TP.HCM sẽ có khu đô thị KHCN rộng 21.000 ha

Tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Khu công nghệ cao TP.HCM (2002-2017) và đón nhận huân chương Lao động hạng Nhất, sáng 29-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Tôi nhớ lại hình ảnh Khu công nghệ cao cách đây 10 năm còn rất hoang sơ. Các nhà máy, đơn vị nghiên cứu chưa nhiều. Đường sá, kết cấu hạ tầng còn hạn chế và còn khó khăn về nguồn vốn”.

Phải năng động hơn nữa

Vậy mà hôm nay, khi trở lại nơi đây, ông Nguyễn Xuân Phúc đã tỏ thái độ rất vui mừng trước những kết quả ấn tượng trong sự phát triển của Khu công nghệ cao suốt 15 năm qua. Thủ tướng cho biết ước tính cứ 1 đồng vốn đầu tư cho Khu công nghệ cao đã kích thích 21 đồng vốn khác đầu tư và sản xuất phát triển công nghệ cao. Điều đáng mừng là con số này còn tăng cao trong những năm tới.

Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cần đổi mới tư duy, năng động hơn nữa, có tầm nhìn phát triển theo kịp xu thế của thời đại, phấn đấu trở thành một thung lũng Silicon của khu vực và vươn lên tầm cỡ thế giới.

“Khu công nghệ cao TP phải là một trung tâm lớn về nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng hàng đầu về khoa học công nghệ. Đây phải là một đô thị sinh thái và thông minh, vườn ươm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao góp phần đưa TP.HCM trở thành đô thị thông minh đầu tiên của nước ta” - ông Phúc nói.

Để đạt được điều đó, thủ tướng đề nghị Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cần rà soát đánh giá lại các dự án đầu tư. Thủ tướng yêu cầu chỉ cấp phép cho các dự án đạt được yêu cầu về công nghệ cao, có năng lực tài chính, đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả và đúng mục đích.

Cùng đó là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, kể cả các nhà khoa học nước ngoài. Đầu tư phát triển các cơ sở và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển công nghệ mới.

Thủ tướng cũng đề nghị Khu công nghệ cao cần phối hợp tốt với ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường đại học, các viện nghiên cứu trong vùng để hình thành khu đô thị khoa học-công nghệ Đông Bắc TP, sớm đưa TP.HCM trở thành trung tâm lớn khoa học công nghệ của khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái) trao bằng khen cho các tập thể Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: T.LÂM

Nơi hội tụ “tinh hoa trí tuệ công nghệ”

Trước việc TP.HCM chuẩn bị đề án thành lập khu công nghệ cao thứ hai với mô hình tiên tiến là Công viên Khoa học-Công nghệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đề nghị lưu ý kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ.

 “Chính phủ tiếp tục thiết kế chính sách và ban hành chính sách pháp luật theo hướng tạo thuận lợi nhất để các khu công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao có giá trị cao phát triển” - Thủ tướng khẳng định.

“Tôi tin tưởng rằng Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ trở thành một trung tâm khoa học-công nghệ hàng đầu của Việt Nam và khu vực, là nơi hội tụ các “tinh hoa trí tuệ công nghệ”, là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của TP và cả nước” - Thủ tướng nói.

Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc hình thành Khu công nghệ cao đã làm lan tỏa và thúc đẩy phát triển khu công nghệ cao cho các tỉnh, thành khác trên cả nước. Điều này cho thấy chủ trương và tầm nhìn đúng đắn, sáng tạo, tiên phong để TP.HCM trở thành một trong những trung tâm khoa học-công nghệ cao của cả nước.

Bí thư Nhân đề nghị Ban quản lý Khu công nghệ cao TP phối hợp với các sở, ngành và các trường đại học để nghiên cứu đề xuất TP hình thành thêm một khu đô thị sáng tạo phía Đông TP trên ba địa bàn quận 2, 9 và Thủ Đức.

“Chúng ta sẽ có một khu đô thị với diện tích 21.000 ha và gần 900.000 dân với bốn đặc trưng: Khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư gần 7 tỉ USD và gần 36.000 lao động, trong đó có 7.000 kỹ sư. Cùng đó là khu các trường đại học với 4.000 giảng viên. Các khu công nghiệp đã và đang hình thành và khu đô thị Thủ Thiêm, tương lai là trung tâm hành chính của TP” - ông Nhân nói.

Ra đời cách đây 15 năm, Khu công nghệ cao TP.HCM đã thu hút 128 dự án công nghệ cao với tổng vốn đầu tư gần 7 tỉ USD. Trong đó hơn 10 tập đoàn công ty công nghệ cao đã có mặt như Intel, Microsoft, Samsung, Nidec, Schneider, Sanofi... tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động.

Giá trị gia tăng của sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao đã gấp khoảng ba lần so với các khu công nghiệp bình thường. Mức doanh thu năm 2017 dự kiến đạt gần 12 tỉ USD được coi là cột mốc đáng ghi nhớ và cũng là cơ sở để Khu công nghệ cao phấn đấu doanh thu khoảng 20 tỉ USD vào năm 2020.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy