Tòa bị tố bịa lời khai

Theo hồ sơ, ngày 28-6-2010, bà C. bán cho vợ chồng ông H. một lô đất ở phường 4, TP Tân An với giá 2,6 tỉ đồng. Cũng trong ngày, các bên ra Phòng Công chứng số 1 (tỉnh Long An) công chứng hợp đồng trước sự chứng kiến của công chứng viên Lê Văn Đá.

Hủy hợp đồng vì lừa dối

Sau đó, phía bà C. cho rằng bên vợ chồng ông H. chỉ trả hơn 1 tỉ đồng, số tiền còn lại phía vợ chồng ông H. không chịu thanh toán tiếp nên yêu cầu tòa tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng trên vô hiệu. Bà C. đồng ý trả lại tiền đã nhận.

Không đồng ý, phía ông H. bảo đã giao đủ tiền và trưng ra chứng cứ là biên nhận đã nhận đủ 2,6 tỉ đồng do phía bà C. ký nhận. Kết luận giám định ngày 23-9-2010 của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Long An) cũng khẳng định chữ viết và chữ ký trên biên nhận nhận tiền với mẫu đối chiếu so sánh nét chữ của phía bà C. là do cùng một người viết, ký ra.

Tuy nhiên, xử sơ thẩm vừa qua, TAND TP Tân An nhận định không có chứng cứ nào chứng minh phía bà C. đã nhận đủ số tiền mà hai bên giao kết. Bà C. cho rằng bị phía ông H. lừa dối không giao đủ tiền là có căn cứ. Tòa tuyên hợp đồng giữa hai bên là vô hiệu do có sự lừa dối. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Tòa bị tố bịa lời khai ảnh 1

Ghi sai lời công chứng viên

Sau phiên tòa, phía ông H. gửi đơn khiếu nại đến một số cơ quan chức năng cho rằng tòa xét xử không công bằng, thiếu khách quan gây thiệt hại cho phía ông. Chẳng hạn, tòa không xem xét, đề cập đến giấy biên nhận nhận tiền cũng như kết luận giám định của cơ quan giám định. Đồng thời, tòa đã ghi không đúng lời khai của công chứng viên để đưa sự việc theo chiều hướng khác làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông.

Cụ thể, trong phần xét thấy của bản án, HĐXX nhận định tại phiên tòa công chứng viên Lê Văn Đá thừa nhận ngày 29-6-2010, phía bà C. không đến phòng công chứng ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Phía ông H. bảo đây là sự bịa đặt của HĐXX bởi tại tòa công chứng viên không hề nói như vậy và thực tế vào ngày ký hợp đồng tại phòng công chứng có đủ mặt các bên...

Cuối cùng ông đề nghị tòa xem xét một cách thấu đáo sự việc, xem xét đầy đủ chứng cứ để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ông. Ngoài ra, phải xử lý nghiêm việc HĐXX đã bịa ra lời khai của công chứng viên nhằm củng cố lòng tin của người dân vào việc xét xử của tòa.

Bỏ lọt chứng cứ quan trọng

Được biết vừa qua, VKSND TP Tân An cũng đã có kháng nghị phúc thẩm vụ án này. Kháng nghị cho rằng bản án trên có nhiều thiếu sót trong việc đánh giá chứng cứ, bỏ lọt chứng cứ quan trọng làm thay đổi bản chất của vụ án, đề nghị HĐXX phúc thẩm xém xét theo hướng sửa bản án trên.

Trao đổi về vụ án, TS Lê Minh Hùng (Trưởng bộ môn Luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM) cho biết theo Điều 132 Bộ luật Dân sự, giao dịch dân sự bị vô hiệu do bị lừa dối là hành vi cố ý của một bên (hoặc bên thứ ba) làm bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch đó.

Trong vụ việc trên, hai bên thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có đặc điểm cụ thể được hai bên hiểu rõ. Nếu căn cứ vào việc một bên chưa giao đủ tiền hoặc một bên không đến phòng công chứng ký vào văn bản công chứng thì đó không phải là các căn cứ xác định đã có hành vi lừa dối xảy ra. Do vậy, HĐXX tuyên hủy bỏ hợp đồng với lý do bị lừa dối là không chính xác.

Công chứng viên không phát biểu như tòa nêu

Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, công chứng viên Lê Văn Đá cho biết ngày 28-6-2010, các bên đã đến phòng công chứng để yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Quá trình ký hợp đồng công chứng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Hợp đồng công chứng có đủ chữ ký của các bên, ký trước sự chứng kiến của ông. Ông không phát biểu nội dung như bản án sơ thẩm đã nêu.

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm