TP.HCM: Đảm bảo cuộc sống cho dân trong mùa dịch

Chiều 31-3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và quận, huyện để thảo luận và chuẩn bị triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Duy trì 1/3 cán bộ ở cơ quan, còn lại làm việc tại nhà

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cho biết các giải pháp của Chỉ thị 16 của Thủ tướng được nâng cao hơn một mức so với Chỉ thị 15 ra trước đó bốn ngày. Lý do là tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn, số ca tăng nhanh từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Dự báo dịch bệnh sẽ lan nhanh trong diện rộng, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân.

Theo ông Phong, thời gian thực hiện các giải pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên địa bàn TP.HCM sẽ kéo dài 15 ngày, bắt đầu từ ngày 1-4. “Các công việc, chương trình công tác của các cơ quan, đơn vị vẫn phải đảm bảo theo kế hoạch đã được duyệt, chỉ thay đổi phương thức, địa điểm làm việc và giao dịch của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức” - ông Phong nói.

Về số người làm việc trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, ông Phong yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị cần duy trì trực lãnh đạo và một bộ phận cán bộ làm việc tại cơ sở nhưng không quá 1/3 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, trừ những trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của thủ trưởng cấp trên và báo cáo UBND TP. “Số người làm việc ở cơ quan cũng phải đảm bảo cách nhau 2 m, nếu cơ quan nào có căn tin ăn uống cũng phải đảm bảo khoảng cách đó, nếu được thì mỗi người một bàn” - ông Phong nói và đề nghị chấp hành nghiêm.

Về phương thức làm việc, các cơ quan, đơn vị nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, phân công giao việc và quản lý công việc theo phần mềm văn phòng điện tử, chỉ những trường hợp thật sự cần thiết mới đến công sở. “Ngừng giải quyết những hồ sơ trực tiếp, chỉ giải quyết qua mạng, với những trường hợp khẩn cấp thì sẽ có hướng dẫn của Sở Nội vụ vào ngày 1-4 để triển khai thực hiện” - ông Phong nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Mua hàng ở siêu thị theo nhóm

Về cung cấp hàng hóa, người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu phải đảm bảo nguồn hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đầy đủ. Ông giao Sở Công Thương phối hợp với Saigon Co.op và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) triển khai các phương thức cung ứng hàng hóa, thực phẩm đầy đủ. “Cần mở rộng phương thức giao hàng hóa tại nhà, khuyến khích người dân đặt hàng trực tuyến với các cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm” - ông Phong nói.

Theo ông Phong, ông nghe phản ánh hiện có tình trạng các siêu thị Co.opmart số người đến mua hàng rất đông, tạo ra sự chen lấn và không đảm bảo được khoảng cách 2 m. Từ đó, ông Phong đề nghị ban lãnh đạo của Saigon Co.op cần phối hợp với các đơn vị chức năng để tổ chức, hướng dẫn mua hàng như thế nào theo từng nhóm, đảm bảo cự ly 2 m.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn đã có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn. Các chợ, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường sau 0 giờ ngày 1-4 để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Ký cam kết với các doanh nghiệp

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và xây dựng trên địa bàn, ông Phong đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện phối hợp với Liên đoàn Lao động vận động, tuyên truyền, giải thích về những quy định hướng dẫn thực hiện các nội dung của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng của TP.HCM. “Chủ tịch UBND các quận, huyện sẽ ký cam kết với các doanh nghiệp để đảm bảo an toàn mùa dịch” - ông Phong nói và khuyến khích cách làm này, như vừa rồi chủ tịch UBND quận Bình Tân đã ký cam kết với Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu chế xuất, ông Phong giao trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất sẽ ký cam kết với các doanh nghiệp. Ông Phong giao cho trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao ký cam kết với các doanh nghiệp ở đây.

Về chính sách hỗ trợ người vô gia cư, người mất việc do tạm dừng phát hành xổ số, ông Phong giao Sở LĐ-TB&XH triển khai và báo cáo với UBND TP trước 11 giờ ngày 1-4.

Tăng cường quản lý người giao hàng

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đề nghị các quận, huyện, đơn vị liên quan tăng cường quản lý những người giao hàng (shipper), mỗi nơi phải đăng ký số lượng, lộ trình nhật ký, biết những địa điểm nào tiếp xúc, người nhận hàng để dễ truy tìm.

Ông Bỉnh cũng đề nghị phải nhanh chóng phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng, khẩn trương cô lập cũng như đánh giá nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng để xử lý. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy