Trêu ghẹo người đẹp

Theo hồ sơ, tối 29-12-2011, thấy chị H. xinh đẹp, gợi cảm chạy xe dạo mát một mình, T. tăng tốc vượt lên chọc ghẹo người đẹp. Tuy nhiên, T. chỉ nhận cái liếc xéo và không thèm trả lời của chị H.

Chưa rõ có tội hay không

Bực tức, T. liền cho xe chạy chậm lại rồi bất ngờ từ phía sau kéo dây áo duy nhất sau lưng của chị H. Quá bất ngờ, chị H. buông tay lái để giữ áo không rơi xuống khiến chiếc xe không may lao vào xe khác làm chị H. ngã chấn thương nặng và chết sau vài ngày cấp cứu...

Do đây là tình huống khá mới nên cơ quan tố tụng một địa phương ở TP.HCM gặp khó khăn trong việc xác định tội danh cũng như cân nhắc có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với T. hay không.

Có quan điểm cho rằng T. không phạm tội bởi ngay từ đầu, T. không hề có ý định gây ra cái chết cho nạn nhân. Chị H. buông tay lái vịn áo rồi ngã xuống đường sau hành động của T. chỉ là một tai nạn đáng tiếc.

Trêu ghẹo người đẹp ảnh 1

Ngược lại, có quan điểm cho rằng không thể cứ nói không có ý định gây ra cái chết cho nạn nhân thì T. không phải chịu trách nhiệm. Nguyên do những vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người thường thì người gây ra tai nạn không hề có ý định gây ra cái chết cho nạn nhân nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong vụ này, T. phải bị truy cứu...

Tranh cãi cả về tội danh

Nhưng T. sẽ bị truy cứu về tội danh gì? Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cho rằng T. hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi của mình sẽ gây nguy hiểm cho chị H. Bởi chị đang chạy xe máy và T. có thể biết trước chị H. sẽ phản ứng buông tay lái rồi bị tai nạn và dẫn đến cái chết. Tuy nhiên, T. vẫn làm. Như vậy, dù T. không mong muốn hậu quả chết người nhưng đã để mặc cho nó xảy ra. Thế nên T. phạm tội giết người.

Tranh cãi lại, một số chuyên gia cho rằng khó lập luận cho rằng T. phạm tội giết người mà chỉ có thể xử lý T. về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Luật sư Lê Quang Y (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) không đồng tình với hai tội danh trên. Theo luật sư, chỉ có thể xử tội giết người hay cố ý gây thương tích dẫn đến chết người một khi hành vi của người này buộc người khác rơi vào một tình thế có thể dẫn đến cái chết. Nói rằng hành vi kéo áo của T. sẽ đưa người bị hại vào tình thế trực tiếp dẫn đến cái chết là khiên cưỡng.

Còn luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (Đoàn Luật sư TP.HCM) bảo ngay từ đầu T. chỉ có ý định chọc ghẹo nạn nhân nhưng nó vô tình đẩy người khác vào tai nạn đáng tiếc dẫn đến cái chết. Hậu quả chết người trong vụ án này là ngoài ý muốn của T. Vì vậy, T. phạm tội vô ý làm chết người.

Có thể truy cứu tội vô ý làm chết người

Nguyên tắc của pháp luật hình sự nước ta chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả trực tiếp do hành vi vi phạm gây ra. Còn ở đây, việc kéo áo của T. chỉ dẫn đến việc chị H. buông tay lái để giữ áo chứ không thể suy đến việc T. trực tiếp làm chết nạn nhân để truy cứu tội giết người. Trong vụ án này, hành vi của T. chỉ có thể truy tố về tội vô ý làm chết người vì lỗi quá tự tin không ngờ dẫn đến hậu quả chết người.

Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm