Viện trưởng VKSND TC giải thích các dấu ‘mật’ trong báo cáo

“Tại sao VKS lại cho rằng tất cả vi phạm trong hoạt động tư pháp lại đưa vào danh mục đóng dấu mật?... Khi chúng ta đưa người ta ra điều tra, truy tố, xét xử thì công khai hết, làm tan nát cuộc đời của cả một con người và một doanh nghiệp có thể phá sản nhưng khi các cán bộ làm oan thì bao nhiêu trường hợp bị oan và ai làm oan thì chúng ta lại bảo là mật”-  bà dẫn chứng và cho rằng điều này là không hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay danh mục tài liệu mật và tối mật của các cơ quan tư pháp có một số danh mục ban hành từ năm 2004. Năm 2018, Ủy ban đã kiến nghị nhưng năm nay vẫn tái diễn tình trạng này. “Hiện có Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đề nghị các đồng chí phải sửa lại danh mục, nếu không sẽ không bảo đảm tính công minh trong hoạt động tư pháp” - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị.

Giải trình sau đó, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho hay cơ quan này đã có văn bản báo cáo gửi Ủy ban Tư pháp. Cụ thể, VKSND Tối cao đã dự thảo danh mục bí mật nhà nước độ mật, tuyệt mật, tối mật của ngành kiểm sát. Danh mục này đang được xin ý kiến các cơ quan, đơn vị chức năng, sau đó sẽ đề nghị Bộ Công an thẩm định và trình Thủ tướng ký quyết định ban hành.

“Tới thời điểm này vẫn phải theo danh mục mật đang có hiệu lực thi hành. Danh mục mới chưa duyệt mà chưa duyệt thì không áp dụng được” - ông Trí nói.

Cũng theo viện trưởng VKSND Tối cao, án điều tra xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong hoạt động tư pháp khi đang điều tra là bí mật công tác. “Chưa xét xử thì vẫn là mật, còn mật mức độ nào thì tùy trường hợp. Chưa đưa ra xét xử thì họ chưa có tội, mà đây cũng là đồng chí, đồng đội của mình. Tất nhiên cũng có cái phải đưa, cái này thực sự khó phân định chứ không phải dễ” - ông Trí nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm