'Tôi đau vì 74 người bạn vẫn còn nằm lại ở Hoàng Sa'

 Video: 'Tôi đau vì 74 người bạn vẫn còn nằm lại ở Hoàng Sa'

Ngày 19-1, ông Võ Ngọc Đồng (Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa) đã đến nhà thăm, viếng nhân chứng Hoàng Sa, những người đã từng sống và làm việc tại quần đảo này. 

Ông Võ Ngọc Đồng (Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa) tặng quà, thăm hỏi nhân chứng Phạm Sô. Ảnh: T.AN

Hôm nay cũng là 48 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 

Đang ăn Tết thì tức tốc nhận nhiệm vụ

Năm nay đã gần 80 tuổi nhưng những ký ức về những ngày đầu năm 1974 vẫn luôn in hằn trong tâm trí của ông Lê Đình Rê (sinh năm 1945, trú quận Hải Châu, thuyền trưởng tàu QV-9708, thuộc căn cứ Chuyển vận Đà Nẵng).

Ông Lê Đình Rê nhắc lại câu chuyện về Hoàng Sa. Ảnh: T.AN

Ông kể, chiều tối 19-1, khi đang cùng vợ đi chợ Tết thì nhận được lệnh tức tốc điều tàu ra cứu hộ các tài bị nạn sau trận hải chiến với Trung Quốc. Đúng 21 giờ cùng ngày, ông cùng một tàu kéo Hải vận (thương cảng Đà Nẵng) nhổ neo hướng về Hoàng Sa với nhiệm vụ lai dắt, cứu nạn 3 chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16 về Đà Nẵng.

“Qua máy vô tuyến, chúng tôi thấy tín hiệu của 3 tàu này gọi nhau í ới, riêng HQ-10 thì im phăng phắc. Tôi hiểu nó đã mãi mãi ngủ yên ngoài biển khơi. Đêm 20-1, cả tàu không ai ngủ được. Nghe tin tức từ các tàu báo về lòng ai cũng buồn. Tôi nhớ mãi khuôn mặt của một anh lính khi vừa khóc vừa hỏi: “Mình mất Hoàng Sa thật sao?”. Cảm giác khi đó rất nặng nề, nhiều người đã khóc”- ông Rê nhớ lại.

Các tàu HQ-4, HQ-5 và HQ-16 đều dính đạn pháo, nghiêng mạn, được lai dắt, hộ tống vào bờ an toàn vào trưa 20-1-1974. 

Những tư liệu về Hoàng Sa được ông Rê cất giữ hết sức cẩn thận. Ảnh: T.AN

Ông Rê bảo, quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, đó là sự thật không thể thay đổi. Chừng nào còn sống, ông và các nhân chứng sẽ tiếp tục nói lên những tiếng nói của mình để thế giới biết điều này, đóng góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Thế hệ trẻ không được phép quên

Ông cũng mong một ngày nào đó đất nước sẽ đòi được công lý vì đã 48 năm qua quần đảo của chúng ta bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép.

“Chúng tôi rồi sẽ già đi, thế hệ trẻ mới là tương lai của đất nước. Tôi mong họ sẽ luôn nhớ 3 sự kiện bi hùng của dân tộc là ngày 19-1-1974, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 17-2-1979 và cuộc thảm sát tại Gạc Ma ngày 14-3-1988. Đây là những mốc lịch sử đau đớn liên quan đến Trung Quốc mà thế hệ trẻ không bao giờ được quên”- ông Rê nhắn nhủ.

Đoàn cán bộ của Nhà Trưng bày Hoàng Sa động viên, thăm hỏi sức khỏe ông Lê Đình Rê. Ảnh: T.AN

Ngưng lại giây lát vì xúc động, ông Rê tiếp: “Thấm thoắt gần 50 năm, cho tôi được thắp một nén hương tưởng nhớ 74 người bạn vẫn còn nằm lại ở Hoàng Sa, trong đó có anh bạn thân thiết của tôi. Tôi may mắn còn sống và sẽ đại diện cho họ tiếp tục lên tiếng để thế giới biết rằng Hoàng Sa là của Việt Nam, mãi mãi là như vậy”.

Trước đó, đoàn cán bộ của UBND huyện Hoàng Sa, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã đến thăm, viếng nhân chứng Hoàng Sa tại Quảng Nam. Trong chiều nay, đoàn tiếp tục đến thăm hỏi, động viên các nhân chứng Hoàng Sa còn sống; thắp hương tưởng nhớ những người đã mất tại Đà Nẵng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm