Văn bản phòng chống tham nhũng chưa phù hợp thực tiễn

Ngày 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe hai báo cáo quan trọng là báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Theo đánh giá của Chính phủ “tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi”. 

Đánh giá này cơ bản vẫn như các năm 2013, 2014, 2015. Tuy nhiên, trong bốn năm gần đây, Chính phủ không còn đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ “nghiêm trọng” như năm 2012 trở về trước trong khi đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như phản ánh của người dân và doanh nghiệp thì “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”.

Người dân ngại va chạm và sợ trù dập nên không dám tố cáo

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết năm 2015 số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập là hơn một triệu người, số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng chưa phát hiện ra vi phạm.

Trong khi đó, Ủy ban Tư pháp lại (UBTP) cho rằng qua phản ánh của dư luận và báo chí, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực.

Theo UBTP, một trong những nguyên nhân của tình trạng này do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản chưa đầy đủ, phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn khá hẹp, có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai. Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỉ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực, mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai.

Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân ngại va chạm và sợ bị trù dập nên không dám đứng lên tố cáo khi biết rõ người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Thiếu công khai, minh bạch

Thay mặt UBTP trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho rằng việc công khai, minh bạch hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, triển khai chậm.

“Tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp vẫn diễn ra, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ, tài chính, ngân sách nhà nước và giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị… gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp” - bà Nga nói.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, theo UBTP, Luật Phòng chống tham nhũng chưa quy định chế tài xử lý đối với những trường hợp không công khai, minh bạch hoạt động.

UBTP cũng cho rằng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng có những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, kém hiệu quả nhưng chậm được sửa đổi. Ví dụ, các nghị định của Chính phủ về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý; về minh bạch tài sản, thu nhập. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay…

“UBTP đề nghị Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp tục triển khai việc hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng. Đề nghị Quốc hội coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ trưởng, trưởng ngành” - báo cáo thẩm tra của UBTP nêu rõ. 

Tham nhũng nghiêm trọng nhưng số vụ phát hiện, xử lý giảm dần

Theo UBTP, trong ba năm gần đây số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử giảm dần. Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm. Nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những nơi này vẫn còn nghiêm trọng.

“Vẫn còn một số vụ án tham nhũng xử lý kéo dài, hình phạt trong một số trường hợp có biểu hiện chưa nghiêm; tỉ lệ cho hưởng án treo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với các vụ án tham nhũng tại một số địa phương còn cao” - báo cáo thẩm tra của UBTP nhận định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm