Tội phạm lĩnh vực ngân hàng gây hậu quả đặc biệt lớn

Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) vừa có báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm quý III năm 2017.

Nguyễn Xuân Sơn, cựu chủ tịch PVN vừa bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử tội tham ô trong tháng 9-2017 vừa qua. Ảnh: TUYẾN PHAN

Cán bộ thông đồng với doanh nghiệp

Theo báo cáo, tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại phát hiện và xử lý thời gian qua cho thấy biểu hiện rõ nhất của “lợi ích nhóm”, “sân sau”, “sở hữu chéo” và sự lỏng lẻo trong cơ chế quản lý nhà nước và giám sát các lĩnh vực kinh tế.

Nổi lên là vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng tiềm ẩn phức tạp, hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Nhiều hành vi phạm tội trước đây đến nay bị phát hiện, hầu hết đều có sự liên quan và tiếp tay của cán bộ ngân hàng với thủ đoạn lợi dụng việc quản lý chưa chặt chẽ, cố ý làm trái quy định, thông đồng với doanh nghiệp bên ngoài lập hồ sơ vay vốn.

Điển hình như vụ 3 cán bộ nguyên Giám đốc, nguyên Trưởng phòng Kế toán và Kiểm sát viên ngân hàng Đại Dương Chi nhánh Hải Phòng lừa đảo chiếm đoạt 400 tỉ đồng với thủ đoạn làm sổ tiết kiệm đưa cho khách hàng nhưng không hạch toán vào hệ thống.

Tội phạm về chức vụ phát hiện chủ yếu là đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, nhận hối lộ, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế để trục lợi. Điển hình như vụ cán bộ Cục Hải quan TP Hà Nội đảnh tráo hơn 150kg ngà voi và tang vật vi phạm trong một vụ án; vụ Chánh án TAND huyện Kỳ Sơn, Nghệ An nhận hối lộ để chạy án; vụ Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ nhận hối lộ để chạy chức.

Ngoài ra, phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm, tiêu cực tại nhiều dự án BOT giao thông, chủ yếu là vi phạm trong thủ tục đấu thầu (100% các dự án đều là chỉ định thầu), không công khai minh bạch dự án, kê khai đội vốn so với dự toán ban đầu; kê khai thu phí thấp hơn so với thực tế nhằm kéo dài thời gian thu phí.

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyến trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới còn phức tạp. Tình trạng sản xuất, buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, thuốc, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng vẫn phổ biến, trở thành vấn đề đáng lo ngại cho sức khỏe cộng đồng.

Các băng nhóm phức tạp trở lại

Trong quý, toàn quốc xảy ra 13.692 vụ phạm pháp hình sự, nhiều loại tội phạm giảm như giết người cướp tài sản, giết người, cướp giật... Tuy nhiên, hoạt động của các băng nhóm tội phạm côn đồ, hung hãn, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm gây án phức tạp trở lại ở một số địa phương gây dư luận xấu; phát hiện nhiều vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyến các loại vũ khí quân dụng.

Tội phạm giết người cướp tài sản tuy giảm mạnh song giết người do mâu thuẫn bột phát vẫn xảy ra nhiều; tội phạm có tính chất bạo lực, côn đồ đáng báo động về đạo đức xã hội (cá nhân hành xử nhau bằng bạo lực, ngang nhiên tấn công CSGT; người nhà bệnh nhân đánh nhân viên y tế...).

Tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản mặc dù giảm về số vụ nhưng vẫn chiếm tỉ lệ rất cao trong cơ cấu phạm pháp hình sự (gần 50%). Đáng lưu ý là hoạt động lợi dụng danh nghĩa nhà báo để lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản liên tiếp xảy ra. Tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em diễn ra ở nhiều địa phương.

Về môi trường, nổi lên vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi gây tác động xấu tới sức khỏe con người, thiệt hại lớn về kinh tế, dẫn đến phản ứng gay gắt của nhân dân. Tình hình mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép có chiều hương gia tăng. Khai thác rừng trái phép, vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng xảy ra nghiêm trọng tại một số địa phương khu vực Nam Trung Bộ . 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm