Về vụ “kê khống đất để hưởng bồi thường ở Củ Chi”: Có dấu hiệu làm giả hồ sơ

Liên tục trong những số báo vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh những dấu hiệu sai phạm liên quan đến việc kê khống diện tích nằm trong dự án trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc TP.HCM ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi.

Trao đổi với PV,ông Phan Bá, Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,nói:

“Sai phạm cụ thể thế thì phải chờ kết luận của thanh tra TP. Nhưng với các thông tin tài liệu và lời trình bày của những người dân cho thấy trong vụ này có dấu hiệu của việc làm giả tài liệu, sai quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và nâng khống diện tích đất trong hồ sơ làm sổ đỏ của một số hộ dân liên quan”.

Về vụ “kê khống đất để hưởng bồi thường ở Củ Chi”: Có dấu hiệu làm giả hồ sơ ảnh 1

Dự án trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc TP.HCM đang triển khai. Ảnh: NĐ - LM

Về vụ “kê khống đất để hưởng bồi thường ở Củ Chi”: Có dấu hiệu làm giả hồ sơ ảnh 2

Ông Trần Văn Đỗ đã gửi đơn tố cáo vượt cấp vì huyện chậm trả lời và kết luận chưa rõ. Ảnh: NĐ - LM

Giải quyết tố cáo chưa tích cực

. Ông nhìn nhận thế nào về nội dung Thanh tra huyện Củ Chi đã báo cáo, cũng như kết luận của chủ tịch UBND huyện so với dấu hiệu sai phạm cần phải làm rõ trong sự vụ này?

+ Việc làm rõ các dấu hiệu sai phạm trong sự vụ trên là chưa tới nơi tới chốn. Ngay cả trong cách tiếp nhận và giải quyết đơn tố cáo của các cơ quan chức năng huyện Củ Chi cũng có vấn đề, chưa tích cực. Chưa biết ông Trần Văn Đỗ tố cáo đúng hay sai nhưng về nguyên tắc, anh cần giải quyết theo đúng trình tự và thời gian luật định để tạo niềm tin cho người dân và người tố cáo. Còn nếu người tố cáo không đúng thì anh cũng phải thông tin, mời người tố cáo lên thông báo, nhắc nhở chứ. Thậm chí khi Văn phòng Tiếp công dân TP nhận đơn và chuyển cho huyện xác minh cũng chậm nhận được phản hồi từ huyện. Cách giải quyết như thế làm cho người dân bị ức chế và thiếu niềm tin nên dẫn đến gửi đơn tố cáo vượt cấp.

. Thanh tra huyện Củ Chi cho rằng vì họ bận quá nhiều việc cho nên đã chậm trễ trong việc gửi dự thảo văn bản kết luận để chủ tịch UBND huyện ký duyệt?

+ Cơ quan nhà nước nói vậy sao được. Anh bận chuyện này thì phải có người khác thay thế để giải quyết chứ. Nói thế là chống chế cho sự chậm trễ của mình thôi.

Cần làm rõ và xử lý triệt để

. Ngay cả ông Đỗ Văn Tèo, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, cũng cho rằng vì chưa có ai yêu cầu báo cáo nên không chỉ đạo cho cán bộ liên quan báo cáo. Theo ông, như thế có đúng với chức trách của người đứng đầu chính quyền địa phương?

+ Đúng là những sai phạm liên quan đến sự vụ này là trước thời kỳ anh Tèo về công tác ở xã. Nhưng nói như thế không có nghĩa là khi sai phạm xảy ra ở địa phương anh, liên quan đến cán bộ do anh quản lý anh lại có thái độ thờ ơ như vậy. Với vai trò là người đứng đầu, hành xử như thế là không ổn. Hôm ban chỉ đạo về làm việc cũng có anh Tèo ngồi đó. Tôi nghĩ ít nhất khi nhận thấy tình hình như thế phải yêu cầu anh cán bộ địa chính làm giải trình về vụ việc chứ.

. Cách ứng xử, giải quyết vấn đề không triệt để dễ gây cho người dân sự nghi ngờ về sự bao che của địa phương. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

+ Tôi nghĩ trong việc này, chúng ta cần tin rằng sẽ không có sự bao che nào. Nếu cấp xã sai thì còn cấp huyện, cấp huyện giải quyết chưa triệt để thì còn cấp TP và các cơ quan chức năng. Bản thân cơ quan chính quyền còn có sự giám sát của các cấp ủy Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội khác. Cho nên hệ thống ở đây không thể độc lập để tự bao che cho mình. Vấn đề là các cơ quan chức năng và các tổ chức khác có quyết liệt vào cuộc hay không. Nếu sai phạm rõ ràng thì không ai có thể bao che được. Cái còn lại là anh có thể tìm được hết các chứng cứ, thu thập đủ tài liệu chứng minh sai phạm hay không. Tức phải chỉ ra được sai chỗ nào, ai sai. Không ai có thể bao che sai phạm khi chứng cứ đã cụ thể.

. Xin cảm ơn ông.

Một văn bản soạn thảo mất hơn tám tháng trời

Giữa năm 2010, ông Trần Văn Đỗ gửi đơn tố cáo những dấu hiệu sai phạm trên đến Văn phòng Tiếp công dân TP. Tháng 7-2010, sau khi nhận được công văn của Văn phòng Tiếp công dân, thanh tra huyện vào cuộc xác minh. Đến ngày 29-10-2010 Thanh tra huyện Củ Chi có báo cáo kiến nghị cụ thể. Ngày 1-11-2010, chủ tịch UBND huyện Củ Chi đã đồng ý đề xuất của Thanh tra huyện Củ Chi và giao cho cơ quan này tham mưu soạn thảo văn bản kết luận sự việc. Nhưng phải đến hơn tám tháng sau (ngày 26-7-2011), chủ tịch UBND huyện Củ Chi mới ra Kết luận số 08 về những vấn đề liên quan đến đơn tố cáo trên.

Lý giải vì sao có sự chậm trễ này, báo cáo Thanh tra huyện Củ chi cho biết sự vụ này giao cho thanh tra viên Lê Trí Dũng. Vì ông này còn bận giải quyết nhiều việc khác, điểm nóng nên chỉ có một văn bản tham mưu cho chủ tịch huyện ký duyệt mà phải mất đến hơn tám tháng trời.

Phải bảo vệ người tố cáo

Trách nhiệm của đoàn thanh tra không chỉ làm để tìm sai phạm mà còn phải xác minh nội dung tố cáo đúng hay sai. Nếu đúng thì phải làm rõ hành vi sai phạm của người liên quan, nếu sai thì sai ở mức độ nào. Ngoài ra, đoàn thanh tra phải có trách nhiệm thường xuyên liên hệ để bảo vệ người tố cáo.

Trong đặc điểm tình hình hiện nay người tố cáo tham nhũng, sai phạm đa số là bị cô đơn, lẻ loi. Nếu có một người tố cáo đúng thì phải hết sức hoan nghênh, bảo vệ họ và tạo điều kiện để họ cung cấp nhiều hơn chứng cứ để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Đó là yêu cầu của công tác PCTN nói riêng và phòng, chống tội phạm nói chung. Vì không có người tố cáo thì hành vi phạm tội và tham nhũng dễ gì bị phát hiện. Mà không phát hiện thì làm sao xử lý đẩy lùi được.

Ông PHAN BÁ

LÊ MINH - NGUYỄN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm