Trường THPT Văn Hiến ở Đồng Nai nói gì về kết luận thanh tra?

Pháp Luật TP.HCM ngày 8-3 thông tin về việc Thanh tra tỉnh Đồng Nai chuyển hồ sơ cho công an để điều tra dấu hiệu tham ô, lạm dụng chức vụ… của ông Nguyễn Thanh Ngạn (chủ tịch HĐQT Trường THPT Văn Hiến, Long Khánh, Đồng Nai).

Chung quanh kết luận này, ngày 12-3, ông Ngạn cho hay là đã khiếu nại các nội dung liên quan. Theo ông Ngạn, kết luận thanh tra khẳng định chưa thu thập đầy đủ tài liệu hợp pháp từ khi thành lập trường năm 1989 đến nay mà chỉ dựa trên kiểm tra xác minh, như vậy là chưa thỏa đáng.

Trường THPT Văn Hiến và khế ước vay tiền năm 1989 của ông Ngạn với ngân hàng để đầu tư đóng bàn ghế cho trường. Ảnh: CTV

Về tài sản của trường

Theo ông Ngạn, năm 1989, nhận thấy địa phương còn thiếu trường lớp, sợ các học sinh trong tuổi đến trường lêu lổng, ông đại diện một nhóm cha mẹ phụ huynh không đại diện cho một tổ chức hay đoàn thể nào có đơn xin mở Trường Trung học dân lập Văn Hiến.

Lúc này các quy định của pháp luật về loại hình đào tạo chưa đầy đủ, rõ ràng nhưng việc xin mở trường của ông Ngạn là phù hợp với chủ trương. Vì vậy, sau khi nhiều cấp chính quyền từ huyện đến tỉnh xem xét, tham mưu, đến tháng 8-1989, tỉnh Đồng Nai có quyết định cho phép ông Ngạn được mở trường, có tư cách pháp nhân riêng, trường tự chủ về tài chính, tự thu tự chi.

Từ quyết định của tỉnh, huyện Xuân Lộc đã cấp cho Trường Văn Hiến trụ sở bỏ hoang của Phòng Giáo dục gồm bốn phòng học cũ và một hội trường được xây dựng từ năm 1961 trên khuôn viên hơn 5.000 m2.

Sau đó ông Ngạn đứng ra thỏa thuận bồi thường hoa màu cho người trồng cà phê trong sân của Phòng Giáo dục, thuê người phát quang, cải tạo, sửa chữa phòng học. Ông cũng vay ngân hàng để đóng bàn ghế và các trang thiết bị khác, lập danh sách bộ khung giáo viên để hoạt động theo mô hình thí điểm tự thu và tự chi mà không nhận hỗ trợ nào từ ngân sách.

Sau gần 10 năm hoạt động, trường được giao diện tích đất trên, cho chuyển từ Trường Phổ thông dân lập cấp II-III thành Trường THPT dân lập Văn Hiến, cơ quan chức năng cũng đồng ý cho HĐQT nhà trường thanh lý bốn phòng học cũ để xây mới theo nguồn vốn tự có của nhà trường.

Cách khác, ngoài bốn phòng và hội trường bỏ hoang ban đầu mà huyện Xuân Lộc bàn giao, toàn bộ khối tài sản hiện có là do quá trình ông Ngạn đầu tư, hoạt động của tập thể nhà trường mà có chứ không hề sử dụng đồng vốn ngân sách nào. “Điều này cũng đã được các cơ quan chức năng như Sở Tài chính, Sở Giáo dục, Sở Kế hoạch và Đầu tư, HĐND và UBND tỉnh Đồng Nai kết luận trong các năm 2013, 2014 và 2015 khi nhà trường chuyển từ trường dân lập sang tư thục…” - ông cho hay.

Bác bỏ các sai phạm

Trong kết luận, Thanh tra tỉnh Đồng Nai cho là ông Ngạn có dấu hiệu của tội tham ô, trốn thuế vì lập các phiếu chi, chứng từ kế toán không hợp pháp.

Sau khi thành lập, ông Ngạn đã bồi thường cho người trồng cà phê để lấy mặt bằng xây dựng trường

Theo ông Ngạn, từ khi thành lập, thu không đủ bù chi nên ông phải bán 4 ha rẫy cà phê để duy trì hoạt động, sau đó có tích lũy. Vì đây là loại hình đào tạo thí điểm nên khi hạch toán, đóng thuế nhà trường thực hiện đầy đủ các loại thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp mà không phải là trích nộp ngân sách vì không có nguồn vốn từ ngân sách.

Chưa hết, khi xin chuyển loại hình đào tạo từ dân lập sang tư thục, Sở Tài chính, Sở Giáo dục đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai đồng ý cho nhà trường thuê đơn vị kiểm toán độc lập vào kiểm tra, báo cáo kiểm toán. Trong báo cáo này, kiểm toán xác định từ năm 1989 đến 2004, ông Ngạn đã góp hơn 8,2 tỉ đồng vốn vào nhà trường. Tuy nhiên, thanh tra lại không chấp nhận báo cáo kiểm toán, cho là ông Ngạn cung cấp chứng từ giả cho kiểm toán vì các hóa đơn, phiếu thu, chi… in từ máy vi tính mà không phải là các bản gốc.

Theo ông Ngạn, trong khi chưa có ý kiến thẩm định hay kết luận của cơ quan thuế hay tài chính, chưa xác định tài sản cá nhân hay của tổ chức tư nhân có hay không và là bao nhiêu nhưng thanh tra đã kết luận là ông tham ô tài sản hay chiếm đoạt tài sản.

Cạnh đó, quy định về Luật Kế toán có quy định là hồ sơ chứng từ phải lưu trữ bao lâu thì việc ông cung cấp các chứng từ lưu trữ trong máy tính không hề vi phạm. Lẽ ra thanh tra phải xác định các chứng cứ đó có thật hay không, có đúng hay không để xác định bản chất các chứng từ thì đằng này thanh tra bác bỏ toàn bộ, cho là “không có giá trị” để quy buộc ông vào dấu hiệu các vi phạm là không thỏa đáng.

Ông cũng đã kiến nghị chủ tịch tỉnh Đồng Nai thu hồi kết luận thanh tra, cho định giá các phòng học mà huyện Xuân Lộc bàn giao ban đầu để trường thực hiện nghĩa vụ tài chính cho ngân sách. Được biết đến nay tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có văn bản trả lời cho ông Ngạn về những nội dung ông khiếu nại.

Theo ông, hơn 30 năm qua ông dành tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, gầy dựng từ những căn phòng bỏ hoang thành cơ sở đào tạo uy tín, nhiều thế hệ học sinh trưởng thành làm nguồn chất xám cho tỉnh Đồng Nai và cho cả nước. Thế nhưng từ những chứng cứ thu thập chưa đầy đủ, thanh tra quy buộc ông vào các tội trốn thuế, tham ô, lạm dụng chức vụ là chưa thuyết phục nên yêu cầu thu hồi kết luận thanh tra.

Hiện hồ sơ thanh tra đã được Công an tỉnh Đồng Nai tiếp nhận theo kiến nghị của kết luận thanh tra và công an chưa có động thái tố tụng nào về vụ này. Chúng tôi sẽ thông tin sự việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm