Vị trí nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát

Vị trí đổ bùn cách vành đai bảo vệ Hòn Cau hơn 1 hải lý

Liên quan đến việc cho phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát thải xuống biển Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận), ngày 30-6, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.

Hội đồng thẩm định tán đồng đánh giá bằng mô hình

. Phóng viên: Thưa ông, vị trí 30 ha được phép nhận chìm bùn, cát sau nạo vét vẫn là vị trí cũ hay có thay đổi và khoảng cách đối với vùng đệm Khu bảo tồn biển Hòn Cau là bao nhiêu?

+ Ông Phan Ngọc Cẩm Thành: Địa điểm, vị trí khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Khu vực biển sử dụng để nhận chìm có diện tích là 30 ha, có độ sâu lớn nhất là 36,1 m.

Khoảng cách tương đối từ vị trí nhận chìm đến vùng bảo vệ của Hòn Cau là 8.000 m, vùng bảo vệ của bãi cạn Breda là 4.600 m và đến vành đai bảo vệ của khu bảo tồn biển là khoảng 2.000 m.

. Theo Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 “Trong quá trình lập hồ sơ, kết quả đánh giá thông qua mô hình của tư vấn Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho thấy việc nhận chìm tại vị trí được cấp phép không đe dọa ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Khu bảo tồn biển Hòn Cau”. Thưa ông, Viện Khoa học thủy lợi làm sao có thể đánh giá toàn diện môi trường biển được?

+ Do không có điều kiện kiểm nghiệm thực tế, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã sử dụng phần mềm MIKE 21 để tính toán lan truyền vật liệu nạo vét và nhận chìm, cũng như để đánh giá tác động đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Việc sử dụng phần mềm này được các thành viên chuyên môn của hội đồng thẩm định thành lập bởi Bộ TN&MT đánh giá là phù hợp.

Số liệu phục vụ mô hình được Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam sử dụng là các số liệu về địa hình, số liệu khí tượng thủy văn như về gió, sóng, thủy triều, dòng chảy..., số liệu biên lỏng để kiểm chứng, số liệu về trầm tích và thông số về thi công nạo vét và nhận chìm.

Vị trí nhấn chìm cách vành đai bảo vệ Khu bảo tồn biển Hòn Cau chỉ 2.000 m (tức hơn 1 hải lý).  Ảnh: PHƯƠNG NAM

Sẵn sàng dừng thi công nếu nước biển vượt chuẩn

. Các khả năng rủi ro thường được tính toán trên các thực nghiệm. Vậy phần mềm trên đã tính toán rủi ro thế nào? Liệu có đảm bảo sự tương thích với thực tế trên biển?

+ Kết quả đánh giá được Viện Khoa học thủy lợi nêu: “Theo kết quả tính toán cho thấy duy nhất chỉ có phương án thi công nạo vét và nhận chìm trong trường hợp lặng gió thì dòng bùn, cát với lượng vượt giới hạn cấp phép mới ảnh hưởng tới rạn san hô tại khu vực bãi cạn Breda. Mặc dù sẽ không sử dụng phương án này trong quá trình thi công nhưng để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hệ sinh thái Khu bảo tồn Hòn Cau và rạn san hô tại đây, các biện pháp nhằm hạn chế và khoanh vùng, kiểm soát sự phân tán dòng bùn, cát trong quá trình nạo vét và nhận chìm sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc”.

Bên cạnh đó, trên cơ sở phân tích đặc điểm, điều kiện tự nhiên, hải văn và kết quả tính toán dự báo theo mô hình trên cho thấy sự phát tán dòng bùn, cát khu vực dự án chịu sự chi phối bởi hướng gió nên sẽ lựa chọn thời gian thi công nạo vét và nhận chìm từ tháng 5 đến tháng 10-2017 là thời điểm có hướng gió Tây Nam. Đây được xem là giải pháp chính và hiệu quả nhất xét trên tất cả góc độ từ hiệu quả kinh tế, phạm vi tác động, giải pháp kỹ thuật, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Đồng thời cũng là phương án có lợi nhất về mặt môi trường.

. Nhiều chuyên gia hải dương học lo ngại việc nhận chìm khối lượng chất thải trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái Khu bảo tồn Hòn Cau. Liệu có đảm bảo các rạn san hô, cỏ biển không bị ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển khối lượng bùn, cát lớn như vậy?

+ Trong quá trình thi công nạo vét và nhận chìm, chúng tôi cam kết thực hiện nghiêm túc các nội dung đã nêu trong giấy phép và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Công ty cũng luôn phối hợp chặt chẽ thực hiện chương trình quan trắc, giám sát độc lập được chủ trì bởi Viện Hải dương học Việt Nam, sẵn sàng dừng thi công nếu phát hiện một trong các thông số quan trắc, giám sát môi trường vượt giá trị giới hạn theo QCVN 10, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển.

Bên cạnh đó, với vai trò chủ đầu tư, công ty cũng luôn giám sát việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển, giám sát hành trình, khối lượng vật, chất nhận chìm trong suốt thời gian thi công. Việc thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về bảo vệ môi trường luôn là ưu tiên số một của công ty nhằm bảo vệ môi trường xung quanh, đặc biệt là hệ sinh thái biển tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

. Xin cám ơn ông.

. Phóng viên: Nhiều người cho rằng giải pháp dùng màn ngăn bùn để hạn chế tác động của việc đổ khối lượng bùn, cát khổng lồ trên là chưa ổn dưới sự tác động của hải lưu. Xin ông cho biết cụ thể giải pháp này như thế nào?

+ Ông Phan Ngọc Cẩm Thành: Hệ thống hàng rào ngăn bùn (sau đây gọi là lưới chắn bùn) là một cấu trúc màn linh hoạt được lắp đặt để ngăn ngừa sự nhiễm bẩn và khuếch tán xảy ra trong quá trình nạo vét và nhận chìm vật liệu trên biển để giảm ô nhiễm ở các khu vực xung quanh.

Trong quá trình thi công nạo vét dự án này, màn chống tràn bùn được sử dụng cố định tại hai khu vực là khu vực nạo vét, xung quanh vị trí nhận chìm và bổ sung thêm tại khu vực lấy nước phục vụ nuôi tôm giống (trong trường hợp cần thiết).

Chức năng chính của lưới chắn bùn là cô lập các chất ô nhiễm và tối thiểu hóa ảnh hưởng ra môi trường bên ngoài của các chất ô nhiễm. Khi bị cô lập bởi màn chắn bùn, tốc độ bên trong sẽ thấp hơn tốc độ dòng bên ngoài. Điều đó có nghĩa là màn chắn bùn sẽ tăng nhanh tốc độ lắng đọng của bùn, cát bởi tác dụng làm chậm dòng chảy bên trong. Làm giảm vùng bùn, cát lắng đọng, kết quả làm giảm thiểu sự lây lan chất ô nhiễm bên ngoài lưới chắn bùn, làm giảm tác động tới các hệ sinh thái biển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm