Vì sao nhiều bộ vẫn 'nói ngược' về Luật Quy hoạch?

Dù Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 2, UBTVQH hai lần cho ý kiến nhưng tại phiên làm việc sáng nay 10-1 của UBTVQH, dự án Luật Quy hoạch vẫn nhận được nhiều ý kiến “nói ngược” của đại diện các bộ, ngành.

Đến nỗi, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, người đứng đầu cơ quan trình dự luật phải thốt lên: Các bộ nói ngược như thế là “trái nguyên tắc làm việc”, là làm luật theo kiểu “đẽo cày giữa đường”. Việc nói ngược như vậy là do “một cơ quan nào đó, một nhóm người nào đó” có quyền lợi bị đụng chạm khi Luật Quy hoạch ra đời, mặt khác họ trì trệ, chậm thay đổi.

Góp ý cụ thể, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng luật quy hoạch ra đời sẽ làm ảnh hưởng đến 2.000 quy hoạch xây dựng lớn, quy hoạch của TP, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng, tỉnh... chưa kể quy hoạch vùng, 10.000 xã nông thôn đã có quy hoạch.

“Bây giờ luật điều tiết đến năm 2021, vậy những quy hoạch đã được duyệt, đang triển khai tốt không lẽ xóa bỏ” - ông Toàn nói.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa thì bức xúc khi dự thảo thay đổi tên gọi một số quy hoạch, gây khó khăn cho việc triển khai sau này.

“Đưa ra tên mới, bản thân chúng tôi cũng không nắm được, khó khăn trong quá trình thực thi sau này, giao cho làm cũng chưa biết làm thế nào” - bà Hoa nói.

Vì sao nhiều bộ vẫn 'nói ngược' về Luật Quy hoạch? ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Trước các ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Chính phủ ký trình rồi nhưng ra UBTVQH, ngành này, ngành nọ vẫn bức xúc. Luật này liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đây không phải là lần đầu tiên, mà là lần thứ hai đưa dự án luật ra UBTVQH nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau”.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét lại hồ sơ dự luật vì có chuyện “Chính phủ và từng thành viên Chính phủ chưa thống nhất” trong việc làm dự luật này.

Giải trình về việc này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc dự luật đã trình ra Quốc hội, TVQH mà nhiều ý kiến của các bộ, ngành lại nói ngược là sai nguyên tắc.

“Chúng tôi đã họp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã phê bình các bộ rồi. Khi Chính phủ đã trình ra Quốc hội, UBTVQH thì không được nói ngược. Còn muốn nói ngược thì phải nói với Chính phủ để Chính phủ trình lại Quốc hội. Nếu không, cứ “đẽo cày giữa đường”, bàn chán rồi ra lại vẫn nói ngược, lại bàn, lại nói” - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, các ý kiến nói ngược này của các bộ “chỉ là các ý kiến tham khảo chứ không phải ý kiến chính thức”.

“Tôi đi họp hôm nay với tinh thần rất sảng khoái được tiếp thu ý kiến hoàn thiện, chỉnh sửa chứ không nghĩ lại đi để nghe những ý kiến nói ngược kiểu như cách đây mấy tháng mình đã nghe" - vị bộ trưởng này chia sẻ.

Vì sao nhiều bộ vẫn 'nói ngược' về Luật Quy hoạch? ảnh 2
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Theo đó, ông chỉ thẳng việc nói ngược trên là do có “một cơ quan nào đó, một nhóm người nào đó” có quyền lợi bị đụng chạm khi Luật Quy hoạch ra đời, mặt khác họ trì trệ, chậm thay đổi.

“Khi đã có sự thay đổi thì chắc chắn có sự đụng chạm. Đụng chạm là bởi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một cơ quan nào đó, một nhóm người nào đó. Nó xảy ra hai ý. Một là những cơ quan đó, những con người đó có thể chưa hiểu hết nên chưa đồng tình tích cực, mà trì trệ. Hai là có đôi chút ảnh hưởng đến công việc nên không muốn thay đổi” - Bộ trưởng Dũng nói.

Ông dẫn chứng, ở các nước, làm luật là cơ quan riêng biệt, độc lập, không bị chi phối bởi ai cả thì sẽ giải quyết được vấn đề này. Nhưng ở ta thì khác. Chúng ta là các cơ quan làm luật, nên khi đụng chạm đến các cơ quan là các cơ quan chỉ chủ yếu xem ảnh hưởng gì đến cơ quan mình hay không, có gì ảnh hưởng giảm quyền hạn của mình hay không chứ không theo hướng là vấn đề này cần phải thay đổi để xã hội tốt hơn, để hoạt động tốt hơn.

“Các đồng chí lại quay lại các quy hoạch, muốn giữ lại các quy hoạch. Tôi đã nói rất nhiều lần, quy hoạch cần giảm tính xin-cho. Ví dụ, đồng chí thứ trưởng Bộ NN&PTNT vừa đề nghị giữ lại cả quy hoạch điểm kiểm dịch động thực vật, ai lại đi quy hoạch cả điểm kiểm soát, tức là xây các trạm. Khi nào có dịch thì chúng ta thiết lập, sau dịch thì giải tán đi, sao phải quy hoạch cứng cửa ngõ A, đường B phải có trạm lù lù ở đấy, nếu cả đời chẳng làm sao thì chúng ta tại sao lại cứ phải làm việc đó? Cần điều chỉnh, cái nào thực sự cần thì giữ, không thì bỏ. Nó gần như một cuộc cách mạng” - ông Dũng nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy