Từ 2021, kê khai tài sản gian dối đối mặt nhiều rủi ro

Lấy số hiệu là Nghị định số 130/2020, văn bản quy phạm pháp luật cấp Chính phủ này không chỉ thay thế Nghị định 78/2013 ban hành 6 năm trước. Bởi chỉ nhìn tên gọi của nó - “kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” - đã thấy mạnh mẽ hơn, phạm vi, tính tác động sâu rộng hơn so với tên nghị định cũ - “minh bạch tài sản, thu nhập”.

Vũ khí mới cho công cuộc phòng chống tham nhũng

Trong quá trình sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng mấy năm trước, nhiều ý kiến cho rằng luật này dù chỉ phòng ngừa là chính, nhưng cũng chẳng có “răng”, nên chẳng “cắn” được ai – kể cả người kê khai tài sản gian dối, mà ngôn ngữ pháp lý gọi là “không trung thực”.

Nhưng sau khi Luật PCTN được ban hành, rồi giờ là Nghị định 130, thì đã có thể tìm thấy những “răng nanh” sắc bén, chẳng hạn như ở Chương V – xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập.

Ở chương này, lần đầu tiên, Chính phủ đưa ra cơ chế để hàng năm, bắt buộc phải tiến hành kiểm tra công tác kê khai tài sản với tối thiểu 20% cơ quan, đơn vị ở từng khu vực. Riêng với các đơn vị thuộc các bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính thì chỉ tiêu thấp hơn, nhưng tối thiểu 10%.

Trong số các cơ quan, đơn vị được chọn ra này, sẽ tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm ở tổ chức đó. Không chỉ vậy, trong số 10% này phải có ít nhất 01 người là đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu ở chính cơ quan, đơn vị ấy.

Quy trình dân chủ, công khai, chặt chẽ

Kết quả này bắt đầu từ quy rình xây dựng “bảng tử thần”, được triển khai rất chặt chẽ.

Đầu tiên, trước ngày 31-10 hằng năm, Thủ tướng phải phê duyệt “định hướng xây dựng kế hoạch xác minh” do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp soạn thảo, đệ trình.

Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải chỉ đạo cơ quan thanh tra của mình xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm. Nơi không có cơ quan thanh tra thì bộ phận phụ trách công tác tổ chức cán bộ đảm đương công tác này.

Kế hoạch xác minh phải dựa trên văn bản định hướng của Thủ tướng và 02 căn cứ khác: Tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở các ngành, lĩnh vực và địa phương; yêu cầu, chỉ đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác PCTN. Ngoài ra, cũng phải tính đến “khả năng, điều kiện thực hiện các mục tiêu xác minh”.

Kế hoạch xác minh phải có các nội dung sau:

(a) Mục đích, yêu cầu;

(b) Số lượng và tên cơ quan, đơn vị được xác minh;

(c) Tổng số người được xác minh, số lượng người được xác minh phân bổ theo cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc;

(d) Việc tổ chức thực hiện kế hoạch xác minh, người được phân công chỉ đạo việc thực hiện, đơn vị được phân công tiến hành xác minh, nguồn lực để thực hiện xác minh.

Kế hoạch xác minh này phải được người đứng đầu các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc chủ tịch UBND các tỉnh phê duyệt, ban hành trước ngày 31-1 hằng năm. Sau đó mới tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên những quan chức công quyền sẽ để đưa vào danh sách xác minh.

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chủ trì việc “bốc thăm”, nhưng phải có mặt đại diện Ủy ban Kiểm tra của tổ chức đảng và MTTQ cùng cấp chứng kiến.

Chế tài nghiêm khắc

Từ danh sách ngẫu nhiên được chọn, người có thẩm quyền trong xác minh tài sàn, thu nhập sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết theo quy định để phát hiện, kết luận. Nếu bị kết luận là "không trung thực" trong kê khai tài sản, thu nhập cũng như trong giải trình nguồn tốc phần tăng thêm thì người có chức vụ, quyền hạn sẽ đối mặt với nhiều hình thức xử lý đã được quy định rõ trong Luật PCTN.

Cụ thể, người đang ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thì bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử. Người được đang được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì sẽ không được như dự kiến nữa.

Nếu không đang trong thời điểm “nhạy cảm” trên thì người vi phạm nghĩa vụ trung thực, tùy mức độ sẽ bị chế tài dưới các hình thức, từ cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Nếu đang được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

Quyết định kỷ luật được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật làm việc. Nhưng luật cũng mở ra lỗi thoát, xem xét không kỷ luật nếu người đó xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm.

Hi vọng mới sau Đại hội XIII

Gọi tên cụ thể các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; ban hành cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc xác minh ngẫu nhiên tính trung thực của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập… là những gì đã đạt được trong Luật PCTN, mà Quốc hội sửa đổi toàn diện, ban hành tháng 11-2018, có hiệu lực từ tháng 7-2019.

Theo mốc ấy thì đến giờ Chính phủ mới ban hành Nghị định 130/2020 là có phần chậm trễ. Nguyên nhân của sự chậm ấy đã được Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng, báo cáo, giải trình trước Quốc hội hôm thứ hai vừa rồi, 26-10.

Nhưng dù chậm trễ thì vẫn có thể đánh giá tích cực là Nghị định 130/2020, có hiệu lực từ 20-12 tới, sẽ phát đi một tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ tới cán bộ, quan chức công quyền ở mọi ngành, lĩnh vực, từ trung ương tới địa phương, để tới đây họ phải nghiêm khắc hơn với chính mình – ít nhất trong công tác kê khai tài sản, thu nhập.

Tín hiệu pháp lý ấy cũng ăn khớp với quan điểm chính trị của Đảng, được thể hiện khá rõ trong dự thảo Báo cáo chính trị - báo cáo trung tâm trong các văn kiện trình Đại hội XIII tới, đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân. Theo đó, khẳng định công tác phòng chống tham nhũng đã làm rất mạnh ở khóa XII này, và đà ấy sẽ tiếp tục sang khóa sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm