Triển khai mọi phương án để cứu người bị vùi lấp

Chiều 29-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện yêu cầu khẩn trương cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Khẩn trương cứu người bằng mọi cách

Trong công điện, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi đến những người dân bị nạn và gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người thân bị thiệt mạng do sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Thủ tướng cũng biểu dương công tác tìm kiếm cứu nạn của lực lượng địa phương tại chỗ, các lực lượng tại hiện trường và lực lượng vũ trang.

Trước tình hình vẫn còn nhiều nạn nhân chưa được tìm thấy, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, các bí thư và chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Tư lệnh Quân khu 5 cùng các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo các lực lượng khẩn cấp tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân.

Do điều kiện địa hình, thời tiết còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất rất cao, Thủ tướng yêu cầu trong quá trình tìm kiếm phải phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để thực hiện cứu hộ cứu nạn được đồng bộ, hiệu quả và phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn.

“Bằng mọi cách, mọi phương tiện đưa lực lượng và phương tiện cứu hộ cứu nạn tiếp cận nhanh nhất đến các khu vực bị sạt lở có người bị vùi lấp. Khẩn trương huy động các lực lượng tại chỗ, triển khai mọi phương án, hướng tiếp cận như di chuyển bằng đường mòn, đường rừng, đường bộ, đường thủy, phương tiện bay… để tiếp cận, tổ chức cứu nạn và cấp cứu những người còn sống sót” - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và các lực lượng cứu hộ cứu nạn huy động mọi phương tiện, lực lượng cần thiết, phù hợp tập trung khắc phục sớm nhất các đoạn, tuyến giao thông bị sạt lở, tạo điều kiện đưa phương tiện cơ giới vào khu vực tìm kiếm cứu nạn.

Lực lượng chức năng và người dân nỗ lực tìm kiếm người mất tích tại hiện trường vụ sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Ảnh: HẢI HIẾU

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đang trao đổi với lực lượng mở đường của Quân khu 5. Ảnh: TỰ SANG

Lực lượng cứu nạn đang cấp cứu cho những nạn nhân may mắn sống sót.  Ảnh: TỰ SANG

Phải vào Trà Leng sớm nhất để cứu dân

Vào sáng cùng ngày, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 5 và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp vào hiện trường vụ sạt lở ở Trà Leng, Nam Trà My.

Trước tình hình đường vào hiện trường nhiều đoạn bị vùi lấp, Quân khu 5 đã huy động hàng trăm chiến sĩ, xe cơ giới nỗ lực xử lý để thông đường dẫn vào Trà Leng.

Chỉ đạo tại hiện trường khai thông đường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải tìm cách để đến được điểm sạt lở nhanh nhất. Nếu chưa đưa được xe cơ giới đến thì lực lượng thủ công, quân đội, công binh vào trước và đi bằng mọi con đường có thể đến, kể cả dùng máy bay trực thăng đưa lực lượng vào hiện trường.

“Phải xem cả các con đường cơ giới, đường bộ và hàng không. Thêm nữa, phải tập trung thông đường nhưng phải đảm bảo an toàn vì tuyến đường này rất nguy hiểm” - ông Dũng yêu cầu và nhấn mạnh người dân đang cần chúng ta tìm kiếm những người đang còn sống sót để cứu chữa và tìm kiếm người mất tích.

Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã chia làm nhiều cánh, một tập trung mọi nỗ lực để thông đường vào Trà Leng, cánh khác (lực lượng công binh) đã đi bằng đường bộ, vượt hàng chục kilomet để tiếp cận hiện trường trước.

Chiều cùng ngày, lực lượng này đã đến hiện trường và nhanh chóng phối hợp với các lực lượng tại chỗ tích cực tìm kiếm những người dân mất tích. Số người sống sót đã nhanh chóng được di chuyển ra các phương tiện để kịp thời cấp cứu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: Đến 18 giờ ngày 29-10, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã cứu được 33 người ở Trà Leng và đã tìm được thi thể của sáu nạn nhân xấu số. Hiện còn 14 người mất tích. “14 người đang mất tích khả năng cao sẽ khó thoát nạn” - ông Bửu nhận định.

Trong 33 người được cứu, 13 người đã được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My cấp cứu, một số người bị thương nặng phải chuyển tuyến. “Hiện nay đường chưa thông hết nhưng lúc 16 giờ chiều nay lực lượng đã tiếp cận, hợp quân giữa lực lượng địa phương và bộ đội. Tất cả đang nỗ lực tìm kiếm số người mất tích còn lại” - ông Bửu thông tin.

8 thi thể nạn nhân xấu số đã được tìm thấy trong một vụ sạt lở khác xảy ra tại thôn 1, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. 12 người khác bị thương trong vụ sạt lở này. 

Phút kinh hoàng ở Trà Leng

Bám theo lực lượng công binh qua hàng chục kilomet, cuối cùng PV Pháp Luật TP.HCM cũng đã có mặt tại hiện trường xảy ra vụ việc. Toàn bộ vùng sạt lở rộng chừng 2 ha, nằm cạnh một con suối.

Ngôi làng có nhiều hộ dân sinh sống cạnh đó đã bị bùn, đất đá san phẳng gần như toàn bộ. Cây cối nằm ngổn ngang cùng với nhiều vật dụng còn sót lại.

Một số nạn nhân sống sót sau vụ việc cho hay sạt lở diễn ra vô cùng bất ngờ, gần như không có một dấu hiệu gì dự báo trước. Trong tích tắc, khối đất đá khổng lồ đổ ập xuống ngôi làng, bao trùm lên tất cả. Những người được cứu sống đều bị đa chấn thương, có người bị rất nặng.

Tại hiện trường, rất nhiều người thân của những nạn nhân đang cùng lực lượng chức năng tìm kiếm người bị mất tích. Tiếng kêu khóc đó đây vang lên thảm thiết.

Phước Sơn: Đã tìm được 5 thi thể, 6 người còn mất tích

Trưa 29-10, ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam, xác nhận một vụ sạt lở vừa xảy ra trên địa bàn khiến 11 người mất tích. Đó là vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 15 giờ chiều 28-10, tại thôn 3, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Vụ sạt lở còn khiến nhà cửa, tài sản của người dân bị hư hỏng.

Triển khai mọi phương án để cứu người bị vùi lấp ảnh 4
Những người dân sống sót trong vụ sạt lở đất được di chuyển ra nơi an toàn. Ảnh: CTV

Ngay sau đó, cán bộ xã Phước Lộc và huyện Phước Sơn đã tổ chức lực lượng tiếp cận hiện trường. Đến 16 giờ chiều 29-10, lực lượng mới tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở.

Đến 17 giờ cùng ngày, lực lượng này phối hợp với lực lượng tại chỗ và người dân địa phương đã tìm được thi thể của năm nạn nhân xấu số. Hiện lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm sáu nạn nhân còn mất tích.

Khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra và tìm kiếm những người bị mất tích; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương ổn định đời sống người dân, tuyệt đối không được để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau mưa lũ.

Trước những đau thương, mất mát to lớn do mưa lũ gây ra, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, những người bị tử nạn do thiên tai, chia sẻ những lo âu của gia đình có người còn bị mất tích tại các tỉnh miền Trung.

Các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra và tìm kiếm những người bị mất tích; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương ổn định đời sống người dân, tạo mọi điều kiện để các cháu học sinh sớm được trở lại trường.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng quyết định bổ sung 20 tỉ đồng cho tỉnh Quảng Nam, 20 tỉ đồng cho tỉnh Thừa Thiên-Huế và 40 tỉ đồng cho tỉnh Quảng Trị từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 để tập trung hỗ trợ cho các huyện Tây Giang, Phong Điền, Hướng Hóa và Đắk Krông (đây là các huyện thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua).

UBND các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị chịu trách nhiệm chỉ đạo phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật hiện hành; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, sử dụng sai mục đích, tham nhũng, lãng phí; báo cáo kết quả thực hiện với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Sau đợt mưa lũ, UBND các tỉnh kiểm tra, đánh giá, tổng hợp số liệu thiệt hại, nhu cầu kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, thực hiện các cơ chế, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai, gửi Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương theo đúng quy định hiện hành.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về phòng, chống thiên tai, theo dõi sát tình hình và dự báo thời tiết, chủ động rà soát, xây dựng phương án phòng, chống bão, mưa, lũ; quán triệt phương châm “phòng hơn chống”, “4 tại chỗ”, “địa phương và người dân là chính” nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân; bảo đảm an toàn khi triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ.

NHÓM PV 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm