghĩ gì về việc này không?” - ông Lộc nêu vấn đề.

Liên quan đến việc xây dựng hai sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, ĐB Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân, nói: “Đây là vấn đề lịch sử”. Sân golf xây từ năm 2007, chính thức khai thác vào năm 2015. Để xây dựng được hai sân golf này có tới 133 văn bản từ các địa phương đến bộ, ngành.

“Hiện nay, Bộ Quốc phòng thống nhất về mặt quan điểm sẽ thu hồi bất cứ thời điểm nào khi có nhu cầu về mặt quốc phòng hoặc khi có chỉ thị của cấp trên. Tất cả công trình trên sân golf nếu ảnh hưởng đến an toàn bay, hàng không, Bộ Quốc phòng sẽ kiên quyết thu hồi” - ông Đại cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.