TP.HCM: Sức bật từ nội lực và sáng tạo

“40 năm là cả một chặng đường rất dài. Thời gian, trí tuệ và sức lực của con người đã xóa dần ký ức đau thương và sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín mở đầu cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM khi nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển TP.HCM.

Ông Tín nhìn nhận những thành tựu đạt được trong 40 năm qua là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, để đảm đương nhiệm vụ của một trung tâm kinh tế, văn hóa và giao dịch quốc tế của cả nước, đảng bộ và chính quyền TP còn rất nhiều việc phải làm. Thời kỳ tới nhiệm vụ còn nặng nề và khó khăn hơn rất nhiều.

Đồng sức, đồng lòng đi qua khó khăn

. Phóng viên:Bốn thập niên trôi qua, dáng dấp của một đô thị hiện đại TP.HCM đang dần được định hình. Nhìn lại những chặng đường đã qua, theo ông những yếu tố quyết định nào đã giúp TP.HCM làm nên những thành quả như hôm nay?

+ Ông Nguyễn Hữu Tín: Qua các thời kỳ, dù gặp rất nhiều khó khăn và thử thách nhưng đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã đồng sức, đồng lòng, đoàn kết để bước ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, hướng tới một TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Cùng với sự hỗ trợ của trung ương và các bộ ngành, TP.HCM đã đi lên bằng chính nội lực mạnh mẽ, từ sự sáng tạo, quyết liệt của chính quyền TP đến sự đồng thuận, ủng hộ của toàn dân. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng và quyết định đến những thành quả đạt được hôm nay.

. Những khó khăn, thách thức nào mà TP đã từng phải đối mặt trong quá trình xây dựng và phát triển, thưa ông?

+ Để tổ chức thực hiện quy hoạch chung và quy hoạch giao thông TP, lãnh đạo TP qua các thời kỳ đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Thời kỳ đầu còn rất nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách nên nhiều dự án TP vừa làm vừa phải xin ý kiến Chính phủ. Chẳng hạn, dự án cải tạo môi trường nước ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thực hiện trong bối cảnh chưa có khung pháp lý, TP phải xin từng phần cơ chế chưa có tiền lệ từ trung ương và tìm ra những cách làm phù hợp của riêng mình nên dự án bị kéo dài qua nhiều giai đoạn (xin xem thêm ở bài ““Giải cứu” những dòng kênh”, Pháp Luật TP.HCM ngày 29-4).

Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai là về nguồn vốn. Vì từ nay đến năm 2025, để thực hiện quy hoạch hạ tầng như làm cầu, đường, hầm chui, cầu vượt, vòng xoay, metro… theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì TP cần phải có khoảng 40 tỉ USD. Trong 10 năm thì mỗi năm phải mất 4 tỉ USD. Trong khi đó ngân sách của TP chỉ đáp ứng 15%-20% con số này. Số còn lại, ngoài một phần là hỗ trợ từ trung ương và các bộ ngành, TP vay ODA để thực hiện các dự án về cải thiện môi trường, sông, kênh rạch. Riêng hạ tầng thì TP phải huy động các nguồn lực trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức như BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) đổi đất lấy hạ tầng, sắp tới đây là thực hiện theo hình thức PPP. (hợp tác công-tư).

Khó khăn thứ hai cũng không hề nhỏ là công tác vận động, thuyết phục người dân, đặc biệt là những hộ bị ảnh hưởng bởi dự án chia sẻ và đồng thuận với chính quyền TP thực hiện dự án. Câu chuyện giải tỏa hơn 5.000 hộ dân để làm dự án đại lộ Đông Tây, hơn 4.000 hộ dân tại đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài hay hơn 7.000 hộ dân trong dự án cải tạo, chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè… là những bài toán khó của TP qua các thời kỳ.

Nút giao thông Cát Lái, quận 2 góp phần đáng kể việc giải quyết ùn tắc xe, kết nối hạ tầng trong sự phát triển kinh tế. Ảnh: HTD

Sáng tạo và quyết liệt

. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, ngân sách hạn hẹp trong khi vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch cũng rất cấp bách để đáp ứng nhu cầu phát triển của TP. Đổi đất lấy hạ tầng được cho là cách làm sáng tạo, giải quyết được vấn đề rất lớn về nguồn vốn, ông có thể cho biết rõ hơn cách làm này?

+ Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp thì đổi đất lấy hạ tầng là một trong những phương thức TP áp dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị. Đầu tiên được thể hiện qua dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Nguyễn Văn Linh dài 17,8 km, triển khai thực hiện từ nhiệm kỳ 1991-1995 của Đảng bộ TP. TP đã áp dụng phương thức đổi đất lấy hạ tầng thông qua hợp đồng cho Tập đoàn CT&D của Đài Loan thuê hơn 600 ha đất dọc theo đường Nguyễn Văn Linh để khai thác, kinh doanh. Đổi lại, họ bỏ vốn đầu tư toàn bộ tuyến đường Nguyễn Văn Linh và xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho 150 ha đất công trình công cộng trong tổng số hơn 750 ha đất được giao. Sau đó Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng (giữa Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận của Việt Nam và Tập đoàn CT&D) được thành lập để cùng khai thác hơn 600 ha đất nói trên.

Thời kỳ đó, đây là cách làm chưa có tiền lệ tại TP.HCM. Sau khi hoàn thành, tuyến đường Nguyễn Văn Linh đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế cho cả một vùng. Không những thế, khu đô thị Phú Mỹ Hưng dọc theo tuyến đường này vốn trước đây là một vùng đầm lầy được đầu tư xây dựng và trở thành khu đô thị mới kiểu mẫu của cả nước.

Một công trình giao thông trọng điểm khác là tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài cũng áp dụng hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Đây thực chất là dự án triển khai theo mô hình BT về hạ tầng giao thông đầu tiên tại Việt Nam do đơn vị nước ngoài là Công ty Xây dựng GS E&C (Hàn Quốc) hợp tác với chính phủ Việt Nam. Tuyến đường này là trục hướng tâm quan trọng trong quy hoạch hệ thống giao thông của TP nối từ sân bay Tân Sơn Nhất - các quốc lộ 13 - 1A - 1K, qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức.

Tiếp tục xây dựng đồng bộ hạ tầng

. Ông có thể phác họa những nét cơ bản nhất của hạ tầng đô thị TP trong 5-10 năm tới?

+ Như đã nói, để hoàn chỉnh được toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị theo quy hoạch thì phải mất 40 tỉ USD. Muốn có một đô thị hiện đại thì phải xây dựng đồng bộ hệ thống kết nối cầu đường, đường vành đai, trục xuyên tâm… Việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị còn phụ thuộc vào khả năng tổ chức thực hiện, đặc biệt là vấn đề huy động sức dân cũng như các nguồn lực trong và ngoài nước vì nguồn vốn vay ODA sắp tới cũng không nhiều.

Do đó, trước mắt TP đang cố gắng tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng kết hợp với yếu tố hiện đại. Trong đó, một số công trình mang dáng dấp của một đô thị hiện đại đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như cầu Phú Mỹ, các tuyến đường huyết mạch như Võ Văn Kiệt, Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, xa lộ Hà Nội, cao tốc Long Thành - Dầu Giây.

Riêng metro tuyến số 1 và số 2 đang được TP tập trung đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác trước năm 2020. Hiện TP đang đàm phán để tiếp tục đầu tư tuyến metro số 5. Những công trình này đã và đang hoàn thiện sẽ tạo ra động lực rất lớn để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của TP.

. Xin cám ơn ông.

Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài theo hình thức BOT với nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 300 triệu USD, cầu Phú Mỹ 150 triệu USD với nhà đầu tư trong nước… Các tuyến đường giao thông huyết mạch như cầu Sài Gòn 2, xa lộ Hà Nội, TP phải huy động đầu tư thông qua hình thức BOT, BT chứ bằng vốn ngân sách thì không thể nào đáp ứng nổi.

________________________________________

Ngày trước dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đen thui, chằng chịt cỏ rác và bốc mùi hôi thối dữ lắm. Sau này Nhà nước giải tỏa, cải tạo dòng kênh, sửa sang hè phố, nước sông mới được lọc sạch như bây giờ. Thấy TP làm được như vậy tôi mừng lắm, mà ở đây ai cũng đều phấn khởi cả, chiều nào tôi cũng ra ngoài bờ kênh ngồi hóng mát, con người cũng khỏe khoắn hẳn ra.

Bà Trần Thị Gái, 70 tuổi, phường 10, quận 3

Khi dân cư đông dần, con kênh Tân Hóa - Lò Gốm này ngày càng ô nhiễm. Khoảng từ năm 1985, dòng kênh bắt đầu đen dần. Sau đó nhiều người không gọi kênh Tân Hóa - Lò Gốm nữa mà kêu là kênh thối. Hồi đó muỗi nhiều vô kể. Chiều tối là nhà nào cũng phải lo đóng cửa, giăng màn. Bọn trẻ muốn uống cà phê phải chạy tuốt qua quận 11. Đâu ai ngờ bây giờ hai bên kênh lại là đường đi rộng lớn, có cây cỏ xanh tươi, đẹp đẽ như thế này.

Bà Nguyễn Thị Phấn, 66 tuổi, khu phố 2,
phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú

L.THOA - T.THANH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm