Vốn đầu tư sân bay Long Thành có giảm

Theo Bộ GTVT, giá trị khái toán ban đầu của dự án sân bay Long Thành là 18,7 tỉ USD, phân kỳ đầu tư thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1, đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, hai đường hạ cất cánh song song. Khái toán kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 7,837 tỉ USD (tương đương 164.589 tỉ đồng). Trong đó, giai đoạn 1A chỉ xây dựng nhà ga chính có một nhánh trung tâm, một đường hạ cất cánh đáp ứng lượng khách 17 triệu khách/năm. Giai đoạn 1B, xây dựng hai cánh còn lại của nhà ga chính trung tâm và đường cất hạ cánh thứ hai. Giai đoạn 2, xây thêm một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách công suất 50 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3, xây nhà ga hành khách đạt công suất 100 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 5 triệu tấn hàng hóa/năm và bốn đường hạ cất cánh.

Sau kỳ họp Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến đóng góp phản biện của cử tri, các chuyên gia và cơ quan chuyên môn. Đặc biệt là ý kiến của Ủy ban Kinh tế Quốc hội rà soát và báo cáo giải trình bổ sung về báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành tại phiên họp 35 ngày 26-2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, khái toán của dự án sau khi rà soát lại là 15,8 tỉ USD phân kỳ đầu tư thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng một đường hạ cất cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, khái toán kinh phí đầu tư là 5,2 tỉ USD (tương đương 109.970 tỉ đồng). Giai đoạn 2, tiếp tục xây dựng đường hạ cất cánh số hai độc lập, cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn cuối cùng, hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm và năm tấn hàng hóa/năm theo kế hoạch đề ra.

Khái toán kinh phí đầu tư sau khi rà soát giảm so với lần báo cáo trước Quốc hội do đã điều chỉnh quy mô, phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư giảm 5.000 ha còn 2.750 ha, chỉ đầu tư một đường cất hạ cánh giai đoạn 1… Ngoài ra, Bộ GTVT không đưa vào dự án một số hạng mục đầu tư chưa cấp thiết được triển khai theo phương án xã hội hóa và do các doanh nghiệp đầu tư; giảm tương ứng các chi phí khác như tư vấn, dự phòng, thuế... trong dự án.

VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm