Tối nay, biên phòng sẽ bắn pháo hiệu báo bão

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lúc 13 giờ ngày 23-11, vị trí tâm bão số 9 (Usagi) cách đảo Phú Quý khoảng 300 km, cách Phan Rang khoảng 310 km, cách Vũng Tàu khoảng 470 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12.

Đường đi của bão số 9 sẽ quét qua đảo Phú Quý.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Đến 13 giờ ngày 24-11, vị trí tâm bão ở gần đảo Phú Quý, cách Phan Rang khoảng 120 km, cách Vũng Tàu khoảng 210 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12.

Do ảnh hưởng của bão nên ở khu vực phía Tây vùng biển giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) đêm nay có mưa bão, gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12.

Sáng 23-11, tại cuộc họp của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai, Thượng tá Nguyễn Đình Hưng (Bộ tư lệnh biên phòng), cho biết toàn bộ gần 4.000 tàu thuyền và 23.509 lao động đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão đã được thông báo và đang tìm nơi tránh trú an toàn.

Bộ tư lệnh biên phòng đã có điện chỉ đạo các đơn vị từ Ninh Thuận đến Tiền Giang duy trì đảm bảo quân số thường trực là 100%, chủ động tham mưu cho địa phương cấm biển. Tối nay (23-11), lực lượng biên phòng sẽ tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại các điểm theo quy định để thông báo tới các phương tiện hoạt động ở ven biển mà không trang bị các hệ thống thông tin liên lạc.

Trong khi đó, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra theo phương án đã xây dựng đảm bảo sát với thực tế để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ sau bão, nhất là những khu vực có nguy cơ sạt lở. Xử lý kịp thời sự cố đối với tuyến đê, kè biển bảo vệ trực tiếp khu dân cư để đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân. Tổng cục Phòng, chống thiên tai cần có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác chỉ đạo, ứng phó đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn hệ thống đê.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với mưa lớn của hoàn lưu cơn bão số 9, mực nước vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai sẽ lên cao, đỉnh triều sẽ vượt báo động 3 vào ngày 24 và 25-11. Khu vực Nam bộ, trong đó có TP.HCM có thể bị ngập nghiêm trọng tại các khu vực thấp.

Cùng ngày, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cử hai đoàn công tác vào khu vực ảnh hưởng của bão để chỉ đạo công tác ứng phó. Một đoàn đi TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu, một đoàn đi Ninh Thuận, Bình Thuận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm