Tính lãi suất “trên trời”

TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) vừa xử sơ thẩm một vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần T. với khách hàng L.Đ.H. Vụ án này đáng chú ý ở chỗ là nhờ tòa mà con nợ của ngân hàng đã được minh oan cho khoản nợ bị ngân hàng tính lên gần gấp đôi so với thực tế.

Rút tiền nhưng không thanh toán

Theo hồ sơ, tháng 2-2008, ông H. ký hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng T. Sau khi được cấp thẻ tín dụng (hạn mức 15 triệu đồng), ông H. đã rút gần 14,5 triệu đồng để tiêu xài.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng, hằng tháng ông H. có trách nhiệm thanh toán toàn bộ dư nợ tối thiểu cho ngân hàng trước ngày đến hạn. Tháng 4-2008, ông H. thanh toán được khoảng 1,5 triệu đồng cho ngân hàng. Sau đó, ông không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, buộc ngân hàng phải nhiều lần gửi công văn, gọi điện thoại nhắc nhở.

Tính lãi suất “trên trời” ảnh 1

Theo Ngân hàng T., việc ông H. không thực hiện việc thanh toán là đã vi phạm hợp đồng nên ngân hàng tạm thời chấm dứt quyền sử dụng thẻ của ông H. và tiến hành thu nợ. Tháng 7-2009, ngân hàng khởi kiện, yêu cầu tòa buộc ông H. phải trả ngay hơn 37 triệu đồng cả nợ lẫn lãi còn thiếu.

Về phần mình, ông H. thừa nhận đã sử dụng số tiền gần 14,5 triệu đồng và từ cuối tháng 3-2008 đến nay ông chưa thanh toán cho ngân hàng. Ông trình bày rằng do hoàn cảnh khó khăn, ông không có khả năng trả ngay một lần hơn 37 triệu đồng mà ngân hàng đòi nên đề nghị được trả góp mỗi tháng 2 triệu đồng cho đến khi hết nợ.

Ngân hàng tính lãi sai luật

Tại phiên xử mới đây của TAND quận Gò Vấp, đại diện ngân hàng xác định số tiền nợ cả gốc lẫn lãi của ông H. tính đến ngày xét xử là gần 40 triệu đồng. Trong trường hợp hai bên hòa giải được, ngân hàng sẽ giảm cho ông H. hơn 8,5 triệu đồng tiền phí vượt hạn mức và một phần phí thanh toán trả chậm. Số nợ còn lại ông H. phải thanh toán làm ba lần trong vòng hai tháng kể từ ngày hòa giải thành.

Ngược lại, ông H. không đồng ý hòa giải bởi cho rằng ngân hàng tính lãi quá cao và đề nghị tòa phân xử.

Theo tòa, ngân hàng tính lãi không đúng như hợp đồng giữa đôi bên. Cụ thể, theo hợp đồng, tiền lãi được tính trên số tiền khách hàng rút kể từ ngày rút tiền nhưng thực tế ngân hàng lại tính lãi theo từng tháng trên số dư cuối kỳ của tháng trước (gồm nợ gốc, lãi tháng trước và các khoản phí phải trả của tháng trước). Đây là cách tính lãi cộng dồn nên từ số nợ gốc ban đầu chỉ hơn 14 triệu đồng, sau 22 tháng, số nợ cả gốc lẫn lãi đã lên gần đến 40 triệu đồng. Như vậy, lãi suất áp dụng theo cách tính này là khoảng
8%/tháng, cao hơn rất nhiều so với quy định pháp luật về cách tính lãi suất theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Cạnh đó, theo hợp đồng thì sau 90 ngày kể từ ngày lập bản thông báo giao dịch, nếu chủ thẻ không thanh toán, thanh toán không đủ số tiền tối thiểu thì toàn bộ số dư nợ của chủ thẻ là nợ quá hạn và áp dụng lãi suất nợ quá hạn theo quy định của ngân hàng. Ở đây, tính từ cuối tháng 5-2009 là đã quá 90 ngày ông H. không thanh toán đủ số tiền tối thiểu thì ngân hàng phải có trách nhiệm chuyển toàn bộ số dư nợ sang nợ quá hạn. Nhưng trên thực tế, ngân hàng vẫn tiếp tục tính lãi suất theo cách cộng dồn lãi, phí vào nợ gốc mà không áp dụng lãi suất nợ quá hạn...

Trước phân tích của tòa, ngân hàng đổ lỗi do máy móc đã được lập trình tính toán sai so với thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên. Dù vậy, ngân hàng vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Tòa nhận định việc này là không có trách nhiệm, gây thiệt hại cho quyền lợi của khách hàng.

Tòa xác định lại tiền lãi và các khoản phí phát sinh theo hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng giữa hai bên chỉ là 21 triệu đồng, giảm gần một nửa so với số tiền mà ngân hàng đòi nợ. Từ đó, tòa buộc ông H. trả cho ngân hàng hơn 15 triệu đồng (trước đó ông đã thanh toán thêm cho ngân hàng được 5 triệu đồng).

Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM:

Tòa đã xử đúng

Trong vụ kiện này, việc ngân hàng tính lãi suất quá cao không đúng quy định pháp luật cũng như hợp đồng thỏa thuận giữa đôi bên đã được tòa nhìn nhận, rồi từ đó nghiên cứu sửa lại cho hợp lý. Phán quyết của tòa là hợp tình, hợp lý và đúng pháp luật.

Việc xét xử của tòa án phải luôn khách quan, vô tư và đúng với pháp luật để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên. Ở đây là vụ việc dân sự nên không lên án bất kỳ một bên nào. Tuy nhiên, khi một bên đưa ra yêu cầu không hợp lý hoặc quá đáng, chắc chắn sẽ bị tòa bác hoặc không công nhận một phần.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm