Vấn đề của đội tuyển U-22 Việt Nam: Thao trường đổ mồ hôi

Một trong những yêu cầu khắt khe nhất của HLV Miura là các bài nhồi thể lực rất mạnh mẽ khiến nhiều cầu thủ không theo kịp lắc đầu lè lưỡi. Ví như ở những trận đá đối kháng 8-8, các cầu thủ của đội thứ ba vẫn đều đều duy trì chạy bộ quanh sân cho đến lúc vào thi đấu với đồng đội. Cứ liên tục như thế suốt hai giờ đồng hồ, các cầu thủ trẻ chỉ có vài lần nghỉ ngơi ít phút uống nước rồi lại vận động miệt mài.

Ảnh 1: Toàn đội đồng lòng và phấn khởi trong những buổi tập dù cường độ rất cao. Ảnh: QUANG THẮNG

 Vấn đề của đội tuyển U-22 Việt Nam: Thao trường đổ mồ hôi ảnh 2

Ảnh 2: Các cầu thủ trẻ của ông Miura miệt mài tập luyện. Ảnh: QUANG THẮNG

Không chỉ cầu thủ mà ngay cả bản thân ông và các trợ lý, kể cả trợ lý ngôn ngữ cũng phải duy trì cái nền thể lực cho riêng mình bằng các bài chạy tốc độ theo suốt cả buổi tập.

Nhớ hồi năm ngoái huấn luyện đội tuyển quốc gia, cũng có lúc ông Miura nghe ngóng câu chuyện của học trò về việc nhồi thể lực làm họ “nuốt” không trôi, ông nói thẳng: “Ai không tập nổi thì nghỉ”.

Một số cầu thủ có tên tuổi hồi ấy bị loại với lời giải thích là chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn nhưng ở hậu trường nhiều người hiểu họ không theo kịp những bài nhồi thể lực.

Chính sự nghiêm khắc của HLV Miura đã giúp cho đội tuyển Olympic chơi giải Asiad 17 thật sung sức và không hề thua kém các đối thủ Tây Á to cao mạnh mẽ. Sau này là hình ảnh của đội tuyển quốc gia đá AFF Cup làm cho đồng nghiệp Indonesia, Philippines… chạy đua theo bở hơi tai.

Chưa bao giờ các đội tuyển quốc gia của gần chục đời thầy ngoại trước lại cảm thấy bơ phờ mệt mỏi như bây giờ sau các buổi tập. Nó hoàn toàn khác với cái cách huấn luyện ở CLB mà nhiều khi họ thiếu nỗ lực một chút cũng chẳng sao. Thậm chí cũng có một vài ý kiến phán xét việc ông Miura “ép” cầu thủ tập nặng đã gây ra nhiều ca chấn thương vì quá tải (!?).

Bây giờ ở đội tuyển trẻ hơn U-22, ông thầy người Nhật vẫn áp dụng bài nhồi thể lực quen thuộc đã từng biến các cầu thủ sở hữu một nền sức mạnh dồi dào. Nó cũng xuất phát từ một nhận xét rất thật của ông Miura khi xem V-League đã thốt lên: “Các cầu thủ rất lười di chuyển”.

Các tập luyện và lối chơi của tuyển U-22 dưới triều đại của HLV Miura khác hẳn với ở các CLB mà đại diện là lứa cầu thủ tài năng khoác áo Học viện HA Gia Lai Arsenal JMG thừa nhận gặp khó khăn khi phải mất sức rất nhiều. Ở đấy, ông Miura rèn cho cầu thủ một tâm lý sẵn sàng đá hay, đá đẹp nhưng phải biết đá thắng nữa. Rất nhiều cầu thủ lên tuyển bị choáng ngợp bởi cái cách ông thầy người Nhật ép cường độ và khối lượng vận động lên thật cao mà không có một ngoại lệ nào.

Thế nhưng giới chuyên môn thì tin rằng việc ông Miura “gò” các học trò vào khuôn mẫu chính là một cách để đội tuyển vượt qua giới hạn thể lực của mình và đấy là cái giá phải trả cho thao trường đổ mồ hôi thì chiến trường bớt đổ máu.

 

Thêm bốn ca chấn thương mới

Hôm qua (27-2), đội tuyển vẫn duy trì các bài tập nặng và tốc độ nhằm đốt cháy thời gian dài nghỉ tết Nguyên đán lẫn chạy đua cho sân chơi vòng loại U-22 châu Á còn một tháng nữa. Đáng tiếc là trong buổi tập sáng, có đến ba tiền vệ Thanh Tùng, Hồng Duy, Ngọc Thắng và thủ môn Hoài Anh dính chấn thương phải nghỉ tập sớm. Nghiệt ngã cho ông Miura sau khi Xuân Trường bị đau phải nghỉ dài hạn thì lại thêm hai tiền vệ chạy cánh của HA Gia Lai và một trụ của SHB Đà Nẵng phải ngồi ngoài, cùng một ca chấn thương trước đó của tiền vệ Duy Mạnh. HLV Miura vẫn chờ kết luận cuối cùng của các bác sĩ đội tuyển mới đưa ra quyết định có hay không bổ sung cầu thủ.

TT

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm