Trưởng phòng Huỳnh Trung Phong nói gì về tiêu cực CSGT?

Trung tá Huỳnh Trung Phong – Trưởng phòng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM đã có cuộc chia sẻ ngắn với PV báo Pháp Luật TP.HCM về trách nhiệm của mình sau khi được bổ nhiệm chức vụ mới.

Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA

. Phóng viên: Được biết Trung tá Huỳnh Trung Phong mới nhận nhiệm vụ Trưởng phòng Phòng CSGT ĐB- ĐS. Vậy, nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của ông là gì trong việc quản lý đội ngũ cũng như thực hiện trách nhiệm đảm bảo cho người dân đi lại an toàn, thông thoáng?

+ Trung tá Huỳnh Trung Phong: Được Ban Giám đốc Công an TP (CATP) tin tưởng và phân công đảm trách giữ chức vụ Trưởng phòng Phòng CSGT ĐB-ĐS, đây là một niềm vinh dự và cũng đòi hỏi bản thân không ngừng nỗ lực, chủ động tham mưu cho CATP đề ra nhiều giải pháp để góp phần bảo đảm tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn thành phố.

Năm 2017 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, dự báo tình hình TTATGT trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, đặt ra rất nhiều thách thức mới đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của lực lượng CSGT TP.

Để đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kéo giảm tai nạn giao thông và hạn chế đến mức thấp nhất ùn tắc giao thông, trong năm 2017, các giải pháp công tác của Phòng CSGT ĐB-ĐS đều hướng đến mục tiêu tạo bước đột phá mới trong việc thiết lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Song song đó, không ngừng xây dựng và hoàn thiện lực lượng CSGT giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử văn minh, lịch sự, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác chuyên môn trong tình hình mới.

PV: Vốn dĩ trước nay, CSGT đã có nhiều điều tiếng liên quan đến việc tiêu cục, nhũng nhiễu, ông sẽ có những giải pháp gì để xử lý vấn đề tiêu cực đó?:

Trung tá Huỳnh Trung Phong: Khi nói đến CSGT thì nhiều người đều nghĩ ngay đến việc tiêu cực, nhũng nhiễu. Vấn đề này phụ thuộc vào hai phía sau:

Trước tiên là nhiệm vụ của CSGT: Từng CSGT phải hiểu rõ và vận dụng đúng vai trò, trách nhiệm được phân công, khi thực hiện nhiệm vụ dù bất kỳ ở vị trí nào cũng phải thể hiện tốt vai trò trách nhiệm. Thời gian qua, đâu đó vẫn còn một số cán bộ chiến sĩ CSGT có biểu hiện hoặc thực hiện việc mãi lộ, vòi vĩnh tiền... của người vi phạm giao thông (những đồng chí này đã bị loại ra khỏi ngành hoặc bị xử lý kỷ luật thích đáng, điều động ra khỏi lực lượng CSGT để thực hiện nhiệm vụ khác..). Từ đó tạo cho người dân cách nhìn thiếu thiện cảm hoặc nghĩ nếu ai mặc quân phục CSGT thì đều là tiêu cực, tham nhũng. 

Ông Huỳnh Trung Phong khẳng định những CSGT có biểu hiện mãi lộ, vòi vĩnh đã bị xử lý kỷ luật thích đáng. Ảnh: LÊ THOA

Thứ hai, việc nhìn nhận, phán xét của người dân: Vẫn có một số người có cách nhìn phiến diện, không xác thực, cào bằng... vì họ thực tế chưa tiếp xúc hết với lực lượng CSGT hoặc chỉ tiếp xúc với những chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài mặt đường. Những đồng chí này thường bị nhiều áp lực trong công việc như: khói, bụi, tiếng ồn... nên đôi lúc tiếp xúc với người dân còn cộc cằn, nóng tính, chưa chuẩn mực. Điều này cũng góp phần cho người dân nhìn, nghĩ sai lệch đối với lực lượng CSGT.

Ngoài ra, cũng có một số người dân chỉ qua các mối quan hệ xã hội hoặc các thông tin trên các trang mạng xã hội chưa được kiểm chứng cũng vội vàng đánh giá về hoạt động của lực lượng CSGT.

Bên cạnh đó, hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn nêu gương người tốt việc tốt trong lực lượng CAND nói chung và lực lượng CSGT nói riêng. Thế nhưng khi xem hoặc nhìn thấy trực tiếp thì một số người vẫn không đồng tình, ủng hộ mà chỉ khi nhìn thấy một việc nhỏ, làm sai nào đó thì phát tán rộng rãi, đánh giá không trung thực, thiếu tích cực... Đây là vấn đề vô cùng nan giải, vì đây là cách nhìn nhận của mỗi cá nhân chưa đến mức vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, với nỗ lực của bản thân sẽ theo dõi, chỉ đạo sâu sát các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng đến tất cả cán bộ chiến sĩ. Triển khai các văn bản liên quan đến nghiệp vụ và nhất là thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, văn hóa ứng xử, tư thế lễ tiết tác phong... để hướng CSGT dần dần tạo thói quen tiếp xúc với nhân dân, người vi phạm luôn chuẩn mực, thân thiện và tận tụy với công việc.

Trong năm 2016, Phòng CSGT ĐB-ĐS có 668 lượt cán bộ, chiến sĩ nêu gương liêm khiết không nhận hối lộ của người vi phạm với số tiền 128.540.000 đồng.

------------

Tháng 12-2016, Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã thừa lệnh Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân bổ nhiệm Trung tá Huỳnh Trung Phong – Phó Trưởng phòng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM giữ chức vụ trưởng phòng.

Trung tá Huỳnh Trung Phong tốt nghiệp Trường ĐH Cảnh sát nhân dân vào tháng 12-2002. Ông từng làm việc tại Đội Tham mưu và sau đó được bổ nhiệm phó trưởng Phòng PC67. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm