TP.HCM: 4 giải pháp cho các chương trình đột phá

Sáng 4-7, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020 đã khai mạc. Hội nghị diễn ra trong ba ngày, trọng tâm là sơ kết giữa nhiệm kỳ và đề ra nhiệm vụ cho nửa nhiệm kỳ còn lại.

Kinh tế phát triển theo chiều sâu

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá trong nửa nhiệm kỳ qua, một trong những kết quả nổi bật của TP là đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2016 tăng 8,05% thì đến 2017 là 8,25%, so với cả nước gấp 1,3 lần. Kinh tế TP phát triển theo chiều sâu, biểu hiện là tỉ lệ đóng góp của năng suất lao động vào tăng trưởng đang tăng dần lên.

Tuy nhiên, ông Nhân cũng nhìn nhận còn nhiều hạn chế chưa được khắc phục. Tỉ lệ xuất khẩu so với cả nước không tăng, cải cách hành chính chưa đạt tốp 5 cả nước, không ít chương trình đột phá còn nhiều lo lắng cần xem xét lại.

Ba khó khăn chính được ông Nhân đúc kết trong thực hiện các chương trình đột phá gồm: Thiếu vốn, giải phóng mặt bằng chậm và trật tự kỷ cương và trách nhiệm của người dân tham gia vào các chương trình liên quan chưa đảm bảo.

Để khắc phục những hạn chế trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng điều đầu tiên là cần thay đổi phương thức tổ chức triển khai các chương trình đột phá. Cụ thể trong đó mỗi chương trình phải có một vị chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND TP phụ trách trực tiếp. Thường vụ Thành ủy cũng phải phân công phó bí thư tham gia.

Ông Nhân cho rằng trong chương trình chống ngập, công tác quản lý nhà nước về ngập nước có thể sắp xếp lại, có thể tính toán điều chuyển từ Sở GTVT qua Sở Xây dựng cho phù hợp với quy định và thực tế.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đang phát biểu tại hội nghị. Ảnh:  TÁ LÂM

Thứ hai là phải ứng dụng công nghệ mới trong từng chương trình đột phá. Chẳng hạn để giảm kẹt xe, ngoài các giải pháp cứng về xây dựng cầu đường thì các giải pháp mềm là thực hiện điều tiết thông minh, nhà giữ xe thông minh trên toàn TP cũng rất cần thiết.

Giải pháp thứ ba là phải đảm bảo vốn, phải ưu tiên vốn, đẩy mạnh xã hội hóa một cách quyết liệt. Cùng đó là nâng cao vai trò của người dân tham gia vào các chương trình đột phá. Vận động người dân đừng xả rác để hạn chế ngập, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Giải pháp cuối cùng là phải có thay đổi đột phá về trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước từ vấn đề xây dựng không phép, trái phép, xử lý an toàn giao thông trên đường, xử lý rác.

Huy động 73.106 tỉ đồng chống ùn tắc giao thông

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đã báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện bảy chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP khóa X, trong đó đáng chú ý là hai chương trình chống ùn tắc giao thông và ngập nước.

Ông Liêm cho hay tình hình tai nạn và ùn tắc giao thông chưa được kéo giảm một cách bền vững do công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, nguồn vốn ngân sách phân bổ cho đầu tư hạ tầng giao thông vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Để khắc phục, trong thời gian tới ông Liêm cho biết TP sẽ thành lập tổ công tác liên ngành xây dựng cơ chế đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng hạ tầng giao thông. Cùng với đó là sẽ tập trung huy động các nguồn lực trong giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ với kinh phí dự kiến là 73.106 tỉ đồng để triển khai 74 dự án cấp bách. TP cũng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và không để tái chiếm.

Năm 2020 sẽ hoàn thành chống ngập cho 37 tuyến đường

Trong chương trình giảm ngập nước, ông Liêm cho biết TP đã giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập, 15 tuyến còn lại đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch. Đã giải quyết 4/9 tuyến đường ngập do triều.

Nhưng ông Liêm cũng thừa nhận những nhân tố tác động đến công tác chống ngập tuy đã được xác định ngay từ đầu nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục, thậm chí có mặt tác động trầm trọng hơn. Công tác chỉ đạo điều hành còn lúng túng, tầm nhìn còn hạn chế, chỉ mới tập trung giải quyết các giải pháp cấp bách, chưa tham mưu được những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài.

Trong thời gian tới, ông Liêm cho biết TP sẽ hoàn thiện sắp xếp cơ quan đột phá về quản lý nhà nước trong chống ngập, nghiên cứu điều chỉnh chức năng quản lý nhà nước về Sở Xây dựng. Ngoài ra, TP sẽ đẩy nhanh hoàn thành các dự án giải quyết ngập do triều kết hợp yếu tố biến đổi khí hậu vào cuối năm 2019, dự án bờ tả sông Sài Gòn và ba nhà máy xử lý nước thải (Tham Lương-Bến Cát, Bình Hưng giai đoạn 2 và Nhiêu Lộc - Thị Nghè).

Kinh tế TP.HCM duy trì tốc độ tăng trưởng mức 8,2%/năm

Báo cáo về tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội TP giai đoạn 2016-2018, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng TP đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và ổn định (duy trì ở mức 8,2% mỗi năm), môi trường đầu tư được cải thiện, niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư được nâng lên...

Trong thời gian tới, ông Phong cho biết TP sẽ quyết liệt triển khai cơ chế đặc thù, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, đảm bảo môi trường đầu tư bình đẳng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm