Tướng Phan Anh Minh 'điểm mặt' 4 lý do bế tắc xử lý người nghiện

 Công an xã Bà Điểm, Hóc Môn tuần tra khu vực An Sương phát hiện người nghiện mời về trụ sở chụp ngày 29-10. Ảnh: Xuân Ngọc

Thông tin trên được Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho biết tại cuộc họp Ban Tuyên giáo thành ủy sáng 31-10.

Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, mới đây TAND quận 9 có tiếp nhận vài hồ sơ nhưng chưa ra phán quyết được. Tòa quận 2 thì đưa ra phán quyết một vụ bắt buộc chữa bệnh nhưng không thể thực hiện vì đối tượng bỏ trốn. Trước tình hình đó, đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM có gửi kiến nghị cho Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc. Hiện có bốn vướng mắc lớn mà Luật XLVPHC và các nghị định quy định không khả thi.

Một là, theo quy định hiện hành, nếu giáo dục tại phường xã, cai nghiện tại cộng đồng mà không thành công thì mới bắt buộc người nghiện chữa bệnh. Các bước giáo dục ở phường xã, khám chữa bệnh đều có giấy xác nhận của cán bộ y tế có thẩm quyền. Theo quy định, y tế có thẩm quyền phải có giấy phép hành nghề theo luật khám chữa bệnh, qua tập huấn và được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận là đủ thẩm quyền xác định tình trạng nghiện. 

Thế nhưng cho đến nay, trên cả nước Bộ Y tế chưa tập huấn và chưa cấp giấy chứng nhận này cho ai hết! Trường hợp ở tòa án quận 2 đã ra quyết định cũng có thể bị tòa phúc thẩm bác vì người không có thẩm quyền xác nhận tình trạng nghiện. 

Ngoài ra Bộ y tế vừa ban hành phác đồ triệu chứng xác định nghiện ma túy, trường hợp nghiện ma túy tổng hợp có 12 triệu chứng. 12 triệu chứng này chỉ có thể thu thập được tối thiểu phải quan sát họ 72 giờ trở lên.

Hai là, điều 131 Luật XLVPHC và điều 14 Nghị định 221 quy định đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định, khi phát hiện thì chủ tịch UBND phường, xã ra quyết định giao cho tổ chức xã hội quản lý. Theo điều 14 của Nghị định này thì tổ chức xã hội phải có ba bộ phận gồm điều trị, nuôi bệnh, bảo vệ và có tối thiểu 4 nhân viên. Quy định này không phải giao cho tổ chức chính trị -xã hội mà giao cho tổ chức hành nghề khám chữa bệnh để quản lý bằng quyết định UBND cấp phường, xã. Quy định này không khả thi vì ở TP.HCM chỉ có 1 trung tâm điều trị ở Thanh Đa (Bình Thạnh) của bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy có chức năng này. Tuy nhiên, theo bác sĩ Duy nếu có ra quyết định thì trung tâm cũng không nhận vì đây là cơ sở khám điều trị. "Nếu có gì thì ký hợp đồng thuê tôi điều trị chứ làm sao một ông chủ tịch ở xã nào đó, không quản lý nhà nước trung tâm mà bắt tôi tiếp nhận, lỡ mất người nghiện thì trung tâm chịu trách nhiệm với gia đình hay với chủ tịch xã?"- ông Minh dẫn lời bác sĩ Duy cho biết.

Ba là, thực hiện theo biểu mẫu. Theo nghị định 81 hướng dẫn Luật XPVPHC thì ban hành nghị định nào phải kèm theo biểu mẫu ấy. Hiện nay, trong giáo dục đã chống việc bài văn mẫu mà cán bộ viên chức thì cái gì cũng làm theo mẫu, không có mẫu thì bó tay, không làm được thì khó thể chấp nhận được.

Bốn là, hiện nay TP.HCM có 12 trung tâm cai nghiện với tên gọi khác nhau. Khi tòa ra quyết định thì tòa bắt buộc phải chữa bệnh ở trung nào. Tòa không thể quyết được vì tòa không nắm. Chúng ta phải có một giai đoạn để xem độ tuổi, giới tính, tiền án tiền sự hay không, nghiện ma túy loại nào, đã được cắt cơn ở mức độ nào? Và ở trung tâm nào đang trống để đưa người nghiện đến chữa bệnh. Lâu nay, Sở LĐ-TB & XH làm nhiệm vụ điều phối này. Do đó cần phải có nơi làm nhiệm vụ phân loại, thay vì để tòa tìm được người nghiện thì phải thuê một chuyến xe vừa tốn kém, chưa kể người nghiện đó chống trả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm