Tướng Nguyễn Văn Man cùng đồng đội chọn đi về phía Nhân dân

“Nhân dân đang cần chúng ta đến thì bất luận có  hi sinh cũng phải đến” - Trung tướng Nguyễn Doãn Anh xúc động nhắc lại câu nói cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man khi báo cáo với Thủ tướng về người đồng đội của mình.

Tướng Man bàn cách vào trạm 67. Ảnh: CTV

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh quân khu 4 nhà ở Nam Lý, Đồng Hới, Quảng Bình. Ông là vị tướng phụ trách kỹ thuật, tác chiến của quân khu. Vậy nên giữa thời bình, nơi nào có thiên tai vùi dập là nơi đó ông ra trận để lên kế hoạch cứu dân. Lần vào Rào Trăng 3 này, ông cùng 12 người khác đã vĩnh biệt chúng ta...

Gia đình của vị tướng

Tướng Man là con út trong một gia đình có 6 người con trai, bố là Nguyễn Văn Tiu, mẹ Nguyễn Thị Dũy. Cụ Tiu qua đời cách đây 5 năm khi thọ 90 tuổi, hiện mẹ ông Man đang sống minh mẫn với 95 tuổi. Cuộc đời của hai vợ chồng cụ Tiu làm việc đồng áng mưu sinh nuôi con, đến tuổi, ông bà đều cho con tòng quân.

Năm người anh của ông Man buôn bán nhỏ, coi phòng trọ bình dân, chạy xe khách. Duy chỉ có ông Man theo được đường binh nghiệp.

Trong họ Nguyễn Văn của Lý Ninh, ông Tiu biết chữ Hán Nôm nên mỗi lần đi chăn trâu, ông hay dạy lại đám trẻ con trong làng.

Người anh cả ông Man kể: Bố tôi thường dạy giỗ con cái về đức tính giúp đỡ mọi người, nên anh em lớn lên ai cũng theo lời bố mẹ, đặc biệt là chú Man, đi làm việc nhà nước nhưng khi về có dịp là giúp bà con lối xóm bằng bất cứ cái gì chú ấy có mà không câu nệ.

Ông Lai, hàng xóm của tướng Man nói: “Tuy là Tướng nhưng ông Man sống gần gũi với mọi người trong hẻm. Đường hẻm nhỏ, mỗi lần xe đến đón đi công tác hoặc công cán về nhà, ông đều dặn lái xe dừng từ ngoài đường lớn để ông đi bộ vào, khỏi phải phiền hà đến bà con đi lại. Chỉ một hành động ấy thôi cũng đủ chúng tôi phục tướng Man” – ông kể.

Hậu phương quê nhà

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man sinh năm 1966. Năm 1989, sau khi tốt nghiệp trường Sỹ quan lục quân 2, ông được điều động nhận công tác tại Sư đoàn 2, Quân khu 5. Năm 2006, ông được điều động về nhận công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình. Tháng 3-2015, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh… đến tháng 6-2019, ông trở thành Phó Tư lệnh Quân khu 4 và được phong hàm Thiếu tướng. 

Là con út, tướng Man được cha mẹ ưu ái cho ở đất hương hỏa của ông bà để lại. Bao năm nghiệp binh, sau nhiều năm ông lấy người hàng xóm Trần Thị Quảng Bình làm vợ.

Chị Nguyễn Thị Hoa, người cùng con hẻm kể: “Ngày trước chị Bình buôn bán nhỏ, lấy chú Man rồi thì chú ấy đi biền biệt, mẹ già, con thơ ba đứa, chị Bình đành gác việc buôn bán, ở nhà phụng dưỡng mẹ chồng và chăm con. Khi thì xe đạp đón con, khi thì chạy bộ vào bệnh viện nuôi má chồng nhập viện... Đằng đẵng nhiều năm trời chị Bình không lời ca thán để chồng theo nghiệp nhà binh”.

“Mấy ngày qua nghe tin chồng gặp nạn chị Bình gắng gượng lo cho gia đình, là chỗ dựa cho các con. Nuốt đau thương vào trong mà động viên mẹ già, không để mẹ chồng 95 tuổi biết được điều gì. Hai hôm nay chị vào Huế để được đứng gần bên linh cữu của anh và 12 cán bộ chiến sĩ đồng đội nhưng phải nói dối với mẹ là đi chơi, phải gửi mẹ lên nhà bác cả cho gia đình chuẩn bị hậu sự” - bà Hoa kể.

Tướng Man cầm điện thoại, chỉ đạo cứu hơn 1000 hành khách trong lũ lớn năm 2016. Ảnh: M.Q

Nói về gia đình tướng Man, bà Phạm Thị Hài, Chủ tịch UBND phường Nam Lý nêu: “Tướng Man là người giúp nhiều cho tổ dân phố và địa phương. Chị Bình là người vợ tảo tần, chịu thương chịu khó. Là hậu phương vững chắc để Thiếu tướng lo binh nghiệp, lo cho dân”.

Ra trận cứu dân

Những tháng năm đứng chân chỉ huy ở Bộ chỉ huy tỉnh đội Quảng Bình, tướng Nguyễn Văn Man là người luôn xông xáo đi đầu trong cứu dân.

Năm 2016, trận “đại hồng thủy” khắp bắc Quảng Bình. hai chiếc tàu thống nhất hơn 1000 khách mắt kẹt ở ga xép Lệ Sơn (huyện Tuyên Hóa), nước sông Gianh ngập trắng, lũ cuồn cuộn, ông cùng một tổ công tác mang theo xuồng, máy thông tin lập tức cắt nước sông Gianh hành quân đến ga Lệ Sơn. Tiếp cận được khu vực, thực địa hiện trường, ông báo cáo Tỉnh ủy, yêu cầu các mũi đột phá công an, quân đội, biên phòng, Sở GTVT, Y Tế cùng vào cuộc và cứu được hơn 1000 hành khách an toàn.

Giữa đêm còn mưa gió, dân vùng nam sông Gianh kêu cứu, ông chỉ huy thuyền đi trong đêm cứu dân. Những trận lũ lịch sử trên sông Gianh, ông đều ra tiền phương cứu dân, vậy nên đã có hàng ngàn dân dọc sông Gianh đều ấn tượng cới Tướng Man.

Lần này, với cương vị là phó tư lệnh quân khu 4 đi thị sát vùng lũ, hay tin thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở, chôn vùi 17 công nhân, ông lại lên đường.

Chuyến đi không phải để cứu hộ, mà xác minh kiểm tra cụ thể và vạch ra các phương án cứu hộ cần thiết. Một vị tướng xông pha trận mạc, luôn sát cánh cùng thuộc cấp ở tiền phương nên ông phải vào tận nơi, chứng kiến địa hình để đánh giá tổng thể mới vạch  phương án tối ưu.

Rào Trăng đang sạt lở, mưa to gió lớn, trực thăng không thể bay, không thể đáp, chỉ đi bộ vào tận nơi mới lên được phương án cứu nạn cứu hộ.

Nhưng không ai tính được thiên tai, trận sạt lở đã cướp đi một vị tướng của quân khu 4, một vị tướng ra trận cứu dân nhiều lần trong lũ dữ, một vị tướng cùng đồng đội chọn đi về phía nhân dân và đã qua đời.

Quân khu 4 vừa công bố một clip được quay lại bởi một thành viên trong đoàn lên Rào Trăng 3, cảnh tướng Man và các thành viên thị sát mưa lũ, họ nhận định tình hình, mạo hiểm vượt ngầm và cùng nhau hong áo quần, hơ tay trên bếp lữa giữa mưa rơi rừng núi lạnh giá trong ánh đèn pin leo lét. Hình ảnh thật cảm động, cứ ngỡ họ vẫn còn tiếng nói đâu đây. Dù chuyến đi của tướng Man vào Rào Trăng 3 không hoàn thành nhưng chuyến đi lịch sử ấy để lại lời khẳng định quân đội luôn sát cánh với người dân. Tướng Man là người tướng trận giữa lũ càn. Tâm nguyện cứu hộ Rào Trăng 3 với ông có thể không đặt chân đến được nhưng đồng đội của ông vẫn đang tiếp diễn để hoàn thành điều mong muốn ấy.

Tiểu sử liệt sĩ Nguyễn Văn Man

Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bộ Quốc phòng; Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4; Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man; Sinh ngày: 12-01-1966. Phó Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Tướng Nguyễn Văn Man cùng đồng đội chọn đi về phía Nhân dân ảnh 3
Thiếu tướng Nguyễn Văn Man

Nguyên quán: xã Lý Ninh (nay là phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).  Nơi ở hiện nay: Tổ dân phố 9, phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).

Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất; Huân chương Chiến công Hạng Nhì; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Chiến sỹ vẻ vang Hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.

Năm 1985 là Chiến sĩ, Tiểu đoàn 5, Sư đoàn 441, Quân khu 4. Năm 1985 – 1986 là học viên đào tạo Tiểu đội trưởng, Tiểu đoàn 13, Sư đoàn 441, QK 4. Từ năm 1986 – 1989 là học viên, Trường Sĩ quan Lục quân 2.

Từ 2000 – 2006, ông là Học viên Hoàn thiện Đại học, Trường SQLQ 2, sau đó là Học viên đào tạo cấp Trung đoàn, sư đoàn, Học viện Lục quân.

Năm 2006 đến năm 2012, ông là Trợ lý Ban Tác huấn, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS Quảng Bình rồi lần lượt làm Phó trưởng ban, Trưởng ban Tác huấn, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS Quảng Bình.

Đến năm 2013 là Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố Đồng Hới, Bộ CHQS Quảng Bình.

2015 – 2019, ông là Đại tá, Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS Quảng Bình; Học viên đào tạo Cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị; Học viên đào tạo cao cấp Quân sự địa phương tại Học viện Quốc phòng.

Từ tháng 5-2019 – 5-2020, ông là Phó Tư lệnh Quân khu 4.

Tháng 6-2020 đến nay là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm