TP.HCM trợ lực để doanh nghiệp hồi sinh

Tối 8-10, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã livestream trong chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” với chủ đề “Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới” ở TP.HCM.

Nhiều chính sách giãn nợ, khoanh nợ... cho doanh nghiệp

Mở đầu buổi livestream, anh Hồng Thanh, một người dân sống trên địa bàn TP.HCM, đặt câu hỏi cho lãnh đạo UBND TP, rằng hiện nay có nhiều doanh nghiệp (DN) phải đóng cửa, phá sản do dịch bệnh, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. “Lãnh đạo TP.HCM có kế hoạch hỗ trợ trực tiếp cho DN nhỏ và vừa trong tình hình mới như thế nào?” - anh Thanh đặt câu hỏi.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đang trả lời người dân,
doanh nghiệp tại buổi livestream tối 8-10. Ảnh: TTBC

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết tình hình dịch bệnh hiện nay cơ bản được đẩy lùi, TP tập trung vào tổ chức lại sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận cùng sống và làm việc trong môi trường có dịch COVID-19. “Tất cả chủ thể trong xã hội, người dân và DN đều phải tìm cách thích nghi, linh hoạt để phát triển kinh tế phù hợp với tình hình” - theo bà Thắng, trước khi mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo TP.HCM rất cân nhắc các bước cho kế hoạch này. Cụ thể, ngay từ chiến dịch tiêm vaccine đầu tiên, TP đã ưu tiên tiêm cho người lao động, công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất và Khu công nghệ cao. “Việc này nhằm đảm bảo sau khi mở cửa trở lại, TP có được 70%-80% người lao động trong các khu vực này đã được tiêm hai mũi vaccine” - bà Thắng nói và cho rằng những người tham gia hệ thống cung ứng hàng hóa thiết yếu cũng đảm bảo điều kiện này.

Sau khi mở cửa ngày 1-10, công nhân và DN gặp khó khăn, kể cả ngân sách của TP.HCM cũng gặp khó khăn. “Toàn bộ kinh phí, ngân sách mặc dù đầu năm có tính toán nhưng không ai tiên lượng được dịch bệnh phức tạp như vậy” - bà Thắng cho hay.

Với khó khăn về vốn của DN, bà Thắng cho biết TP.HCM đã làm việc với hệ thống các ngân hàng để ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN, tập trung vào các hạng mục chính là giãn, giảm, khoanh nợ và không cho nhảy nhóm nợ đối với các DN đang vay vốn. Riêng các DN vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ kinh doanh, cá nhân có nhu cầu tiếp cận vốn cần liên hệ với các ngân hàng chính sách, các tổ chức hội đoàn ngay trên địa bàn đăng ký nhu cầu như Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên hoặc quỹ CEP...

Cũng theo bà Thắng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ được cho vay không quá 2 tỉ đồng, cá nhân không quá 100 triệu đồng. Còn các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo… cũng sẽ được vay nhiều lần nhưng tổng số lần vay không quá 100 triệu đồng với lãi suất 0,5%/tháng.

Sẽ miễn, giảm thuế ra sao?

Trả lời đề nghị lãnh đạo TP.HCM công bố chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế cho DN, bà Phan Thị Thắng cho biết thực tế hiện nay, nhiều DN sau khi vay được vốn thì lại không thể kinh doanh do giãn cách xã hội nên không có lợi nhuận nhưng vẫn phải nộp thuế. Bà Phan Thị Thắng nhìn nhận có tình trạng người dân có thể tiếp cận được vốn nhưng khi sản xuất, kinh doanh chưa có lời đã phải đóng các khoản thuế sẽ rất khó khăn cho DN. Thời gian qua, một số chính sách đã và đang chuẩn bị ban hành để hỗ trợ nhóm này. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 gia hạn thời gian nộp thuế cho DN, cá nhân, hộ kinh doanh như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất... “Thay vì cuối tháng, cuối quý thì được gia hạn nộp thuế tới cuối năm” - bà Thắng thông tin.

Ngoài ra, Nghị quyết 68 của Chính phủ có chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh với mức 3 triệu đồng/người, điều kiện là phải có hợp đồng lao động, đăng ký kinh doanh, mã số thuế… và thời gian qua, TP.HCM cũng đã chi trả khoản này.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết để tạo điều kiện cho DN và cơ sở kinh doanh, Cục Thuế TP.HCM đã kết hợp với quận, huyện để hoàn thuế sớm hơn, ngay bây giờ thay vì cuối năm. Nhiều lần, UBND TP đã chỉ đạo Cục Thuế nhanh chóng hoàn thuế cho các cơ sở kinh doanh, nếu đủ tiêu chí thuế VAT và các khoản thuế, đã nộp hồ sơ để kịp thời giúp DN sản xuất, kinh doanh lại.

Kết nối với các tỉnh đón người lao động trở lại TP

TP.HCM có tổ chức tìm việc cho lao động thất nghiệp? Bà Phan Thị Thắng cho biết thời gian qua, số người về quê rất nhiều dù TP và các tỉnh, thành đã vận động bà con ở lại với TP, tiếp tục làm việc. Bà cho rằng sau thời gian nghỉ ngơi, một số trường hợp sẽ quay lại TP làm việc, một số khác sẽ chọn ở lại quê hương.

“Những ngày qua, TP nhận được thông tin người dân ở các địa phương đăng ký quay lại làm việc rất nhiều. TP đã tính toán và hiện nay DN, hiệp hội, khu công nghiệp… sẽ tổng hợp danh sách người lao động ở các tỉnh” - bà Thắng nói và cho biết Sở GTVT sẽ kết nối với các tỉnh để đón người lao động trở lại TP.HCM làm việc. Người nào mong muốn có việc làm có thể liên hệ cơ quan cũ hoặc đến trung tâm giải quyết việc làm của Sở LĐ-TB&XH hoặc Đoàn Thanh niên để được hỗ trợ miễn phí.

Hỗ trợ chi phí phát sinh liên quan chống dịch

Liên quan đến phí xét nghiệm khiến DN khó khăn, anh Hữu Khánh đặt câu hỏi: “TP có chính sách gì để hỗ trợ cho chúng tôi không?”.

Bà Phan Thị Thắng cho biết bà rất hiểu khó khăn của DN trong việc này. Đơn cử như mỗi lao động sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”, DN phải tốn chi phí 4-5 triệu đồng/người trong vòng một tháng, nếu DN có cả ngàn công nhân thì chi phí này là một gánh nặng lớn. “Để hỗ trợ DN, TP đã có những kiến nghị cụ thể, trình bày với lãnh đạo. Tuy chưa được phê duyệt nhưng thời gian tới, việc sản xuất, kinh doanh sẽ theo hướng tất cả chi phí phát sinh của DN để phòng chống dịch bệnh thì sẽ được hạch toán”.

Về việc đứt gãy chuỗi cung ứng khi chính sách mở cửa giữa các địa phương chưa đồng bộ, bà Phan Thị Thắng cho biết thời gian qua, TP cố gắng để đảm bảo nguồn cung về lương thực, thực phẩm cho người dân nhưng chỉ đảm bảo được những gì thiết yếu nhất. TP.HCM đang lên kế hoạch tổ chức hội chợ kết nối các sản phẩm với các tỉnh, TP lân cận để đảm bảo nguồn cung các sản phẩm khác, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa giữa các địa phương.•

Tin vui cho các hộ kinh doanh

Bà Thắng cho biết tin vui là các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ có thể được miễn toàn bộ số thuế phải nộp của quý III và quý IV. “Đây là tin vui và tôi mong rằng Chính phủ sớm ban hành chính sách này để hỗ trợ cho DN” - bà Thắng nói.

Bà cũng cho biết TP.HCM đang xem xét và tính toán trên tình hình thực tế để có thể tiếp tục từng bước mở cửa các hoạt động khác sau ngày 15-10. 

 

Dự kiến ngày 1-11 sẽ mở lại một số tuyến xe khách liên tỉnh

Tại buổi livestream, chủ một DN vận tải hành khách liên tỉnh cho biết trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, DN của ông dừng mọi hoạt động kéo dài dẫn đến kinh tế kiệt quệ: “Xin lãnh đạo TP.HCM cho biết khi nào triển khai mở lại vận tải hành khách liên tỉnh? Bởi vì hiện nay DN của tôi rất khó khăn, kiệt quệ, nếu kéo dài mãi sẽ phá sản”.

Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho biết bà rất xúc động và chia sẻ đối với những DN bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, nhất là lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch... “Vận tải hành khách liên tỉnh có nghĩa là xe vận chuyển người đi qua các tỉnh khác. Như vậy sẽ có sự lệ thuộc đối với các tỉnh khác. Xe mình chạy đến tỉnh nào đó thì phải được tỉnh đó đồng ý. Sở GTVT TP.HCM đã chủ động làm việc với các tỉnh, thành để có sự thống nhất về vấn đề đi lại liên tỉnh. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh của các tỉnh, thành. Sở GTVT đang tính toán và kỳ vọng ngày 1-11 sẽ tổ chức lại một số tuyến xe khách liên tỉnh, còn tỉnh nào thì chưa trả lời ngay được” - bà Thắng nói và cho biết từng bước sẽ mở rộng thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm