Trụ sở to: Vung tay quá trán, gây áp lực nợ công

Trong lúc Quốc hội (QH) lo ngại bội chi ngân sách, nợ công mất kiểm soát thì báo chí tiếp tục phản ánh tình trạng một số địa phương đầu tư xây dựng trụ sở làm việc hoành tráng mà không cân đối được nguồn vốn. Trao đổi với báo chí, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH Bùi Đức Thụ chia sẻ ý kiến:

Qua giám sát chúng tôi thấy việc đầu tư xây dựng cơ bản đó phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất. Có thể kế hoạch đầu tư xây dựng trụ sở, cơ quan làm việc đã được quyết định từ trước rồi nhưng giờ thị trường bất động sản nguội lạnh, thu không đạt như dự kiến, dẫn tới công trình thì vẫn xây dựng mà nguồn vốn thì lại thiếu hụt.

Khắc phục vấn đề này, chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 1792 của Thủ tướng, tức là phải cân đối được nguồn vốn thì mới triển khai dự án. Tránh để rơi vào mất cân đối, dẫn tới nợ ngân sách.

“Tăng nợ ngân sách địa phương thì tất yếu tăng nợ công. Mà nợ công cả nước đang ở mức cao, dự kiến cuối năm 2016 sẽ chạm trần 65%. Nếu không có giải pháp tốt, tăng cường kỷ luật tài chính, quản lý chặt các khoản chi, đặc biệt là chi đầu tư xây dựng cơ bản, để chi vượt, vung tay quá trán như một số nơi như hiện nay thì sẽ gây áp lực nợ công, gây bất ổn định về tài chính, ngân sách” - ông Thụ nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Đức Thụ: “Xây trụ sở hoành tráng, sử dụng không hết, trong khi nợ công cao, cân đối ngân sách trung ương, địa phương đang hết sức khó khăn thì theo tôi là không nên”. Ảnh: NGHĨA NHÂN

Cần ưu tiên cho những bức xúc trước

. Như Lâm Đồng để huy động các nguồn xây dựng trụ sở thì phải vay, riêng tiền lãi năm qua đã tốn 34 tỉ đồng. Ông nghĩ sao về thực tế này?

+ Quyết định đầu tư xây dựng trụ sở là phải có nguồn từ ngân sách. Trong trường hợp không bố trí đủ nguồn thì việc huy động thế nào phải cân nhắc hết sức. Luật Ngân sách nhà nước đã quy định nợ công địa phương không vượt quá 30% vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước.

. Cùng cấp tỉnh cả nhưng trong khi Lâm Đồng, Khánh Hòa... xây trụ sở hoành tráng thì nơi khác vẫn chấp nhận nhà cửa cũ, chật chội. Nhà nước nên chăng có quy định thống nhất hơn không?

+ Bộ Tài chính đã có quy định về tiêu chuẩn, định mức nơi làm việc của các cơ quan nhà nước. Nhưng thực thi thế nào lại tùy thuộc địa phương. Có nơi thì vung tay quá trán, dẫn tới lãng phí. Việc đó cần phát hiện sớm, có chế tài xử lý, ngăn chặn. Cũng có nhiều địa phương nghèo, quản lý ngân sách chặt chẽ, căn cơ, ưu tiên cho những lĩnh vực bức xúc, tháo gỡ nút thắt phát triển kinh tế-xã hội nên địa phương chấp nhận cơ quan làm việc chật chội, xuống cấp.

Về thẩm quyền thì luật đã phân cấp cho địa phương quyền quyết định xây dựng trụ sở. Căn cứ vào tình hình thu chi ngân sách, HĐND cấp tỉnh sẽ rà soát xem thứ tự ưu tiên thế nào.

. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, việc xây dựng trụ sở chính quyền nên tính toán thế nào?

+ Xây trụ sở hoành tráng, sử dụng không hết, trong khi nợ công cao, cân đối ngân sách trung ương, địa phương đang hết sức khó khăn thì theo tôi là không nên. Lúc này cần quản lý ngân sách chặt chẽ, căn cơ hơn, lấy chỉ tiêu hiệu quả làm đầu. Hơn lúc nào hết, trách nhiệm của người quyết định đầu tư phải được đặt lên.

Không bằng lòng, cử tri có quyền lên tiếng

. Theo ông có cần chế tài với những trường hợp “vung tay quá trán” một cách không phù hợp gây lãng phí?

+ Trước hết phải xem có sai luật không thì mới chế tài được. Địa phương có rất nhiều nhu cầu đầu tư, điện đường, trường trạm, thủy lợi và kể cả trụ sở làm việc nữa. Cân nhắc ưu tiên việc gì, cân đối nguồn vốn thế nào thì là thẩm quyền của HĐND. HĐND mà thấy việc xây dựng trụ sở là cấp bách và quyết định làm thì như vậy là hợp pháp. Còn hợp lý hay không thì phải thảo luận, đánh giá khách quan, đầy đủ, quyết liệt ngay trong HĐND. Ngoài ra, cử tri có thể theo dõi hoạt động của HĐND để xem các quyết định đầu tư có hợp pháp, hợp lý không. Không bằng lòng, cử tri có quyền ý kiến, kiến nghị hoặc thể hiện tín nhiệm bằng lá phiếu trong bầu cử.

. Qua giám sát, theo dõi, có thấy tình trạng mua sắm, đầu tư, xây dựng trụ sở vượt định mức không?

+ Chúng tôi đi giám sát chưa được nhiều, mà nội dung chủ yếu về dự toán, quyết toán ngân sách. Những việc vượt tiêu chuẩn trụ sở thì mới được biết qua phản ánh báo chí.

. Vậy qua giám sát quyết toán ngân sách địa phương, ông thấy thế nào?

+ Vừa rồi có giám sát việc quyết toán ngân sách 2013, thấy nổi lên nhiều vấn đề. Không tuân thủ các quy định về đầu tư, xây dựng cơ bản còn phổ biến. Báo cáo kiểm toán cũng chỉ rất rõ. Tổng giá trị sai phạm thì có giảm nhưng đỡ chỗ này thì lại bộc lộ chỗ khác. Kỷ luật tài chính không nghiêm, trong quản lý thu chi, trong điều hành bội chi ngân sách là có vấn đề.

Nghị quyết của QH về quyết toán ngân sách 2013 biểu quyết chiều nay, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị phải khắc phục, xử lý kịp thời những ý kiến, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, của Ủy ban Tài chính-Ngân sách và của các đại biểu QH để lành mạnh hóa tài chính công.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm