Trục vớt cổ vật, coi chừng bị tội

Gần đây, ngư dân vùng biển Quảng Ngãi, Quảng Nam liên tục phát hiện các con tàu cổ hoặc khu vực có nhiều cổ vật và họ không bỏ qua dịp may này, tìm mọi cách để trục vớt cổ vật.

Hành vi này có thể bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính hoặc hình sự nhưng nhiều ngư dân không biết hoặc cố tình làm lơ.

Cày xới lòng biển tìm cổ vật

Liên tục những ngày qua, hàng chục ngư dân thuộc xã Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) lũ lượt kéo về vùng rạn Nhọn (cách mũi Bấc ngọn Bàn Than khoảng 300 m về phía tây) để ngụp lặn và trục vớt cổ vật đem bán.

Theo ngư dân Đinh Tấn Tàu (xã Tam Hải, huyện Núi Thành) kể: “Gần một tháng trước, bạn thuyền rỉ tai nhau là ở vùng biển rạn Nhọn có cổ vật. Sau đó, anh em bạn thuyền lặn xuống biển và phát hiện ra vô số đồ cổ nằm chôn vùi dưới cát. Gần một tuần ngụp lặn chúng tôi đã đưa lên khỏi mặt nước gần 100 cổ vật gồm: bình gốm, chén, vò, bát, đĩa… và hàng trăm mảnh vỡ của các vật dụng bằng sành sứ”.

Trục vớt cổ vật, coi chừng bị tội ảnh 1

Các ngư dân tự ý trục vớt cổ vật tại vùng biển Tam Hải (huyện Núi Thành). Ảnh: CTV

Trục vớt cổ vật, coi chừng bị tội ảnh 2

Một cổ vật mà ngư dân tìm thấy tại vùng biển Tam Hải. Ảnh: CTV

Ngay sau khi biết tin, những người săn đồ cổ tìm về vùng biển Tam Hải vào từng nhà ngư dân hỏi mua. Thậm chí, những người này chờ sẵn, chỉ cần cổ vật đưa lên bờ là ngã giá mua ngay. Theo anh Tàu, tùy vào từng loại cổ vật và sự nguyên vẹn, mỗi món đồ dao động từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, có cái cả triệu đồng. Riêng các mảnh vỡ được ngư dân cân thành kilogam và bán với giá 15.000-30.000 đồng/kg.

Ngư dân Nguyễn Vỹ (39 tuổi, trú thôn 1, xã Tam Hải) cũng cho hay từ khi phát hiện ra cổ vật đã có rất nhiều tàu của ngư dân không còn ra khơi đánh cá mà tham gia tìm kiếm cổ vật đem bán. “Việc trục vớt các cổ vật này khá dễ dàng. Vùng biển phát hiện ra cổ vật này không sâu lắm. Chúng tôi thì không biết cổ vật này ở thời nào nhưng có rất nhiều người hỏi mua” - anh Vỹ cho hay.

Với thông tin các ngư dân Quảng Nam phát hiện cổ vật trên, Đại tá Nguyễn Đức Tiệp, Trưởng Công an huyện Núi Thành, cho biết: “Đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin gì, chính quyền địa phương cũng chưa báo để cử lực lượng đến bảo vệ khu vực có cổ vật”.

Coi chừng phạm tội!

Theo các ngư dân, việc phát hiện ra cổ vật dưới biển cũng giống như họ phát hiện đàn cá, là của không có chủ nên có quyền lấy.

Theo luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng), những ngư dân có suy nghĩ như thế là chưa đúng. Theo quy định, khi phát hiện ra cổ vật, tài sản bị chôn giấu, chìm đắm, di vật, cổ vật, người dân có trách nhiệm bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng và thông báo kịp thời, đầy đủ thông tin đến cơ quan chức năng. Hành vi tự ý tìm kiếm, trục vớt các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia còn chìm dưới nước là hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa. Di vật, cổ vật, bảo vật nói trên thuộc sở hữu Nhà nước, pháp luật nghiêm cấm việc tự ý trục vớt cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia. Những điều này được quy định rất rõ trong Nghị định số 98/2010 của Chính phủ.

Cũng theo luật sư Cao, tổ chức, cá nhân giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được khen thưởng và được nhận một khoản tiền thưởng theo quy định...

Còn một luật sư khác cho biết những cổ vật mà ngư dân miền Trung vừa tìm được thuộc sở hữu Nhà nước. Những ngư dân lặn lấy cổ vật rồi mang giấu có thể bị xử lý về tội chiếm giữ trái phép tài sản (có mức án từ cải tạo không giam giữ đến năm năm tù, tùy vào giá trị cổ vật). “Tuy nhiên, muốn xử lý các ngư dân tham gia trục vớt cổ vật trái phép này, trước đó cơ quan có thẩm quyền phải ra thông báo, cấm ngư dân khai thác cổ vật và yêu cầu ngư dân giao nộp cổ vật mà họ không chấp hành mới xử lý được” -luật sư này nói.

Theo ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, Sở đã có báo cáo gửi UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo các lực lượng công an, biên phòng tiến hành khoanh vùng bảo vệ khu vực có cổ vật để tránh thất thoát. Đồng thời, sẽ báo cáo ra Bộ VH-TT&DL cho đơn vị có thẩm quyền, trình độ vào thẩm định và tiến hành trục vớt cổ vật.

“Qua khảo sát tiếp nhận một số cổ vật, mảnh vỡ, chúng tôi thấy có dấu hiệu khu vực này có tàu cổ bị chìm” - ông Tịnh nói.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm