Trực tiếp phiên xử sơ thẩm lần 3 kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tuyên tử hình Lê Bá Mai

Sáng nay (3-1-2013), Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước mở lại phiên xử sơ thẩm lần 3 đối với kỳ án vườn mít. Liệu kết quả phiên xử sẽ tuyên bị cáo Lê Bá Mai phạm tội giết người và hiếp dâm trẻ em - hay trắng án đây?

Trực tiếp phiên xử sơ thẩm lần 3 kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tuyên tử hình Lê Bá Mai ảnh 1
Cha mẹ nạn nhân trước phiên xử
Trực tiếp phiên xử sơ thẩm lần 3 kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tuyên tử hình Lê Bá Mai ảnh 2

Lê Bá Mai được dẫn giải vào phòng xử án. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

8 giờ 35 phút: Bị cáo Lê Bá Mai được đưa từ xe vào phòng xét xử. 8 giờ 45 phút: Hội đồng xét xử vào phòng xử. Tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, thư ký tòa báo cáo số người tham gia phiên tòa. Tòa thẩm tra lý lịch bị cáo Mai. Hội đồng xét xử vẫn như phiên xử sơ thẩm lần 3 bị hoãn trước đây. Hai luật sư bào chữa cho bị cáo là Trịnh Thanh và Bùi Quang Nghiêm. Hai đại viện kiểm sát vẫn như cũ. Phiên tòa sẽ diễn ra trong hai ngày 3 và 4-1-2013. Tòa đang phổ biến quyền, nghĩa vụ của bị cáo. Có vài nhân chứng vắng mặt nhưng bị cáo Mai không yêu cầu phải triệu tập họ. Anh Điểu Bách - cán bộ Ban Dân tộc của tỉnh Bình Phước làm người phiên dịch tại phiên tòa. Viện kiểm sát đề nghị tòa làm rõ hai vấn đề: 1- Trước luật sư Ẩn bào chữa, sao giờ không có mặt. 2- Lý do vắng mặt các nhân chứng là gì. Tòa trả lời viện kiểm sát rằng luật sư Ẩn đã làm xong nhiệm vụ tai phiên xử sơ thẩm theo yêu cầu của bị cáo. Một số nhân chứng tòa đã cho áp dụng biện pháp áp giải nhung hiện công an vẫn chưa dẫn đến tòa được. Trong quá trình xét xử, tòa sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết. Không ai có ý kiến gì khác, tòa tuyên bố kết thúc phần thủ tục.
9 giờ 5 phút:
Kiểm sát viên đang đọc cáo trạng.
Hình ảnh tại phiên tòa sáng nay:
Trực tiếp phiên xử sơ thẩm lần 3 kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tuyên tử hình Lê Bá Mai ảnh 3
Trực tiếp phiên xử sơ thẩm lần 3 kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tuyên tử hình Lê Bá Mai ảnh 4
Trực tiếp phiên xử sơ thẩm lần 3 kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tuyên tử hình Lê Bá Mai ảnh 5

Phiên tòa này có đông đảo phóng viên các báo, nhưng không có người dân nào khác tham dự phiên tòa.

9 giờ 30 phút: Kiểm sát viên vẫn đang đọc cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Phước, cáo buộc Lê Bá Mai phạm tội hiếp dâm trẻ em và giết người.

Kiểm sát viên đang đọc đến phần lý lịch bị cáo. "Quyết định truy tố Lê Bá Mai tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Cáo trạng này thay thế cáo trạng 2008".

9 giờ 45 phút: Kiểm sát viên đã đọc xong bản cáo trạng.

Tòa hỏi Lê Bá Mai có thực hiện hành vi như viện kiểm sát cáo buộc không.

Lê Bá Mai: - Không.

Tòa: - Vậy ngày 12-1-2004, bị cáo đi đâu, làm gì?

Lê Bá Mai: - Bị cáo làm rẫy, sau đó bị công an đến nhà bắt. Công an huyện Bình Long (nay huyện đã lên thị xã - PV) ép cung bị cáo, không biết lấy lời khai của ai, đọc cho bị cáo nghe và bắt viết lại, rất nhiều lần, không nhớ rõ là bao nhiêu lần lấy lời khai. Rất nhiều lần lấy lời khai, cả ở xã An Khương và Công an huyện Bình Long.

Tòa: - Sao nhiều lần trước bị cáo khai khác?

Lê Bá Mai: - Bị cáo khai theo những gì mình nhớ. Sự việc xảy ra lâu quá rồi, trí nhớ bị cáo cũng không ổn. Khi lên công an tỉnh, bị cáo không bị đánh đập nhưng phải khai theo những gì đã khai ở huyện.

Tòa: - Khai gì bị cáo nhớ không?Lê Bá Mai: - Không nhớ.Tòa: - Vậy tòa sẽ công bố.Lê Bá Mai: - Viết xong, bị cáo đọc lại, ký tên. Phải đọc lại theo yêu cầu của công an.Tòa: - Vậy bị cáo khai lại ngày đó bị cáo làm gì?Lê Bá Mai: - Không nhớ. Bị cáo làm rẫy cho ông Tuân, ngoài ra có ai nữa bị cáo không nhớ.Tòa: - Ông Trong và ông Trường nấu ăn chung với nhau hằng ngày mà bị cáo không nhớ? Nhiều lần gặp nhau đối chất tại tòa mà cũng không nhớ? Vậy bị cáo khai lại bị cáo ở cùng với ai tại chòi của ông Tuân?Lê Bá Mai: - Không nhớ.Tòa: - Cứ cho rằng những lời khai trước đây đều không đúng, thì giờ bị cáo khai lại đi, ngày đó bị cáo làm gì?Lê Bá Mai: - Không nhớ.Rất nhiều lần bị cáo Mai khai "không nhớ" khi trả lời tòa. 10 giờ: Chủ tọa đang hỏi lại lời khai của Mai tại các phiên tòa, Mai không nhớ, chủ tọa dẫn dắt các sự kiện để Mai nhớ lại. Tòa: - Hội đồng xét xử chưa nói bị cáo phạm tội hay không, chỉ hỏi bị cáo sự việc có đúng như bị cáo đã khai không? Ai là người ép cung bị cáo? Sau khi hủy án sơ thẩm lần đầu để điều tra lại, bị cáo khai thế nào?Lê Bá Mai: - Không nhớ, nhưng những lời khai đó không đúng với những việc tôi đã làm. Tôi bị mớm cung, yêu cầu khai theo. Có mấy lần có luật sư có mặt khi lấy lời khai, tôi khai không đúng, lý do là phải khai theo lời khai trước đó.Tòa: - Có luật sư rồi, không ai làm ảnh hưởng tâm lý nữa, sao lại khai không đúng?Lê Bá Mai: - Không biết ạ.Theo lời khai, Mai ở cùng E và Trong, dùng xe Cub 86 làm phương tiện đi lại, kiểm tra rẫy... Sáng đó ở trong rẫy đi bón phân...

Lời khai tại công an huyện, điều tra viên Nguyễn Hữu Huấn lấy lời khai, nội dung sáng đó chạy xe máy cày, trên chất phân để đi làm thêm cho một chủ rẫy khác. Tòa hỏi bị cáo vừa khai không làm cho ai ngoài ông Tuân, sao tại lời khai này lại đi làm cho người khác? Mai trả lời thỉnh thoảng có làm giùm, nhưng lâu quá nên hiện giờ không nhớ.

Vẫn theo lời khai tại công an huyện, khi rải phân, Mai thấy hai em bé người dân tộc đang mót củ đậu. Rải xong thì Mai và Trong đi về. Trong ở nhà nấu cơm, Mai lấy xe đến chỗ hai em bé với ý định dụ một em đi hiếp dâm.

Mai nói với một em (sau biết tên là Út): "Cháu ơi ra đây chú hỏi tí", rồi chở Út đến chỗ vườn mít có trồng xen lẫn cây mì, cách đường mòn khoảng 30m thì dừng xe, Út tự xuống và hỏi "Chú nói cái gì?". Cả hai đi cách chỗ để xe Cub khoảng 30m, Mai dụ Út quan hệ tình dục, Út không đồng ý. Mai dùng tay đập vào gáy, Út té. Mai cởi quần dài của Út và thực hiện hành vi hiếp dâm.

Tòa đọc đoạn lời khai đang mô tả chi tiết hành vi quan hệ tình dục của Mai đối với Út. Xong Mai lật úp Út, lấy quần Út thắt cổ, Út giãy giụa, Mai siết thêm lần hai...

Nhiều lời khai khác tại công an huyện, Mai cũng khai như vậy, đại loại để ý trong khu vực rẫy này chỉ có hai bé gái người dân tộc mà không người lớn trông coi nên nảy sinh tà ý. Mai thấy cháu dân tộc mặc áo ngắn tay, đi dép màu xanh, cổ tay đeo vòng bạc, tay trái cầm bọc sắn.

Tòa đã cho Mai ngồi nghe. Tòa vẫn đang đọc các lời khai. Trong khi đọc, tòa nhiều lần dừng lại hỏi Mai có đúng vậy không. Mai trả lời bị ép cung, hoặc lâu quá rồi không nhớ.

Tòa kết thúc việc đọc các bản lời khai vào năm 2004 và 2005.

Tòa: - Tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như các bản lời khai (phiên sơ thẩm lần đầu xử lưu động tại địa phương - PV).

Tòa công bố một phần bút ký phiên tòa sơ thẩm lần đầu ngày 16-3-2005.

Tòa: - Tại phiên sơ thẩm lần đầu, bị cáo đồng ý bồi thường 10 triệu. Nếu bị cáo không gây thiệt hại thì sao lại chịu bồi thường? Quá trình điều tra cũng không ai yêu cầu bồi thường, chỉ tại tòa cha nạn nhân mới yêu cầu.

Lê Bá Mai: - Vì bị cáo không biết.

Tòa có vẻ dồn Mai: - Bị cáo học xong lớp 5 rồi, có các mối quan hệ xã hội... phải biết là không gây ra thì không phải bồi thường chớ?

Tòa chuyển sang hỏi ông Tuân. Tòa hỏi ông có đồng ý rằng tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, Mai đã khai như tòa công bố không. Ông Tuân bảo đúng là Mai đã khai như thế nhưng...

Tòa bảo được rồi, tòa chỉ muốn làm rõ là Mai đã khai thế nào tại phiên sơ thẩm đó.

Tòa hỏi: - Sao sau khi Tòa án nhân dân Tối cao hủy án sơ thẩm và phúc thẩm lần 1 để điều tra lại, bị cáo thay đổi lời khai?

Lê Bá Mai: - Bị cáo nhận tội để đưa ra xử sớm.

Tòa: - Lúc bị cáo nhận bản cáo trạng thì tòa đã lên lịch xử rồi, nghiên cứu xong sớm thì xử sớm thôi.

Tòa đang công bố lời khai của Mai tại cơ quan điều tra có sự chứng kiến của luật sư Ẩn và kiểm sát viên. Lời khai này Mai tự khai, không ai đọc chép. Mai đã khai những hành vi như bị cáo buộc.

Tòa cho Mai xem có đúng chữ viết của Mai hay không. Mai xem xong bảo "đúng".

Tòa cho Mai ngồi xuống và mời nhân chứng.

Luật sư Thanh đứng dậy xin ý kiến, đề nghị tòa cách lý hai nhân chứng Trần Văn Sinh và Thị Hằng.

Tòa đồng ý, mời ông Điểu Ky và Trần Văn Sinh ra ngoài.

11 giờ 10 phút: Nhân chứng Thị Hằng đang trả lời tòa rằng biết Mai vì Mai hay đi ngang nhà. Khi Hằng sang nhà bạn chơi thì gặp Mai và biết. Ngày đó, Hằng với Út (nạn nhân) đi mót củ sắn trong trang trại của ông Dương Bá Tuân, đem theo giỏ và nón. Mai đi ngang, Hằng liếc nhìn và nhận ra Mai mặc áo tay dài màu xanh, đi xe máy, đến chỗ Hằng và Út thì dừng lại, trên xe Mai có bình xịt và thùng nước đá... Khi Út lên xe với Mai thì Hằng về kể lại với cha.

Tòa: - Trong quá trình điều tra, sao cháu lại bảo chỉ thấy một một thanh niên, sau lại bảo đó là Mai?

Thị Hằng: - Dạ cháu nghe bạn cháu bảo vậy.

Tòa bảo Hằng cứ cố gắng nhớ và khai đi. 

11 giờ 25 phút: Tòa đã tuyên bố tạm dừng phiên tòa. Tòa sẽ tiếp tục phiên xử vào chiều nay.

14 giờ: Hội đồng xét xử trở lại phòng xử.

Trực tiếp phiên xử sơ thẩm lần 3 kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tuyên tử hình Lê Bá Mai ảnh 6

Tòa đang thẩm vấn cha của nạn nhân. Không thấy con về, cha của nạn nhân đi tìm thì thấy xác con, ông nhận ra vì thấy có đeo nữ trang giả. Ông chỉ nghi ngờ Mai đã gây án với con mình, không nghi ngờ ai khác.

Tòa thẩm vấn Điểu Ky (cha của Hằng). Luật sư Thanh đề nghị cách ly nhân chứng Thị Hằng. Công an đã dẫn Hằng ra ngoài phòng xử.

Ông Điểu Ky khai khi con ông báo cho biết Út đi với Mai, ông đã báo với cha của Út và cùng đi vào chòi tìm Mai. Mai đang ăn cơm, khi được hỏi Mai chở Út đi đâu không về, Mai bảo không biết. Người ngồi kế bên bảo: "Chắc té ao, té giếng". Ông bảo: "Út lớn rồi chớ nhỏ đâu mà té không biết". Rồi ông và cha của Út về.

Hai ba ngày sau, cả sóc đi tìm.

Tòa: - Sao trong đơn trình báp vào ngày 15-11-2004, ông lại viết có một thanh niên đi xe máy đội nón lá?

Cha của Hằng: - Tôi viết "thanh niên" vì nó chưa có vợ.

Tòa: - Sao ông biết Mai chở?

Cha của Hằng: - Con gái tôi kể.

Tòa: - Ông có hỏi Hằng là Mai mang theo gì không?

Cha của Hằng: - Có hỏi không lâu quá rồi không nhớ, nhiều chi tiết tôi cũng không nhớ kỹ.

Tòa: - Khi thấy xác thì tư thế xác chết thế nào?

Cha của Hằng: -Tôi là người thấy đầu tiên, tôi không còn nhớ tư thế nằm, rồi chính quyền làm việc. Tôi quên luôn đặc điểm nạn nhân lúc đó, không nhớ nạn nhân mang gì trên người.

Tòa công bố lời khai của cha Hằng, Theo đó, ông mô tả Út mặc áo xanh đen đậm, nón kết màu đỏ, khi phát hiện thì đang nằm sấp, còn áo, không còn quần.

Tòa: - Tại sao phần trên thì ông nói không biết người đó là ai, phần sau ông lại bảo là Lê Bá Mai, trong đơn viết Nguyễn Bá Mai, sinh năm 1979?

Cha của Hằng: - Tôi nghe con nói lại, không nhớ rõ chi tiết cụ thể.

Trực tiếp phiên xử sơ thẩm lần 3 kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tuyên tử hình Lê Bá Mai ảnh 7

Sắc mặt Lê Bá Mai trong phiên tòa lần này khá tốt.

Tòa đề nghị đưa nhân chứng Trần Văn Sinh vào. Ông Sinh khi đó là công an xã.

Ông Sinh khai: Khi nghe báo tin, trưởng công an giao ông phối hợp mọi người tìm kiếm. Ông phát hiện dấu xe trên ruộng trồng dưa hấu thì ông quay về báo trưởng công an xã. Sau đó, ông nhận chỉ đạo ghi nhận lời khai sơ bộ của bé Hằng. Hôm ghi lời khai là chủ nhật, ngày 15- ba ngày sau khi vụ án xảy ra. Hằng khai một thanh niên, hỏi là ai, Hằng bảo chắc là anh Mai. Ông Sinh không ghi rõ vào biên bản là Mai mà chỉ ghi là "một thanh niên", không dám ghi rõ Mai vì trước đó có mâu thuẫn, sợ liên lụy.

Ông Sinh được giao bám sát Mai để Mai khỏi trốn. Đồng bào đòi đánh Mai, ông can ngăn, đưa Mai về tắm rửa ăn cơm rồi đưa ra xã kẻo đồng bào đánh chết.

14 giờ 40 phút: Tòa cho biết đến giờ nhân chứng Nguyễn Văn Trong (người làm chứng sau khi đi rải phân về chòi thấy Mai lấy xe đi không mang theo vật gì) và hai nhân chứng khác vẫn chưa có mặt tại tòa do không có mặt tại địa phương. Tòa đang trích công bố lời khai của ba người này trong quá trình điều tra.

Sau phiên sơ thẩm lần thứ nhất, nhân chứng Nguyễn Văn Trong có lời khai với tòa phúc thẩm là không nhớ gì hết về những diễn biến trong ngày xảy ra vụ án.

Tòa trở lại hỏi Lê Bá Mai: - Nhân chứng xác định tại chòi có hai bình xịt, can đựng nước và bình đựng nước màu đỏ, bị cáo có xác nhận vậy không?

Lê Bá Mai: - Có bình xịt nước bằng inox, lâu quá cũng không nhớ rõ.

Tòa: - Lúc cơ quan điều tra tổ chức nhận dạng quần của bị cáo, có ai chỉ bị cáo không?

Lê Bá Mai: - Có. Điều tra viên chỉ bảo nhận cái quần đó đi, rồi ra tòa xem xét cho.

Thẩm phán đặt câu hỏi liên quan đến “củ sắn” có tại hiện trường. Một chi tiết, cây mỳ gãy đổ nằm dài trên đất. Bị cáo Mai cho rằng lời khai trên dựa vào sự “hướng dẫn” của các điều tra viên. Bị cáo không biết khai như thế sẽ gây bất lợi.

Mai nhận tội, sau đó kháng cáo kêu oan vì điều tra viên bảo không nhận tội sẽ không đưa vụ án ra xét xử (Mai muốn đưa ra xử để được nói lại tại tòa). Bị cáo đồng ý bồi thường 10 triệu vì không biết vụ việc trên thế nào, bị cáo nhận bồi thường không có nghĩa là bị cáo có tội.

15 giờ 15 phút: Tòa đang thẩm vấn ông Tuân - chủ trang trại.

Ông Tuân nói sau khi bắt Mai, công an tỉnh có mời ông lên duy nhất một lần. Họ hỏi ông xe của ai, ông nói xe ông mua gần 20 triệu, có giấy tờ xe hợp pháp. Công an đề nghị cho mượn cà vẹt để điều tra. Ông Tuân bỏo ông sẵn sàng hợp tác để phục vụ điều tra. Ông chỉ cần trả lại đúng cà vẹt này, chớ đừng trả cà vẹt giả. Sau đó ông nộp cho cơ quan điều tra, với điều kiện tách đôi ra để hai bên ký vào để sau có bằng chứng chứng minh.

Ông Tuân muốn trình bày cho rõ về chiếc xe nhưng tòa vẫn cứ lái sang chuyện khác.

Ông Tuân phản bác nhiều điểm bất hợp lý trong biên bản lời khai của công an. Tòa công bố một biên bản lấy lời khai, ông Tuân bảo đó không phải là lời khai tại cơ quan công an.

Ông Tuân bảo công an thu bình inox, can nhựa và không có yêu cầu lấy lại vì bây giờ hết xài rồi, tuy nhiên về nguyên tắc của ông thì trả lại cho ông, nếu trả ngay thì ông lấy chớ bữa sau đừng kêu ông từ TP.HCM về Bình Phước lấy. Ông yêu cầu trả xe cho ông, hiện giờ vẫn chưa nhận được xe dù điều tra viên bảo chừng nào xử xong vụ án thì trả xe. Ông không biết đến bao giờ mới nhận lại được cái xe thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông.

Tòa bảo: -Phần xét hỏi của tòa cơ bản đã đủ, viện kiểm sát có hỏi gì không?

Đại diện viện kiểm sát để nghị tòa cho hỏi Mai về phần nhận dạng đồ vật.

Kiểm sát viên: - Trong quá trình nhận dạng và sau nhận dạng có lập biên bản và bị cáo có ký không?

Lê Bá Mai: - Có.

Kiểm sát viên đọc biên bản nhận dạng đồ vật đồng thời cho biết sẽ lý giải cơ sở mà Mai đã nhận dạng và ký tên.

Mai nhiều lần khẳng định Mai không phạm tội, những lời khai nhận tội là bị ép cung.

Kiểm sát viên đọc phần ghi ý kiến của Mai khi nhận cáo trạng: "Tôi thừa nhận nội dung cáo trạng là đúng". Kiểm sát viên hỏi quá trình điều tra không nhận tội, sao khi nhận cáo trạng lại viết vậy.

Lê Bá Mai: - Vì điều tra viên bảo không viết vậy (không nhận tội)  thì không đưa ra xử.

Kiểm sát viên hỏi trong quá trình điều tra lại hơn 3 năm, bị cáo suy nghĩ gì, Mai bảo không nhớ.

Kiểm sát viên: - Bị cáo bảo trí nhớ kém, sao trong suốt 3 năm không ai lấy lời khai, không ai ép, hướng dẫn mà bị cáo vẫn khai lại rằng mình bị oan, rành rọt từng chi tiết một? Bị cáo giải thích sao?

Lê Bá Mai: - Bị cáo nhiều lần đọc, nhiều lần ghi theo điều tra viên. Cho nên suốt thời gian 3 năm sau đó, không đọc vẫn nhớ.

Kiểm sát viên không hỏi gì thêm.

Trực tiếp phiên xử sơ thẩm lần 3 kỳ án vườn mít: VKS đề nghị tuyên tử hình Lê Bá Mai ảnh 8

Tòa mời cha của nạn nhân. Tòa hỏi vấn đề bồi thường. Ông cho biết để người bảo vệ quyền lợi nói thay. Phía người bị hại yêu cầu bồi thường hai phần: chi phí mai táng và tổn thất về tinh thần, tổng cộng hơn 106 triệu đồng.

Luật sư Trịnh Thanh tham gia phần xét hỏi. Luật sư Thanh hỏi bị cáo Mai, Mai xác định tại phiên tòa hôm nay Mai kêu oan, khẳng định mình không phạm tội. Mai trả lời luật sư như đã trả lời tòa và kiểm sát viên rằng hồ sơ, lời khai do cơ quan điều tra ghi sẵn, nêu lên và bị cáo khai theo.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm hỏi Mai.

Luật sư Nghiêm: - Sau khi ký nhận cáo trạng, bị cáo để cáo trạng ở đâu? Bị cáo có chuyển cho người khác giữ không?

Lê Bá Mai: - Bị cáo để trong phòng, không thường xuyên đọc lại. Khi có quyết định điều tra lại, bị cáo nhận các hành vi như trong bản cáo trạng và những lần được nhắc lại trong bản hỏi cung. Cơ quan điều tra và kiểm sát viên giải thích nhận tội đi, còn có tội hay không là do tòa...

Luật sư Nghiêm hỏi nhân chứng Trần Văn Sinh - nguyên công an viên: - Ông cho tòa biết mâu thuẫn quyền lợi với ông Tuân thế nào?

Theo ông Sinh, năm 2001, Mai bị ông Sinh lập biên bản vi phạm việc xịt thuốc trừ cỏ, ông Tuân xin một văn bản photocopy để những người làm công ở nhà tránh vi phạm như vậy. Tuy nhiên, sau đó văn bản này bị đăng tải trên các báo, ông bị cơ quan kỷ luật vì phát tán tài liệu công an. Nên sau đó ông rất cẩn thận khi có việc với phía ông Tuân, chính vì vậy ông mới không ghi tên Mai vào biên bản sơ bộ vụ án khi lấy lời khai của Hằng, dù Hằng có nhắc đến tên Mai.

"Ngộ nhỡ làm đúng thì bảo thù hằn cá nhân, không đúng thì tôi tiêu luôn vì đất tôi và đất ông Tuân sát nhau"- ông Sinh nói.

Tòa đề nghị luật sư Nghiêm chú ý vào câu hỏi của mình, không được gọi nhân chứng Trần Văn Sinh là "bị cáo" nữa (do luật sư Nghiêm gọi nhầm - PV).

Ông Sinh khẳng định nhiều lần là ông không ghi tên Mai vì không muốn dây dưa với phía ông Tuân. Còn sau đó trong cuộc họp với cơ quan công an cấp trên ông có nhắc đến Mai trong lời khai của bé Hằng là do muốn cấp trên biết để có hướng điều tra.

Luật sư Thanh đang thẩm vấn ông Sinh.

Ông Sinh cũng khẳng định người thanh niên khi chở Út đi theo mô tả của Hằng là Mai. Luật sư Trịnh Thanh tiếp tục thẩm vấn nhân chứng Trần Văn Sinh và thu được lời khai trước, lời khai sau mâu thuẫn nhau. Lời khai ban đầu, Hằng cho biết có một thanh niên giống Lê Bá Mai đi vào vườn mít, Hằng không khẳng định là bị cáo Mai nhưng chỉ nghi ngờ là Mai. Biên bản ghi lời khai thứ 2, ông Sinh khẳng định đó chính là bị cáo Mai. Tuy nhiên, đến biên bản ghi lời khai thứ 3, ông Sinh lại làm biên bản ghi thấy một người giống Lê Bá Mai.

Luật sư tiếp tục thẩm vấn về lời khai của ông Điểu Cẩn - cha của Út. Thời điểm đó, ông Cẩn chỉ khai báo con gái mất tích. Ông Sinh thừa nhận ông Điểu Cẩn không khai thấy Lê Bá Mai dẫn con gái vào khu vườn mít.

4 giờ 17 phút: Luật sư Trịnh Thanh tiếp tục thẩm vấn nhân chứng Điểu Ky - cha của Hằng. Luật sư xoay quanh vấn đề “nghi ngờ” hay “nghi thấy” bởi theo cách phát âm của người dân địa phương tại sóc.

4 giờ 20 phút: Luật sư thẩm vấn phiên dịch Điểu Bách về từ “nghi”. Theo quan điểm của người phiên dịch Điểu Bách, nếu bé Hằng trả lời “nghi” thì có nghĩa là "có", dù không có sự liên hệ rõ ràng nào để khẳng định tiếng dân tộc mà em Hằng dùng hiểu từ "nghi" là "có" cả.

Trước khi kết thúc xét hỏi, tòa hỏi Mai có bồi thường không, Mai bảo không có tội nên sẽ không đồng ý bồi thường.

Tòa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi. Kiểm sát viên đang đọc bản luận tội.

17 giờ: Đại diện VKSND tỉnh Bình Phước đề nghị tòa tuyên tử hình Lê Bá Mai về hai tội giết người và hiếp dâm trẻ em.

Chủ tọa phiên tòa tuyên tạm nghỉ, 8 giờ sáng mai (4-1) phiên tòa sẽ tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục tường thuật trực tiếp phiên xử này. Mời độc giả theo dõi.


PHƯƠNG LOAN tường thuật

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm