Ứng 9 triệu USD cho dự án Đa Phước là sai luật

Ứng 9 triệu USD cho dự án Đa Phước là sai luật ảnh 1

Một trong những hồ nước đỏ đầy ắp nằm phía sau bãi rác Đa Phước chưa được xử lý. (Ảnh VNN)

Kiến nghị này đưa ra sau khi có kết luận kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường giai đoạn 2006-2008, do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố sáng 2/12.

Báo cáo nêu rõ, UBND TP.HCM cần xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm liên quan đến khoản 9 triệu USD từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để tạm ứng cho Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (100% vốn nước ngoài) đầu tư xây dựng dự án bãi xử lý chất thải rắn Đa Phước.

"Điều này là trái với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước", Phó Tổng KTNN Lê Hoàng Quân khẳng định với PV.

Ông Quân cho rằng, nhà thầu làm bãi rác Đa Phước là DN tư nhân nước ngoài, nhưng UBND TP.HCM lại dùng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để ứng cho DN đầu tư. Việc ứng này là sai Luật Ngân sách. Hơn nữa, số tiền đó lại dùng vào việc xây dựng cơ bản thì càng sai.

"Trách nhiệm của nhà thầu là phải có vốn. DN ký hợp đồng xây dựng rồi thì phải bỏ vốn ra làm. Ở đây có khả năng họ muốn lợi dụng NSNN để lấy vốn xây dựng cơ bản. Việc đòi ứng trước để sau này họ tính đơn giá thấp xuống để trả nợ dần là cách làm không minh bạch", ông Quân nói.

Đem kinh phí môi trường gửi ngân hàng lấy lãi (!)

Tại TP.HCM, KTNN cũng phát hiện việc một số đơn vị không nộp các khoản thu từ môi trường về ngân sách Nhà nước, trong khi ngân sách còn phải đi vay để đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường, làm hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí.

Điển hình, KTNN dẫn chứng, tiền bồi thường sự cố tràn dầu của Sở TN&MT TP.HCM từ ngày 11/12/2003 là gần 11 tỷ đồng Sở đã không nộp vào ngân sách mà gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất không kỳ hạn, đến ngày 31/12/2008 cả lãi và gốc là 12,56 tỷ đồng.

Trong khi đó, KTNN đánh giá, thu phí nước thải công nghiệp chưa đạt yêu cầu khi thu thiếu kịp thời, theo đơn vị tự khai, không nắm chính xác số đối tượng phải thu dẫn đến số đơn vị chưa nộp phí chiếm tỷ trọng lớn.

Ví như, TP.HCM chưa quản lý được 1.017 đơn vị, Nghệ An 70 đơn vị, Bà Rịa - Vũng Tàu 86 đơn vị (năm 2006, 2007) và 39 đơn vị (2008)...

Ngoài ra, KTNN yêu cầu UBND TP.HCM cũng cần xử lý các sai phạm liên quan đến việc quyết toán sai khối lượng quét dọn vệ sinh, chi phí vận chuyển rác do tính sai giờ làm đêm theo quy định 22 tỷ đồng; đánh giá, thẩm định, phê duyệt lựa chọn nhà thầu không đúng quy định tại Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thuộc Sở GTVT (gói thầu nạo vét rạch Ông Du; rạch Cầu Cụt; rạch Sông Chùa 2...).

Theo Hà Yên (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm