TP. Hồ Chí Minh: Người nắm tay người để vươn lên

TP Hồ Chí Minh, nơi được cả nước biết đến như mảnh đất “nghĩa tình”. Bao năm qua, với chương trình xóa đói, giảm nghèo, cùng rất nhiều chương trình thiện nguyện khác của các đoàn thể, xã hội, người dân, tất cả đã giúp hàng vạn phận người bước qua những nghịch cảnh, vươn lên xây dựng cuộc sống của chính mình.

Thổi nhịp sống cho những trái tim non

Năm 2007, gia đình anh Trần Văn Trường (huyện Nhà Bè, TP.HCM) đón đứa con gái đầu lòng. Suốt ba tháng đầu tiên, cô con gái Trần Nguyễn Ngọc Thanh Vân cứ khóc thét lên, hay ho và không ăn ngủ được. Hai vợ chồng đem con đi khám thì được bác sĩ kết luận bé Thanh Vân bị bệnh tim bẩm sinh.

Thời điểm đó, anh là công nhân trong Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Vợ anh chỉ buôn bán nhỏ ở nhà, kinh tế còn khó khăn nên chỉ có thể đưa con đi khám, cho uống thuốc cầm chừng để ngăn cơn bệnh diễn biến nặng. Khi thấy triệu chứng của con ngày càng nghiêm trọng, anh cùng vợ đưa con đến BV Tim Tâm Đức để khám. “Bác sĩ bảo rằng phải mổ gấp chứ không thể để lâu, vì có thể gây biến chứng và nguy hiểm đến tính mạng. Hai vợ chồng chỉ biết khóc và cảm thấy lo sợ, không còn chút niềm tin nào hết” - anh Trường nhớ lại.

Rời phòng bác sĩ, hai vợ chồng thất thần dắt tay nhau đi trong bệnh viện. “Khi ra đến cổng, bỗng có người đến hỏi han, bảo rằng ở bên Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM và ngỏ ý giúp. Khi nghe họ bảo là sẽ giúp con mổ tim, hai vợ chồng tôi không tin tưởng lắm vì không nghĩ có người dưng giúp mình. Những ngày sau, mọi người trong hội đến thăm hỏi rồi nhiệt tình giúp tôi hoàn thành thủ tục, hồ sơ để con nhập viện. Sau đó, bé được mổ tim và đến nay sức khỏe đã hoàn toàn ổn định” - anh Trường nói.

Bé Thanh Vân nay đã có thể vui chơi và đến trường cùng với các bạn. Hiện Vân sắp bước vào lớp 4 Trường Tiểu học Dương Văn Lịch (huyện Nhà Bè) và sức khỏe đang tiến triển tốt. “Hồi trước bé ốm yếu, bệnh tật nên đâm ra nhút nhát. Sau khi mổ tim thì bé dần hồi phục, sức khỏe cũng tốt hơn và tự tin đến trường. Gia đình tôi và bé Vân mang ơn tấm lòng của người TP này đến cả cuộc đời” - anh Trường xúc động nói.

Bé Thanh Vân chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM giúp đỡ. Chính từ nơi đây, hàng ngàn tấm lòng đã cùng chung tay giúp không biết bao phận người đứng lên từ bệnh tật hiểm nghèo.

Bà Trịnh Thu Nga (thứ hai từ trái) cùng các thành viên của Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM đang tìm hiểu tiếp những mảnh đời  khốn khó để tìm đến giúp đỡ. Ảnh: THANH TUYỀN

Bé Trần Nguyễn Ngọc Thanh Vân (bìa phải)đã khỏe mạnh sau lần mổ tim đang trò chuyện cùng mẹ và em. Ảnh: LT

Ông Lương Văn Phong đã vươn lên thoát nghèo từ những cặp nhím giống và sự hỗ trợ ban đầu của chính quyền địa phương. Ảnh: L.THOA

Nguyện suốt đời mang niềm vui cho người khác

Họ là thành viên của Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM, dù tuổi đã 80, 90 nhưng ai cũng tâm nguyện suốt quãng đời còn lại của mình chỉ mong muốn được giúp đỡ người nghèo khó.

Từng giữ chức giám đốc Bảo hiểm xã hội TP, sau khi về hưu, bà Trịnh Thu Nga (80 tuổi) xin vào hội để làm, hiện là phó chủ tịch thường trực của hội. Bà Nga tâm sự: “Mỗi đêm nằm xuống, cứ nghĩ rằng hôm nay mình đã giúp thêm được một người nào đó là lại thấy bình yên, lòng hạnh phúc vô cùng”.

Mấy hôm trước bà Nga cùng những người khác trao nhà tình thương cho gia đình bà Nguyễn Thị Em (gần 90 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè). Bà Em sống chủ yếu bằng tiền bán vé số hằng ngày với đứa cháu nhỏ. Nơi hai bà cháu sinh sống chỉ là cái chòi nhỏ nằm cạnh một con kênh và có thể sập bất cứ lúc nào. “Có những hôm bị người xấu giật hết vé số, tui không biết làm sao vì thằng cháu tui nó khờ quá, có biết gì đâu. Lúc đó chỉ biết khóc cho số phận của mình” - bà Em ngậm ngùi nhớ lại.

Ngày bà Nga cùng hội đến trao nhà tình thương, bà Em chỉ nằm một chỗ trên giường vì quá mệt. Mọi người hỏi thăm rồi dìu bà Em ra trước khoảnh sân của căn nhà mới. Nhìn thấy căn nhà, bà Em rưng rưng: “Có phải hôm nay tui là người trúng vé số không mọi người? Mọi việc cứ như trên trời rơi xuống vậy đó. Từ nay tui với thằng cháu khờ không sợ nắng mưa gì nữa rồi. Bây giờ dù có nhắm mắt tui cũng yên lòng vì cháu tui đã có nơi để ở”.

Không chỉ dừng lại ở việc xây nhà tình thương, hội còn xây mái ấm để nuôi dạy trẻ đường phố, mở một căn nhà hội nhập để giúp các em hòa nhập tốt với xã hội… Đối với các cụ già, hội cũng tổ chức khám bệnh miễn phí, chăm sóc sức khỏe, cải thiện bữa ăn đủ chất dinh dưỡng hơn…

 “Nhìn thấy một ngôi trường mới được xây, các cháu được đi học, được mang đồng phục đến lớp. Thấy nụ cười rạng rỡ của mọi người khi bước vào ngôi nhà mới, hay khi thấy họ có công ăn việc làm để trang trải thêm cuộc sống, chúng tôi lại có thêm động lực để làm tốt hơn nữa. Người già chúng tôi còn sức tới đâu thì sẽ làm tới đó, niềm hân hoan của người nghèo cũng chính là niềm vui của chúng tôi, có lúc mệt nhưng chỉ nghĩ vậy là có động lực để tiếp tục” - bà Nga chia sẻ.

Giúp dân tự thoát nghèo

Nhiều gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Bình Tân (TP.HCM) đã nhận được nguồn vốn từ các quỹ Vì người nghèo, Xóa đói giảm nghèo của quận ... để làm ăn chân chính, vươn lên thoát nghèo.

Gia đình ông Lương Văn Phong (53 tuổi, ngụ phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) vốn là một hộ nghèo, ông Phong lại bị khuyết tật chân tay bẩm sinh do sốt bại liệt nên không thể đi lại và lao động nhiều. Thu nhập gia đình bấp bênh nên đời sống rất khốn khó. “Chưa kể lắm lúc còn bệnh đau, có lúc gia đình lâm vào cảnh khó khăn lắm, đến con cái cũng không dám sinh vì sợ nuôi không nổi” - ông Phong kể.

Đến năm 2013, ông Phong nhận được hai cặp nhím cảnh giống từ Hội Nông dân phường Bình Trị Đông B và còn được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo nên quyết định đầu tư vào nghề mới. Ông mua thêm nhím giống về nuôi, gầy giống để bán.

Ông Phong chia sẻ: “Lúc con nhím đầu tiên đẻ năm con, tận mắt mình thấy bầy nhím con chào đời, được nâng niu chúng trên tay, tôi mừng lắm. Sau đó bán đi lứa nhím con đầu tiên, cầm trên tay số tiền thu được, tôi nghĩ rằng cuộc sống của mình đã mở ra”.

Đến nay, “trại” nhím nhỏ của ông Phong đã có 22 con nhím giống (18 con cái và bốn con đực), trong đó có nhiều nhím mẹ đang mang thai. Mỗi tháng ông Phong thu nhập trung bình khoảng 2,5 triệu đồng từ việc bán nhím cảnh. Hiện tại ông đang có ý định làm thêm nhiều chuồng nữa để nuôi thêm nhím, tăng thu nhập.

“Tôi không bao giờ quên những đồng tiền giúp đỡ quý báu đầu tiên ấy. Tôi sẽ làm hết mình để có thể đứng vững trên chính mồ hôi, nước mắt của mình và giúp đỡ người khác” - ông Phong tâm sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm