Ưu ái nên cho tăng phí giao thông?

Như chúng tôi đã thông tin, Bộ GTVT đề nghị 23 trạm thu phí đang hoạt động trên quốc lộ 1, quốc lộ 5, quốc lộ 10, quốc lộ 20… đoạn qua các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hưng Yên và Thái Bình bắt đầu tăng phí từ ngày 1-6, thay vì ngày 1-1.

Tuy vậy, Bộ Tài chính đã bác đề xuất này. Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, còn đề nghị Bộ GTVT cần đánh giá tổng thể tình hình thu phí các dự án như mức phí, thời gian thu, tác động đến hoạt động kinh doanh vận tải, khả năng đóng góp của người dân... Đặc biệt, Bộ GTVT cần đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân ngay từ việc đánh giá ký kết hợp đồng BOT đến quá trình thực hiện và triển khai thu phí.

Trước thông tin này, Pháp Luật TP.HCM ghi nhận một số ý kiến không đồng tình.

Tăng phí bảo vệ ai?

Chúng tôi rất đồng tình với đề xuất lùi ngày tăng phí của Bộ GTVT. Đề xuất này phù hợp với đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp (DN) và thực hiện theo mong muốn của Chính phủ là giảm giá thành vận tải.

Việc tăng phí sẽ tạo gánh nặng đè lên DN và người dân. Bộ GTVT nhìn thấy điều này vì thực tế mức phí trước đó cũng đủ gây khó khăn cho nhiều DN.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đưa các lý do như không kịp sửa quy định, các trạm đã in vé theo mức phí mới… để bác đề xuất của Bộ GTVT là không hợp lý. Những lý do Bộ Tài chính nêu ra chứng tỏ việc điều hành kinh tế vĩ mô còn chưa mềm dẻo, thiếu nhạy cảm và thủ tục hành chính rườm rà.

Tôi cho rằng Bộ Tài chính còn nặng về tăng thu. Ngoài ra, việc này còn có điểm chưa minh bạch. Việc cho các DN BOT tăng phí có nhằm bảo vệ một nhóm nào không?

Sau khi tăng giá phí, nhiều nơi đã xuất hiện cảnh phản đối. Ngoài ra, trước việc các trạm thu phí đang “vây ráp” hiện nay, hiệp hội sẽ soạn văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét mua lại một số trạm BOT. Những nơi 20-30 km một trạm BOT thì Nhà nước phải có biện pháp giảm bớt để người dân cảm thấy “dễ thở” khi đi ra đường.

Ông BÙI DANH LIÊN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Ưu ái nên cho tăng phí giao thông? ảnh 2

Trạm thu phí trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Điện Thắng (Điện Bàn, Quảng Nam) tăng phí bất ngờ gây sốc cho các DN vận tải. Ảnh: TẤN TÀI

Bác đề nghị hoãn tăng phí không thuyết phục

Việc các trạm thu phí BOT tăng phí là không ổn, nhất là lúc giá xăng dầu giảm mạnh. Theo tôi, Bộ Tài chính cho rằng không buộc nhà đầu tư lùi ngày tăng phí vì bị hợp đồng BOT ràng buộc và cần có thời gian sửa 35 thông tư quy định mức thu, lộ trình thu phí của 23 trạm là không thuyết phục.

Từ khâu ký hợp đồng đến việc đề xuất mức phí, lộ trình tăng của Bộ GTVT và việc Bộ Tài chính ban hành quy định đã không “cột” được nhà đầu tư vào mức phí chuẩn. Lẽ ra trong các điều khoản thì phải ràng buộc các DN BOT được hoặc phải tăng/giảm phí khi thị trường vận tải có biến động, nhất là khi có tác động của giá xăng dầu.

Từ chỗ không “cột” được mức phí chuẩn nên nhiều năm qua các trạm thu phí “lãnh cảm” trước biến động của thị trường vận tải. Tuy điều này đem lại lợi cho các nhà đầu tư BOT trên tuyến đường độc đạo nhưng sẽ gây hại với các nhà đầu tư BOT trên các tuyến có nhiều ngả đường để lựa chọn.

Tôi đề nghị trong các hợp đồng BOT tới, các đề xuất mức phí và thông tư về thu phí thì cần đưa ra mức phí chuẩn và mức phí mềm, điều chỉnh (tăng hoặc giảm) khi thị trường vận tải có biến động. Như vậy mới tạo được bình đẳng, có sự chia sẻ giữa DN thu phí với DN vận tải.

Ông ĐINH NAM DINH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM

Có căn cứ mới đề nghị tạm lùi tăng

Theo đề án thu phí hoàn vốn cho các dự án đầu tư theo hình thức BOT, cứ ba năm nhà đầu tư được đề xuất tăng phí. Từ năm 2002 tới nay, các trạm thu phí (không tính đường cao tốc) tăng hai lần. Lần đầu tăng 10.000 đồng/lượt cho một xe tiêu chuẩn (xe 12 chỗ trở xuống), lần hai lên 20.000 đồng/lượt và nay là 30.000 đồng/lượt.

Bộ GTVT dựa vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, sức chịu đựng của người dân, DN và khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư để đưa ra lộ trình tăng phí. Ba yếu tố này hình thành nên cơ chế giá và theo rà soát từ năm 2002 trở lại đây, cứ ba đến năm năm là điều chỉnh để phù hợp với chỉ số trượt giá (CPI).

Theo lộ trình đã định, một số trạm được phép tăng phí từ đầu năm 2016. Tuy vậy, đến nay chỉ số CPI thấp hơn nhiều so với dự kiến, đồng thời giá xăng dầu, chi phí vận tải cũng giảm nên lúc này tăng phí sẽ tạo sức ép cho người dân. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị chưa tăng phí theo lộ trình.

Về ý kiến của Bộ Tài chính nói để lùi ngày tăng phí thì phải sửa 23 thông tư, tôi cho rằng không chỉ 20 thông tư mà đến hàng trăm thông tư, nếu cần thì vẫn phải điều chỉnh. Việc thay đổi này là để phù hợp với thực tiễn, trong đó có cân đối giữa yếu tố hoàn vốn của nhà đầu tư, sức chịu đựng của người dân và sức tăng trưởng của nền kinh tế.

Ông NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG, Thứ trưởng Bộ GTVT

Bộ GTVT muốn các trạm thu phí trên cả nước thống nhất một mức phí. Nhưng do sức ép đầu tư và việc không đảm bảo cự ly tối thiểu để chia ra nhiều trạm nên dẫn đến việc một trạm thu phí hoàn vốn cho nhiều dự án. Từ đó, người dân qua trạm cảm thấy bị thu cao. Vì vậy, Bộ GTVT đã đề nghị nhà đầu tư giảm vé tháng cho người dân ở khu vực.

Thứ trưởng Bộ GTVT  NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm