Tình đồng đội giữa phiên tòa nhà đất

Mới đây, TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã hòa giải thành vụ án đòi nhà cho ở nhờ giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Tr. và bị đơn là ông Đặng Đình H. Theo đó, tại phiên tòa sơ thẩm (lần hai), tòa công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc “cưa đôi” giá trị căn nhà tranh chấp, kết thúc 10 năm đáo tụng đình của hai ông bạn già từng vào sinh ra tử trong thời chiến.

Cho ở nhờ có “thế chấp”

Vụ án này được TAND quận Phú Nhuận thụ lý từ năm 2003. Theo hồ sơ, ông Tr. và ông H. vừa là bạn thân cùng đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau năm 1975, hai ông cùng ở lại Sài Gòn lập nghiệp. Do kinh tế khá giả, ông Tr. mua được hai căn nhà, một căn ở quận Phú Nhuận, một căn ở quận 10. Ngược lại, kinh tế của ông H. lại khó khăn, gia đình phải đi ở trọ.

Năm 1992, ông Tr. bán đi một phần căn nhà ở Phú Nhuận. Nghĩ bạn còn đi ở trọ, ông để phần còn lại (là cái chái nhà) cho ông H. ở nhưng hai bên thỏa thuận ông H. phải thế chấp cho ông ba lượng vàng. Trong giấy thế chấp, ông Tr. ghi rõ: “Nếu sau này tôi không có đủ ba lượng vàng để trả thì chú được quyền sở hữu căn nhà này”.

Năm 2003, giá nhà đất lên, ông Tr. yêu cầu ông H. phải trả lại nhà cho mình. Ông H. không đồng ý và cho rằng nếu ông Tr. đòi lại nhà thì phải trả vàng (tính theo giá vàng năm 2003) và kinh phí tu sửa, canh giữ và bảo vệ.

Ông Tr. gửi đơn kiện ra tòa. Xử sơ thẩm lần đầu, TAND quận Phú Nhuận buộc ông H. phải trả lại nhà cho nguyên đơn, đồng thời ông Tr. phải trả lại vàng và chi phí tu sửa nhà cho bị đơn. Ông H. kháng cáo. TAND TP.HCM xử phúc thẩm hủy án, giao cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Từng chung chiến hào, lẽ nào gay gắt...

Thụ lý lại vụ kiện, TAND quận Phú Nhuận đã nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng hai bên thương lượng bất thành nên tòa mở phiên sơ thẩm lần hai để xét xử. Tại tòa, HĐXX động viên hai bên tiếp tục thương lượng nhằm hàn gắn tình bạn, tình đồng đội vốn có của hai người đã ít nhiều bị rạn nứt.

Theo ông Tr., lúc giao nhà ông có nhận ba lượng vàng của ông H. thì xem như tính vào tiền thuê nhà từ trước đến nay, giấy thế chấp trước đây không có hiệu lực vì không có người làm chứng và không có chữ ký của vợ ông. Ông H. cãi lại: “Trong hồ sơ của tôi thì có chữ ký của vợ ông ấy, có dấu vân tay rõ ràng, phía công an đã xác nhận. Hơn nữa, khi dọn vào ở, tôi chỉ nhận được cái chái nhà. Nay gia đình tôi đã tu sửa lại thành một căn nhà để ở, ông ấy lại đi đòi”.

Ông Tr. nói: “Nghĩ là bạn thân tình và thấy hoàn cảnh bạn khó khăn tôi mới cho ở nhờ. Trong suốt thời gian ở, tôi chỉ lấy ba lượng vàng. Nay tôi đòi vì nghĩ đó là căn nhà kỷ niệm của vợ chồng tôi”.

Cứ thế, hai ông bạn già khẩu chiến với nhau tại tòa bất phân thắng bại. Cả hai yêu cầu tòa phải giải quyết thấu lý đạt tình.

Tòa im lặng lắng nghe rồi gợi ý: “Hai ông từng là bạn thân, bạn chiến đấu, sát cánh bên nhau qua bao nhiêu gian khổ nơi chiến trường. Nay chẳng lẽ vì chuyện căn nhà mà làm mất đi tình bạn, tình đồng đội năm xưa. Chi bằng mỗi người hãy nhường nhau một chút để vừa giúp nhau, vừa không làm mất tình bạn…”.

Nhưng cả hai ông đều lắc đầu.

Tòa cố công hàn gắn tình đồng đội

Tòa phải ra quyết định định giá căn nhà để có cơ sở phân chia. Đầu tiên, căn nhà được định giá 1 tỉ đồng. Tòa gợi ý sẽ chia đều cho cả hai. Ông H. nhất định không đồng ý vì cho rằng tòa giải quyết như vậy mình sẽ bị thiệt. “Trước đây đã có người báo giá với tôi 1 tỉ đồng. Nay giá nhà đất đã lên, nếu ở mức giá đó, tôi hai phần, ông Tr. một phần, còn không thì phải định giá lại”.

Để động viên hai bên thương lượng, một lần nữa tòa lại chiều lòng đương sự cho tổ chức định giá lại căn nhà. Lần này, căn nhà được định giá lên 1,4 tỉ đồng. Nhưng ông Tr. vẫn phản đối kịch liệt. “Nếu giá như vậy thì của tôi 800 triệu đồng, ông H. 600 triệu đồng. Ông ấy ở nhờ nhà của tôi thì phải chịu ít hơn. Trước đây vì nhà đất chưa có giá trị, tôi cho ở vì muốn giúp đỡ bạn. Nay giá nhà đất lên, các con tôi muốn làm ăn, tôi phải lấy lại để cho con”.

Dĩ nhiên ông H. cũng không bằng lòng.

Tòa: “Nếu các ông vẫn không chịu, chúng tôi sẽ áp dụng pháp luật để phân định. Án phí các ông không đóng, tiền định giá căn nhà các ông cũng không trả, chúng tôi lấy kinh phí đâu giải quyết đây? Vậy mà các ông hết lần này đến lần khác gửi đơn khiếu nại, bắt chúng tôi phải làm thế này, làm thế kia. Không vừa ý, các ông lại lu loa một vụ án mà 10 năm tòa chưa giải quyết xong. Nhưng những lần chúng tôi triệu tập, các ông tìm cách né tránh nhằm kéo dài thời gian. Giờ các ông lại làm căng, không ai chịu nhường ai…”.

Tòa hỏi ông H.: “Nể tình bạn cho ở nhờ từ trước đến nay không lấy tiền, ông lấy 600 triệu đồng được không?”. “Vậy cũng được nhưng ông Tr. phải trả ba lượng vàng cho tôi” - ông H. đáp. Ông Tr. lại gay gắt: “Nếu thế ông lấy một phần ba số tiền thôi. Gia đình tôi không phải cái máy in tiền”. Hai ông lại cò kè bớt một thêm hai.

Tòa lại phải phân tích thiệt hơn, xoáy vào tình bạn, tình đồng đội. Rằng khi ông H. khó khăn thì ông Tr. chẳng ngần ngại chia ngọt sẻ bùi cho bạn ở nhờ nhà mình. Ngược lại, ông H. cũng đã bao năm gìn giữ, bỏ tiền của vào tôn tạo ngôi nhà. Hiện tại, ông H. lại bị bệnh, các con không có nhà ở… Từ đó, tòa nói sẽ chia đôi giá trị căn nhà cho hai bên.

Cuối cùng, nỗ lực hòa giải của tòa đã có kết quả, đôi bạn già từng chung chiến hào đồng ý chia đôi, tòa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của hai bên đương sự, kết thúc 10 năm tranh chấp.

NGỌC THÂN

 

“Tôi mệt mỏi vô cùng với vụ án này”

Năm 2005, Thẩm phán Trần Thị Thanh Trúc (Phó Chánh án TAND quận Phú Nhuận) được giao giải quyết (lại) vụ án. Tám năm thụ lý, hơn 10 lần đưa vụ án ra hòa giải là từng ấy lần bà phải đau đầu. “Chỉ nguyên việc định giá đi định giá lại căn nhà đã khiến tôi muốn điên lên. Giá nhà đất thì bữa rày bữa khác. Và theo quy định thì kết quả định giá chỉ có hiệu lực trong sáu tháng, trong khi vụ án lại kéo dài, hễ vì lý do nào đó (chủ yếu do hai bên) mà tòa đưa ra xử chậm thì phải định giá lại. Mệt mỏi vô cùng!” - Thẩm phán Trúc chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm