TP.HCM, Cần Thơ xin lùi thời gian sắp xếp huyện, xã

Chiều 20-9, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin cho báo chí.

Liên quan đến việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho hay đến thời điểm này, bộ đã nhận được phương án tổng thể của 44/46 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh họp báo tại Bộ Nội vụ.

Cũng theo ông Minh, đã có 19 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương gửi hồ sơ đề án đến Bộ Nội vụ. Bộ đã tổ chức hội nghị thẩm định đối với hồ sơ đề án của 12 tỉnh, TP (gồm Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nam, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ). Bảy tỉnh còn lại, bộ sẽ tổ chức hội nghị thẩm định vào các ngày 21 và 22-9.

“Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ đề án của hai tỉnh Bắc Giang và Thanh Hóa” -  ông Minh thông tin.

Bộ Nội vụ cũng cho biết đến nay vẫn còn hai TP trực thuộc Trung ương chưa gửi phương án tổng thể đến bộ là TP.HCM và Cần Thơ.

Cạnh đó, theo quy định chậm nhất đến ngày 31-8-2019, các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phải gửi hồ sơ đề án đến Bộ Nội vụ để tổ chức thẩm định. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 27/46 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chưa gửi hồ sơ đề án đến Bộ Nội vụ.

Cung cấp thêm thông tin sau đó, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), khẳng định căn cứ pháp lý đã có đầy đủ để các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Sau khi Bộ Nội vụ có ý kiến đối với phương án tổng thể, các địa phương xây dựng đề án lấy ý kiến nhân dân và thông qua HĐND các cấp.

“Những địa phương chậm so với tiến độ đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ xin được lùi thời gian. Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương sớm tổ chức triển khai thực hiện, thời gian lùi cũng không quá hai tháng” - ông Thành cho biết.

Cũng theo ông, phương án tổ chức sắp xếp cán bộ dôi dư là một trong những nội dung các địa phương gặp khó khăn. Trong các đề án gửi Bộ Nội vụ, các địa phương đều xây dựng lộ trình, phương án cụ thể để tổ chức, sắp xếp cán bộ dôi dư. Đề án nào chưa có nội dung này, Hội đồng thẩm định liên ngành đều yêu cầu địa phương bổ sung.

“Khó khăn liên quan đến cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đã tham mưu đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương có tháo gỡ khó khăn theo kiến nghị của các địa phương” - ông Thành khẳng định và nhấn mạnh, phương án sắp xếp cán bộ dôi dư phải do địa phương xây dựng. Trung ương chỉ hướng dẫn về chế độ chính sách liên quan đến việc sắp xếp. 

Theo kế hoạch, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp là 20 đơn vị (của 13 tỉnh, TP). Trong đó các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ngãi, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biện đề nghị tiến hành sắp xếp là tám ĐVHC cấp huyện; các tỉnh, TP Hà Tĩnh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Trị đề nghị chưa tiến hành sắp xếp 12 ĐVHC cấp huyện. Dự kiến sau khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, số lượng ĐVHC cấp huyện giảm là năm đơn vị. 

Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp là 638 đơn vị. Trong đó các tỉnh, TP đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp đối với 534 ĐVHC cấp xã; còn 104 ĐVHC cấp xã thì đề nghị chưa sắp xếp đợt này. Dự kiến sau khi sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp xã giảm là 556 đơn vị.  

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy