Vòi vĩnh, lót tay làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư

Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, hành vi vòi vĩnh, đòi lót tay làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư trong nước.

"Hiện nay không chỉ doanh nghiệp mà người dân, cán bộ, công chức khi đi làm các thủ tục hành chính thì đều biết việc nhũng nhiễu, lót tay tương đối phổ biến. Cái này Tổng Bí thư đã có lần phát biểu về những hành vi tham nhũng lan truyền, kể cả tham nhũng gọi là “vặt”, không phải là nhiều triệu đô. 5.000-10.000 USD không phải là nhỏ đâu, ở những quốc gia phát triển như Đức, Mỹ, việc nhũng nhiễu đòi 5.000-10.000 USD không bao giờ là vặt. Nó rất là nghiêm trọng" - ông Nghĩa nói.

. Theo pháp luật hiện hành thì hành vi vòi vĩnh nêu trên đã đủ khởi tố hình sự chưa, thưa luật sư?

+ ĐBQH - luật sư Trương Trọng Nghĩa: Đánh giá ở góc độ luật pháp thì cần có sự điều tra xác minh. Nó có thể là hành vi ban đầu, có thể là chưa đến mức khởi tố hình sự mà chỉ vi phạm đạo đức cán bộ, công chức thôi. Và nếu đã thực hiện rồi thì lại khác.

Tuy nhiên, theo thông tin tôi nghe được thì trường hợp này ở giai đoạn ban đầu. Có cái vi phạm đạo đức cán bộ, công chức, vi phạm những quy định về pháp luật. Nhưng hậu quả chưa có thì có thể là xử lý ở mức độ nội bộ.

Điều đáng quan tâm đối với chúng ta là mức độ phổ biến của những hành vi như vậy như thế nào, ở những cơ quan nào. Đặc biệt là những cơ quan rất nhạy cảm về hội nhập như Sở KH&ĐT, hải quan, rồi những cơ quan cấp phép như: UBND các cấp, sở Xây dựng, sở GTVT…

Cần phải xem lại những hành vi như vậy ở các cơ quan đó có phổ biến hay không. Nếu như thành thông lệ, phổ biến thì nó làm nản lòng doanh nghiệp, tạo thành một tập quán xấu. Và nếu không khắc phục được, nó sẽ trở thành thói quen giống ông Nguyễn Bá Thanh từng có lần nói: “Cán bộ, công chức đừng có tập trở thành một thói quen giống con thú nó làm xiếc, là cứ phải cho nó ăn cái hột này, hột kia thì nó mới diễn”.

Khi trở thành như vậy thì nó rất nghiêm trọng và nguy hiểm. Nguy hiểm trước hết cho môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta, nguy hiểm cho đạo đức nền công vụ của chúng ta.

. Nhiều ý kiến cho rằng việc lót tay trở thành bình thường, nó đáng ngại thế nào đối với Việt Nam?

+ Tham nhũng có nhiều dạng, cấp độ và theo đó có sự nghiêm trọng và tác hại khác nhau. Ví dụ đấu thầu những dự án mà phải lót tay, chung chi nhiều triệu đô thì ở những dự án lớn có tính nghiêm trọng khác. Còn tham nhũng mà tạm gọi là “vặt” như 5-10 triệu đồng hay 5.000-10.000 USD thì nó lại có nghiêm trọng khác, tác hại khác. Chứ không phải mức độ nhỏ mà không có tác hại.

Chúng ta cứ nghĩ cái nhỏ, ở cấp thấp như vậy nhưng nó rất “đông đảo”. Chính Tổng Bí thư từng nói nó giống một loại “ghẻ”. Nó làm cho cuộc sống của người dân không còn bình thường nữa và nhất là nó ảnh hưởng đến tầng lớp người lao động và người nghèo vì họ đánh vật hằng tháng để có 100 USD thôi thì làm sao họ có điều kiện để lót tay.

. Ông từng nhận được nhiều ý kiến cử tri về việc tham nhũng vặt hay chưa?

+ Cử tri phản ánh nhiều, có thể người ta không phản ánh trường hợp cụ thể do điều kiện tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Nhưng có rất nhiều ý kiến cử tri phản ánh tình trạng tham nhũng, rất nhiều ý kiến cử tri khi trình bày khiếu nại, bức xúc thì họ đều cho rằng đằng sau sự giải quyết của cán bộ, công chức là có yếu tố tham nhũng.

Ví dụ họ cho rằng cũng quy hoạch như nhau mà nhà kia thì được cấp phép xây dựng, còn nhà tôi 5-10 năm nay không được cấp. Rất nhiều trường hợp phản ánh, người ta cho rằng cán bộ, công chức có vấn đề.

. Như vậy, phải chăng câu chuyện này lỗi không ở hệ thống pháp luật mà là do con người?

+ Hệ thống pháp luật của ta không thiếu, nếu như chúng ta có những cán bộ tốt thì hoàn toàn có thể tổ chức cuộc sống đi đúng hành lang pháp lý. Cho nên cuối cùng vẫn là con người và bộ máy công chức.

Nếu như luật pháp có đầy đủ hơn đi nữa mà con người không tốt thì không ổn vì người được giao nhiệm vụ gác cổng mà anh lại lén mở cổng cho người ta vào lấy tài sản. 

Ví dụ các ngân hàng, việc của họ là duyệt các dự án nhưng lại thỏa thuận việc nâng khống tài sản lên hay bỏ qua một số vấn đề của dự án, thủ tục trình lên không trung thực thì đó là vấn đề của con người chứ không phải lỗi ở luật pháp.

Khi có vấn đề dính đến tham ô, tham nhũng, tôi luôn chủ trương phải xem xét cặn kẽ để có sự đối xử khác nhau.

Người có hoàn cảnh khó khăn, họ tham nhũng để giải quyết khó khăn đó khác với ông giàu có rồi, nhà cao cửa rộng mà vẫn tiếp tục tham nhũng.

Tương tự, người đưa hối lộ do bị ép buộc cũng khác, vì người ta phải vay tiền ngân hàng để làm dự án, mà cái giấy phép bị đình trệ, bị gây khó khăn, bị ngăn cản; hay người ta ký hợp đồng với nước ngoài rồi bị nhũng nhiễu, gây khó khăn để ép buộc hối lộ.

Những trường hợp này khác với người đưa hối lộ để biến trắng thành đen,  biến đen thành trắng, ví như anh có sai phạm rồi đưa hối lộ để chạy chọt, xóa hồ sơ đó.

Do đó trong đối sách, tôi cho rằng phải có sự phân biệt chính xác thì chúng ta đấu tranh với tham nhũng mới có kết quả.

ĐHQH Trương Trọng Nghĩa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm