Tranh chấp đất trên mặt trăng, toà xử thế nào?

“Nếu Luật quy định chung chung thế này thì giải quyết rất phức tạp, vụ việc gì người dân cũng đưa ra và đề nghị toà án thụ lý, giải quyết, chẳng hạn 2 bên dân sự đưa ra tòa tranh chấp đất trên mặt trăng thì tòa giải quyết làm sao?”, ông Nhã nói.

Tranh chấp đất trên mặt trăng, toà xử thế nào? ảnh 1
 Ông Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban QUốc phòng, An ninh.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, ông Nguyễn Văn Hiện cho rằng cần cân nhắc về quy định này để đảm bảo tính khả thi, tránh tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất. “Anh bảo vệ gì cũng phải trên tinh thần Hiến pháp và pháp luật. Ta vì dân nhưng phải giải quyết được việc chứ lộn xộn thêm là gay. Hầu hết quyền dân sự ta giải quyết được hết rồi. Số việc không có luật áp dụng rất ít nhưng lại rất phức tạp và rất khó. Do đó nên hết sức cân nhắc”, ông Hiện lưu ý.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng lại cho rằng “chưa có luật thì Toà vẫn phải giữ cán cân công lý”, vì đây là tinh thần đã được nêu trong Hiến pháp 2013 (Điều 102). “Hiến pháp nói bảo vệ công lý và cũng nói theo pháp luật, nhưng chưa có luật thì phải giải quyết được cái công bằng, lẽ phải, để cuộc sống bình yên. Sau này bổ sung vào luật và luật sẽ hoàn thiện. Toà không xử là không được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chức năng nhiệm vụ của Toà án là bảo vệ công lý, tức có luật thì theo luật, không có luật thì theo lẽ phải để xét xử. Việc dân sự cốt ở hai bên, nhưng nếu hai bên không giải quyết được thì đưa ra tòa, mà ra tòa thì tòa phải đưa ra nguyên tắc lẽ phải để cầm cân nảy mực, để phán việc này. “Nếu không dựa vào tòa thì nhân dân biết dựa vào đâu, biết trông ai giải quyết. Lẽ phải tòa án căn cứ vào đâu, vào các đạo lý tương tự, tập quán tương tự, lẽ phải tương tự và đưa ra để các bên dân sự chấp nhận. Pháp lý gì cũng phải có lẽ phải. Nếu không tranh tụng, không căn cứ trên lẽ phải thì không cần gì đến tòa án nữa, không còn quyền tư pháp. Nếu cứ có luật mới xử, không có luật mặc kệ thì không được”, Chủ tịch Quốc hội nói. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc Toà án công nhận bản thỏa thuận giữa 2 bên dân sự hay không thì có thể tùy trường hợp, khi đã công nhận thì bản thỏa thuận đó phải có giá trị lâu dài và phải thực hiện đúng.

Đồng ý với quan điểm này, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào nói: “Để thực hiện bảo vệ công lý thì toà không thể đứng ra từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Nếu sự tranh chấp nói trên mà cơ quan thực hiện quyền tư pháp không đứng ra thì trật tự xã hội thế nào, để họ tự quyết thì khó. Do đó nên mở rộng việc Toà án không được từ chối”.

Theo ông Hào, để đảm bảo Toà án vẫn tiếp nhận xét xử vụ việc, tránh xét xử tuỳ tiện thì “cái nào chưa có luật thì có quy định chung của Hiến pháp, có tập quán tương tự, án lệ, lẽ công bằng...”. Dựa trên cơ sở đó thẩm phán, HĐXX áp dụng nguyên tắc chung để thực hiện. Bên cạnh đó, ngoài cấp sơ thẩm còn có phúc thẩm, giám đốc thẩm, và xem xét của HĐTP TANDTC, nên khó xảy ra tính tùy tiện. Cấp dưới sai lầm thì có cấp khác khắc phục.

Cùng nội dung này, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc, ông Ksor Phước cũng cho rằng: “Tính pháp lý phải giữ là đây, là sự tự nguyện của hai bên đề nghị toà giải quyết. Toà từ chối là không được vì ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền”. 

Vậy toà xử thế nào đối với vấn đề chưa có luật quy định, theo ông Phước, toà tiếp nhận và làm việc với hai bên để thống nhất với nhau để xác định căn cứ, tiêu chí, những điểm mang tính nguyên tắc như có hợp đồng, không có hợp đồng. Nếu hai bên đồng ý với những điểm phương thức chung thì toà xử theo cách đó, và hai bên phải chấp nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm