Vì sao Hiệp định TPP có tên mới?

Liên quan đến vấn đề đổi tên thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay các bên đã thảo luận và thống nhất quan điểm trong việc duy trì một TPP chất lượng rất cao, toàn diện chứ không phải đơn thuần là mở cửa thị trường, cải cách thuế.

Điều này được đặt trong bối cảnh mới khi một quốc gia rút khỏi Hiệp định TPP-12 nhưng tất cả quốc gia đều thể hiện sự quyết tâm và mong muốn tiếp tục con đường này.

Hai từ bổ sung là “toàn diện và tiến bộ”

“Chính vì vậy, tính chất và chất lượng (của hiệp định - PV) thể hiện qua hai từ bổ sung là “toàn diện và tiến bộ”. Đây là điều mà tất cả bộ trưởng đều thống nhất, muốn nhấn mạnh và coi đó là mục tiêu chung, bao trùm của Hiệp định TPP. Vì vậy, tên gọi mới CPTPP đã được sử dụng” - Bộ trưởng Tuấn Anh lý giải.

Tên mới của Hiệp định TPP đã được giải thích tại buổi họp báo. Ảnh: LÊ PHI

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho hay việc thay đổi tên gọi hiệp định thành CPTPP đã được thảo luận rất nhiều lần giữa các thành viên tham gia. Các vấn đề đặt ra cho CPTPP gồm nhiều nội dung như thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ… đã có sự thay đổi rộng lớn về mặt bản chất nên chúng ta cần có một hiệp định tiến bộ hơn với các hiệp định đang có trên thế giới.

“Vì vậy, chúng tôi đã thống nhất thay đổi thành Hiệp định CPTPP” - Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản nói.

Đang đến rất gần với Hiệp định CPTPP

Về những khó khăn của Việt Nam khi tham gia đàm phán, Bộ trưởng Tuấn Anh cho hay quá trình đàm phán của các nước trong TPP-11 nhằm một mục tiêu duy trì Hiệp định TPP-12 ở tiêu chuẩn cao nhất. Theo đó, đã đặt ra cho các nước phải tìm ra những điểm cân bằng mới.

“Đây cũng không phải là khó khăn riêng của Việt Nam mà đối với tất cả quốc gia khác về yêu cầu, lợi ích… để duy trì hiệp định ở chất lượng cao. Quá trình đàm phán của các quốc gia đều phản ánh quá trình tham vấn, xây dựng các chính sách của mỗi quốc gia để đảm bảo tính hiệu quả, mục tiêu khi tham gia vào hiệp định này” - ông Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi trả lời báo chí tại buổi họp báo trưa 11-11. Ảnh: REUTERS

Vì vậy, cũng giống các quốc gia khác, Việt Nam đã nghiên cứu đánh giá từ những kiến thức về yêu cầu của cải cách, mở cửa, hội nhập cũng như những nhu cầu khác.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ: Chúng tôi rất vui mừng khi đồng chủ trì và đã đạt được những thỏa thuận chung của bộ trưởng TPP về mặt cơ bản nhất và những yếu tố của Hiệp định CPTPP.

Với sự chỉ đạo chung của các bộ trưởng TPP và chính phủ các nước thì bốn vòng đàm phán đã giúp các bên đi đến được những thỏa thuận rất quan trọng, cốt lõi của Hiệp định TPP-11 cũng như duy trì được TPP-12. Đồng thời cũng đáp ứng được những quốc gia có những điểm cân bằng mới.

“Vấn đề tiếp theo là còn một số yêu cầu cần phải được tiếp tục cụ thể hóa trước khi ký kết chính thức về những điểm liên quan đến các nội dung xem xét việc tạm hoãn và cơ chế tạm hoãn” - Bộ trưởng Tuấn Anh nói.

Theo Bộ trưởng Tuấn Anh, cấp trưởng đoàn đàm phán đã giao nhiệm vụ cụ thể và cũng cần thời gian để đảm bảo được sự hài hòa và có sự đồng thuận.

“Chúng tôi cho rằng những chặng đường khó khăn nhất chúng tôi đã đi qua và có thể nói đang đến rất gần với Hiệp định CPTPP” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm