TP.HCM: Nhiều vụ tai nạn lao động nhất nước

Ngày 11-4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức họp báo thông tin tháng hành động về an toàn - vệ sinh lao động năm 2019.

Bộ LĐ-TB&XH họp báo về an toàn - vệ sinh lao động năm 2019. Ảnh: TP

Theo báo cáo, năm 2018, toàn quốc xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động, khiến hơn 8.200 người bị nạn, trong đó 1.039 người tử vong.

Thống kê cho thấy TP.HCM là địa phương xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất cả nước, với hơn 1.200 vụ, khiến 1.300 người gặp nạn, trong đó 101 người tử vong. Các địa phương khác cũng có số vụ tai nạn lao động cao như: Hải Dương, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái, Đồng Nai,…

Phân tích cũng chỉ ra lĩnh vực sản xuất xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất là xây dựng (chiếm 15,7%). Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; khai thác mỏ, khoáng sản…

Đáng chú ý, nguyên nhân dẫn tới tai nạn lao động phần lớn xuất phát từ phía người sử dụng lao động (chiếm 46,5%) với các vi phạm như: không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; tổ chức lao động và điều kiện lao động không đảm bảo; không huấn luyện an toàn lao động…

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn tới các vụ tai nạn giao thông có thể kể đến gồm tai nạn giao thông, nguyên nhân do người lao động vi phạm quy chuẩn an toàn,…

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thiệt hại do tai nạn lao động gây ra là rất lớn. Trong năm 2018, thiệt hại vật chất từ chi phí tiền thuốc, mai táng, bồi thường là gần 1.500 tỉ đồng, tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động lên tới hơn 127.000 ngày.

Năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động.

UBND tỉnh/TP chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm