Viết tiếp bài 'Để bảo vệ tên gọi 'Biển Đông' cho Việt Nam'

Từ xa xưa, địa danh "biển Đông" đã hiện hữu trong tiềm thức và tâm khảm của mỗi người dân Việt, thể hiện và nhắc nhớ qua nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong dân gian. Điều này cắt nghĩa được một chân lý tất yếu rằng, người Việt xưa đã có ý khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của mình trên các hòn đảo chìm, đảo nổi ngoài biển Đông.

Chúng ta chắc hẳn đã nghe quen thuộc những câu tục ngữ có nhắc đến từ “biển Đông” như: “Thuận vợ thuận chồng tát cạn biển Đông" hoặc “Dã tràng xe cát biển Đông/Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì"

Và kho tàng tục ngữ, thành ngữ Việt Nam còn có rất nhiều câu như thế. Riêng Trung Quốc chỉ có duy nhất có một câu ngạn ngữ hay nghe trên phim ảnh là: "Phước như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn". Tuy nhiên, học giả, nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng, hiện đang sống ở Bến Gỗ (TP Biên Hòa, Đồng Nai), cho rằng danh từ "Đông Hải" không phải là biển Đông mà lại là biển Hoa Đông, chỉ một vùng biển phía đông của nước Trung Hoa mà thôi.

Ngàn năm trước, các bậc tiền nhân của dân tộc ta đã ít nhất một lần nhắc đến “biển Đông”. Bà Triệu từng khẳng khái tuyên bố câu nói bất hủ: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người"

Viết trong “Đại Cáo Bình Ngô”, bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước Đại Việt, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cũng có nhắc đến danh từ “biển Đông” khi miêu tả  tội ác của quân xâm lược phương Bắc: “Trúc Nam sơn không ghi hết tội/Nước biển Đông không rửa sạch hôi tanh.”

Trong kho tàng ca dao Việt Nam, danh từ “ biển Đông” còn được sử dụng như là hình ảnh ẩn dụ để nói về công ơn của các bậc sinh thành, có một câu ca dao bất cứ ai cũng phải thuộc làu: “Công cha như núi ngất trời /Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông /Núi cao biển rộng mênh mông /Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”. 

Tương tự cũng có câu: "Biển Đông còn lúc đầy vơi/Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng”. 

Đặc biệt, ca dao nói về tình yêu lứa đôi cũng hay nhắc tới địa danh “biển Đông” để miêu tả. Ví dụ như câu: “Biển Đông sóng gợn cát đùa/Sánh đôi không đặng lên chùa anh tu”; "Ai đi đâu đấy hỡi ai ?/Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm/Tìm em như thể tìm chim/Chim bay biển Bắc, đi tìm biển Đông”. Hoặc dí dỏm hơn là câu: "Biển Đông gợn sóng tứ mùa/Ai cho bậu uống thuốc bùa bậu mê"...

Vậy đó, trong bối cảnh hiện tại, ngoài biển Đông đang dâng tràn những cơn sóng bất an. Trung Quốc ngang ngược luôn tìm mọi cách bác bỏ sự thật và bằng chứng lịch sử hòng độc chiếm vùng biển, các quần đảo của Việt Nam.
Và khi chúng ta lục tìm về trong kho báu dân gian, đọc và chiêm nghiệm từng câu ca dao, tục ngữ mới nhận ra cha ông ta xa xưa rất thâm thúy khi sớm bền lòng chắc dạ khẳng định vùng biển, quần đảo là nguồn cuội muôn đời là của đất Việt. Bởi vậy mỗi thế hệ hôm nay và mai sau phải tiếp tục gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng vùng biển, vùng trời và hải đảo của tổ quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm