Tuyên truyền chủ xe thực hiện đúng quy định kinh doanh vận tải

Sau vụ tai nạn đau lòng khiến 13 người tử vong khi đang trên đường từ Quảng Trị vào Bình Định để rước dâu. Chiếc xe khách 75B-000.52 chưa đủ điều kiện kinh doanh vận tải, không có phù hiệu và không có thiết bị giám sát hành trình, tài xế chạy quá giờ quy định. Điều đáng nói, không chỉ chiếc xe nói trên mà tại địa phương tỉnh Thừa Thiên-Huế, tình hình xe khách hoạt động không đăng ký kinh doanh vận tải còn khá nhiều.

Hiện trường vụ tai nạn tại Quảng Nam. Ảnh: H.HIẾU

Ngày 1-8, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Quang Hồng (Trưởng phòng Quản lý vận tải-Phương tiện, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết những người muốn đưa ô tô vào hoạt động kinh doanh vận tải phải hội tụ đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đó, để vận tải hành khách, những xe này phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô do Sở GTVT nơi đăng ký biển số cấp; sau đó chủ phương tiện phải tiến hành thủ tục hành chính để được cấp phù hiệu, trong đó xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình… Thiết bị giám sát hành trình sẽ quản lý được toàn bộ quá trình vận tải hành khách, tốc độ phương tiện, thời gian tài xế điều khiển phương tiện (giới hạn tài xế điều khiển xe liên tục tối đa bốn giờ đồng hồ và không quá 10 giờ đồng hồ mỗi ngày).

Cho nên việc các phương tiện không đủ điều kiện kinh doanh vận tải mà đưa xe ra hoạt động kinh doanh vận tải là vi phạm pháp luật. Khi đó, đơn vị quản lý không quản lý được tốc độ hay thời gian tài xế điều khiển nên xảy ra nhiều tình trạng tài xế chạy liên tục quá giờ gây kiệt sức, buồn ngủ… là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn đau lòng.

Đối với những trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải, lực lượng chức năng có thẩm quyền xử lý gồm CSGT, cảnh sát trật tự và thanh tra giao thông. Tuy nhiên, theo ông Hồng thì nguyên nhân khiến việc nhiều xe không đủ điều kiện kinh doanh vận tải nhưng vẫn đưa xe ra kinh doanh vận tải một thời gian dài là do các tài xế điều khiển xe vào ban đêm, khi thấy lực lượng chức năng thì tìm cách trốn tránh nhằm qua mặt các lực lượng chức năng nên lực lượng chức năng khó phát hiện.

"Sau vụ tai nạn xảy ra tại Quảng Nam, Sở GTVT Thừa Thiên-Huế đã làm việc với Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới để thống kê các phương tiện từ 10 chỗ trở lên thể hiện trong hồ sơ đăng kiểm “không kinh doanh vận tải”, “không lắp thiết bị giám sát hành trình”. Sau đó, Sở sẽ tổng hợp gửi công văn về chính quyền địa phương để tuyên truyền các chủ xe thực hiện đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải bằng ô tô và nâng cao ý thức của người điều khiển giao thông” - ông Hồng nói.

Trước đó, như đã thông tin, rạng sáng 30-7, xe chở đoàn rước dâu 16 người từ Quảng Trị vào Bình Định, khi đến địa phận Quảng Nam thì tông vào xe container chạy ngược lại. Hậu quả 13 người tử nạn (tài xế, chú rể, có cả các cháu nhỏ) và làm bốn người trọng thương.

Tài xế xe khách Lê Ngọc Cường (ngụ xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) trước khi xuất phát lúc 23 giờ chở đoàn rước dâu từ Quảng Trị đi Bình Định đã chạy một chuyến khác. Việc tài xế chạy liên tục trong 12 giờ như báo chí đã đưa tin có thể là nguyên nhân khiến tài xế kiệt sức, buồn ngủ, dẫn đến tai nạn - nguyên nhân theo nhận định ban đầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm