Toàn cảnh vụ cây 'khủng' bị giữ tại Thừa Thiên-Huế

Vào giữa tháng 3, được người quen giới thiệu, ông Kiều Văn Chương (32 tuổi, trú tại xã Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội) vào Đắk Lắk để mua ba cây đa sộp rồi thuê ba chiếc xe của Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn (đóng tại Quảng Bình) để chở ra Hà Nội với số tiền 35 triệu đồng/cây.

Toàn cảnh vụ cây 'khủng' bị giữ tại Thừa Thiên-Huế ảnh 1
Cây 'khủng' lưu thông trên quốc Lộ 1. Ảnh: Internet

Xe đang chạy trên quốc Lộ 1A khi qua địa phận huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) thì bị lực lượng CSGT tỉnh này dừng xe kiểm tra và xử phạt các xe tổng số tiền gần 82 triệu đồng vì vi phạm về quá khổ, quá tải.

Ngay trong ngày 30-3, thực hiện Công văn số 152/KL- ĐN của Cục Kiểm lâm về việc kiểm tra, xác minh thông tin báo chí nêu, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, xác minh về hồ sơ lâm sản ba cây này.

Ngày 1-4 Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động PCCCR số 2 tổ chức kiểm tra ba cây được đặt tại bãi đất trống (ở thị xã Hương Thủy). "Tại thời điểm kiểm tra không có chủ xe và chủ lâm sản, Đội Kiểm lâm cơ động PCCCR số 2 đã phối hợp với UBND phường Phú Bài lập biên bản sự việc và tổ chức canh giữ để gặp chủ cây nhằm kiểm tra, xác minh hồ sơ, nguồn gốc lâm sản" - ông Đặng Văn Kiệm, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế) nói.

Toàn cảnh vụ cây 'khủng' bị giữ tại Thừa Thiên-Huế ảnh 2
Gốc cây có đường kính hơn 2 m.

Đến 9 giờ ngày 4-4, chủ lâm sản là ông Kiều Văn Chương đến cơ quan kiểm lâm làm việc và xuất trình ba bộ hồ sơ của ba cây nói trên. Trước đó một ngày, ông Chương cũng mang ba bộ hồ sơ bản photocopy nhưng không được chấp nhận vì không có căn cứ pháp lý.

"Quá trình kiểm tra, số cây trên có nguồn gốc rõ ràng, cây phân tán trên đất nông nghiệp của hộ gia đình, được xác nhận đúng trình tự và đúng thẩm quyền. Ngay khi đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có công văn gửi Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk để cùng phối hợp xác minh nguồn gốc tại địa phương" - ông Kiệm nói.

Khi chờ xác minh nguồn gốc tại Đắk Lắk thì tại Thừa Thiên-Huế, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế vào cuộc điều tra vụ việc để báo cáo Bộ Công an.

Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đại tá Phan Văn Minh, cho biết đơn vị đã làm việc, lấy lời khai với các bên liên quan đến ba cây cổ thụ gồm chủ doanh nghiệp vận tải là Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn, ông Kiều Văn Chương chủ lâm sản và các tài xế vận chuyển cây.

Tại đây, ông Chương khai nhận ông đã vào tỉnh Đắk Lắk mua ba cây cổ thụ trên từ người dân với tổng giá là 49 triệu đồng. Trong đó các cây đa sộp được mua giá 20 triệu đồng, 14 và 15 triệu đồng.

"Các tài xế cũng khai nhận để không gặp lực lượng CSGT, họ vận chuyển cây vào ban đêm và họ thường xuyên ra tín hiệu hỏi các tài xế xe ngược chiều để xem phía trước có lực lượng CSGT hay không. Nếu có lực lượng CSGT, các tài xế sẽ dừng xe lại bên đường để tránh và sau đó mới tiếp tục lưu thông" - Đại tá Minh nói.

Toàn cảnh vụ cây 'khủng' bị giữ tại Thừa Thiên-Huế ảnh 3
Các cây 'khủng' gắn đèn cảnh báo nhằm tránh sự cố va chạm khi chạy trên đường.

Tại tỉnh Đắk Lắk, vào ngày 6-4, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đã xác minh cụ thể hai cây có nguồn gốc rõ ràng và hồ sơ đầy đủ. Ngay trong ngày 6-4, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế đã giải quyết trả lại hai cây cho chủ lâm sản là ông Kiều Văn Chương.

Cây đa sộp thứ nhất có kích thước đường kính gốc 1,4 m, dài 8 m, khối lượng 9,043 m3 được khai thác từ vườn nhà của ông Phạm Đình Thướng (trú tại xã Ea Pil, M’Đrăk, Đắk Lắk) được UBND xã Ea Pil xác nhận ngày 12-3.

Cây Đa sộp thứ hai có kích thước đường kính gốc 2,2 m, chiều cao dưới cành 3,6 m, được khai thác trên đất nông nghiệp của Y Nô Byă (trú tại Buôn Ê Căm, thị trấn Buôn Trấp, Krông Ana, Đắk Lắk) được kiểm lâm địa bàn và UBND xã xác nhận ngày 19-3.

Ngày 6-4 Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế tiếp tục có ông văn gửi Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đề nghị tiếp tục xác minh nguồn gốc cây cổ thụ thứ ba nằm tại xã Ea Hồ, huyện Krông Năng.

Toàn cảnh vụ cây 'khủng' bị giữ tại Thừa Thiên-Huế ảnh 4
Chủ cây thuê người tưới nước để giữ độ ẩm cho cây.

Ngày 9-4-2018, Hạt Kiểm lâm Krông Năng đã phối hợp với UBND xã Ea Dăh, huyện Krông Năng tiến hành làm việc với ông Đinh Công Quân (38 tuổi) là người bán cây đa sộp nói trên cho ông Kiều Văn Chương. Cây này nằm trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Điệp (trú tại thôn Xuân Nguyên, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng). Ông Điệp đã đồng ý cho ông Quân khai thác.

Ông Quân đã thừa nhận trong thời gian bứng cây ông có quen ông Y Samuel Buôn Yă (thôn Quảng Cư 1A, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) đang khai thác cây vườn nhà tại địa bàn huyện nên có nhờ ông này làm giúp một bộ hồ sơ cây đa (hồ sơ này được phó chủ tịch UBND xã Ea Hồ ký xác nhận và ông Kiều Văn Chương đã trình báo tại Chi cục Kiểm lâm).

Từ kết quả xác minh tại hiện trường và đối chiếu với hồ sơ thủ tục kèm theo, cây Đa sộp có đường kính gốc 1,4 m, cao 12 m của ông Kiều Văn Chương vận chuyển, được khai thác từ đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Điệp. Tuy nhiên, hồ sơ lâm sản ông Kiều Văn Chương xuất trình kèm theo cây Đa sộp này là không phù hợp.

Căn cứ các quy định của Pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, ông Kiều Văn Chương đã vi phạm thủ tục hành chính trong quản lý rừng, sử dụng rừng; mua, bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, cất giữ lâm sản nên bị  phạt 750.000 đồng.

Ngày 12-4, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Kiều Văn Chương. Cũng trong ngày 12-4, ông Chương chấp nhận nộp phạt và cho người tiến hành cắt "gọt" các cây 'khủng' để tiếp tục lưu thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm