Từ “chống trượt” đến chống “vỏ bọc” bằng cấp

Từ đây đưa đến vấn nạn chạy bằng cấp bằng mọi giá mà không qua thực học, thực tài.

Khi Nhà nước có chủ trương trẻ hóa cán bộ, tiêu chuẩn hóa cán bộ, thường chủ yếu dựa vào bằng cấp thì lập tức có hiện tượng khai sụt tuổi, chạy bằng giả. Nhưng ngán ngại nhất là hiện tượng “bằng thật học giả”, hễ Nhà nước có chủ trương gì thì những người này nhanh chóng đáp ứng hóa giải bằng mọi cách, kể cả thủ đoạn mánh mun.

Công bằng mà nói do quá đặt nặng tiêu chí bằng cấp trong tuyển dụng, đánh giá, đề bạt, vô hình trung làm bùng nổ vấn nạn trên đây. Điều này tạo ra những hệ lụy hết sức nặng nề cho chất lượng cán bộ, công chức trong bộ máy của ta hiện nay. Trong khi đó thực tiễn quản lý, nhiều vấn đề phát sinh không có trong sách vở, các thông lệ. Hơn nữa, công cuộc đổi mới cũng như cải cách hành chính và những vấn đề bức xúc của Nhà nước ta chưa có tiền lệ. Đòi hỏi ấy buộc chúng ta phải đổi mới cách thức tuyển chọn để kiến tạo nên một đội ngũ cán bộ có khả năng hoàn thành nhiệm vụ một cách chủ động và sáng tạo trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay và tương lai.

Muốn thế, chúng ta cần xây dựng một hệ thống tiến cử, tuyển chọn hiền tài công tâm, dân chủ và khoa học và hạn chế những yếu tố mang tính hình thức, vỏ bọc. Theo đó, để có một đội ngũ công chức có năng lực thật sự nên tổ chức thi tuyển đầu vào nghiêm ngặt, khoa học khách quan hơn đối với công chức so với thời gian vừa qua. Nên chăng tổ chức những cơ quan độc lập lo việc thi tuyển công chức. Dựa vào kết quả thi đấy cơ quan cần tuyển dụng chiếu theo yêu cầu của cơ quan mình tuyển dụng. Ngoài ra, đối với các chức vụ lãnh đạo cần tổ chức thi tuyển cạnh tranh vào một chức danh. Hiện nay, nhiều địa phương đã cho thi tuyển cạnh tranh trưởng, phó phòng, dần dần cần mở rộng đến phó giám đốc, giám đốc sở, vụ trưởng, vụ phó, cục trưởng, cục phó… Đồng thời bổ sung Chế định sát hạch công chức định kỳ hoặc đột xuất.

Mặt khác, đã đến lúc chúng ta phải hình thành và làm quen “công nghệ mới” bổ sung cho hệ thống tuyển chọn nhân sự cao cấp để quy hoạch thông qua áp dụng tiêu chí đánh giá qua Chỉ số thông minh - IQ (Intelligent Quotient) và Chỉ số cảm xúc - EQ (Emotinal Quotient). Vì nếu chỉ biết “nhai lại” mà chỉ số thông minh thấp thì khó có khả năng đề xuất giải quyết những vấn đề bức xúc có tính đột phá. Cán bộ cần phải có chỉ số thông minh và chỉ số cảm xúc cao mới năng động, sáng tạo và nhạy bén!

DIỆP VĂN SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm