TP.HCM trân trọng những đóng góp của kiều bào

Chiều 29-1, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức buổi họp mặt kiều bào mừng xuân Bính Thân 2016. Đây là một hoạt động truyền thống hằng năm của TP nhằm thể hiện tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo TP với cộng đồng kiều bào đang sinh sống và làm việc tại TP, cũng như ở khắp nơi trên thế giới về quê hương đón tết. Năm nay có khoảng 700 kiều bào ở nhiều nước và vùng lãnh thổ về họp mặt.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và MTTQ Việt Nam TP.HCM đã cùng đến dự buổi họp mặt ý nghĩa này.

Kiều bào đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của TP

Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã thăm hỏi ân cần và chúc mừng năm mới kiều bào. Ông Phong cho biết trong năm qua dù tình hình gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng chung sức của các tầng lớp nhân dân TP, sự quan tâm đầu tư của kiều bào ta ở nước ngoài, TP đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2015, kinh tế TP tiếp tục phục hồi và tăng trưởng… Tính đến cuối năm 2015, GDP trên đầu người của TP.HCM ước đạt 5.533 USD.

Theo ông Phong, để đạt được thành quả đó có phần đóng góp không nhỏ của kiều bào ta ở nước ngoài. Trong những năm qua, nhờ có nhiều chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp kiều bào về làm ăn sinh sống, đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh... trên địa bàn TP. Lượng kiều hối chuyển về TP ngày càng nhiều hơn, bình quân mỗi năm tăng 8%-10%, riêng năm 2015 ước đạt khoảng 5,5 tỉ USD (tăng 10% so với năm 2014). Bên cạnh đó cũng có nhiều kiều bào thường xuyên về TP tham gia các hoạt động từ thiện như ủng hộ xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, giúp đỡ người nghèo, người khó khăn, giúp đồng bào thiên tai lũ lụt, góp kinh phí xây trường học… “Điều này cho thấy cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về cội nguồn quê hương, đất nước, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Lãnh đạo TP luôn trân trọng và ghi nhận những đóng góp quý báu đầy nghĩa tình và tôi cũng luôn mong rằng truyền thống này luôn được phát huy và tiếp nối cho các thế hệ mai sau” - ông Phong nói.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng thăm hỏi, chúc mừng năm mới kiều bào đang làm ăn, nghiên cứu, giảng dạy tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người đứng đầu chính quyền TP cũng khẳng định trong năm qua Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã phối hợp tốt với các sở, ngành tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ để thông tin về những chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, cư trú, nhà ở, thừa kế, quốc tịch và nắm bắt các vướng mắc để kịp thời giải quyết, tạo điều kiện tốt nhất để trí thức kiều bào về nước nghiên cứu, giảng dạy… “Tôi mong bà con kiều bào tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, nâng cao vai trò là đầu mối quan trọng để tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh về TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn nữa trong năm 2016 và những năm tiếp theo góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM trở thành TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” - ông Phong nói.

Dốc hết sức đầu tư cho quê hương, đất nước

Thay mặt kiều bào, TS Nguyễn Quốc Bình (kiều bào Canada) đã kể câu chuyện của ông khi bán sạch nhà cửa, xe cộ để trở về quê hương làm việc. Ông là một trong hai người đầu tiên xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. TS Bình kể: “Trong một lần về nước, một đồng nghiệp nói TP mong muốn xây một trung tâm công nghệ sinh học. Sau đó tôi đã gặp anh Nguyễn Thiện Nhân (lúc bấy giờ là phó chủ tịch UBND TP.HCM) trao đổi về ý tưởng. Anh Nhân đưa ra yêu cầu là trung tâm phải ngang tầm khu vực và 30 năm sau vẫn chưa lạc hậu.

“Ngẫm nghĩ, tôi quyết tâm làm. Tôi đã thực hiện sách lược là cắt hết đường lui. Tôi trở lại Canada bán hết nhà cửa, xe cộ để nếu có gặp khó khăn hay thất bại, mình không còn đường lui mà phải ở lại Việt Nam xây dựng cho bằng được trung tâm. Với kinh nghiệm gần 20 năm làm việc ở nước ngoài, tôi phác thảo ra một trung tâm theo hai tiêu chí mà anh Nhân yêu cầu”.

Và sau 10 năm gây dựng, ông Bình tự hào thông báo trước sự chứng kiến của 700 kiều bào là trung tâm đã được đưa vào sử dụng cách đây năm tháng. Trung tâm Công nghệ sinh học của TP được coi là lớn nhất Việt Nam và không thua kém gì những trung tâm hiện đại nhất của khu vực Đông Nam Á. Hiện nay trung tâm có 80 thạc sĩ, tiến sĩ tuổi đời đều dưới 30 được đào tạo bằng chương trình nước ngoài.

TS Bình chia sẻ rằng Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang có chính sách mời gọi chuyên gia kiều bào trở về làm việc cho quê hương, đất nước, cần lưu ý một số điểm quan trọng. Đó là cần ưu tiên chuyên gia có kinh nghiệm, mạnh dạn trao trọng trách cho họ không cần tính đến tuổi hưu, cần có nơi tiếp nhận và các chương trình cụ thể cho các chuyên gia đó và những người tiếp nhận chuyên gia phải có ý thức như tiếp nhận tài sản quốc gia. “Kinh nghiệm hơn 11 năm về làm việc của tôi tại Việt Nam cho thấy kiên trì thì mới có thành công được” - TS Bình đúc kết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm