Vụ 4 người chết ngạt: Truy tìm tài xế thấy tai nạn nhưng không cứu người

Cụ thể, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu Ban ATGT Long An chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xác minh thông tin về việc có một số lái xe cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông để xử nghiêm theo quy định.

Trước đó, rạng sáng 22-9, một chiếc ô tô bốn chỗ đi trên quốc lộ 62, khi qua xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa, Long An) bị mất lái rồi lao xuống kênh, làm bốn người trên xe đều chết ngạt. Các nạn nhân đều ở thị xã Kiến Tường (Long An), trong đó có bác sĩ Đặng Chí Đông Giang và vợ là bác sĩ Phạm Thị Ngọc Liên (Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Kiến Tường), cùng em gái và tài xế.

Nhiều người dân tham gia cứu hộ cho hay, khi xảy ra tai nạn họ nghe tiếng kêu cứu chạy đến hiện trường thì thấy chiếc ô tô con đang chúi đầu xuống đáy ao. Tuy vậy, họ không thể mở cửa cứu những người trong xe. Thời điểm này có hai chiếc xe khách loại 12 và 16 chỗ đi ngang. Các tài xế chỉ chạy chậm lại quan sát rồi bỏ đi, dù người dân hét lớn: “cứu người, cứu người” trong lúc chiếc xe dần dần chìm hẳn.

Sau đó 10 phút, chiếc xe thứ 3 dừng lại thì người tài xế dùng ống tuýp sắt trên xe phá cửa và người dân khu vực vây đến lật chiếc xe lên nhưng đã quá muộn…

Thực tế đã xảy ra nhiều tình huống tương tự như trên, điển hình như vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương gần đây, có rất nhiều xe chạy ngang bị người dân chặn lại nhưng không xe nào dừng cứu người bị nạn, trong đó có cả xe cứu thương.

Điều 8, Luật Giao thông Đường bộ nghiêm cấm hành vi khi có điều kiện mà không cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Trách nhiệm cứu người, đầu tiên được xác định thuộc lái xe chứ không phải chủ xe hay người ngồi trên xe.

Tương tự, Điều 102 Bộ luật Hình sự cũng quy định, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Trở lại vụ tai nạn chết bốn người nêu trên, trước tiên phải xác định được nguyên nhân chết người là do ngạt hay dù cứu hay không cứu được cũng chết. Nếu quả thật, các nạn nhân bị chết ngạt do không cứu kịp thời thì có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự các lái xe “chạy chậm, ngó hiện trường rồi rồ ga bỏ chạy” về Điều 102 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp cứu hay không cứu được cũng chết thì loại trừ trách nhiệm hình sự của các lái xe “ngó rồi chạy”. Tuy vậy, theo Điều 11 Nghị định 171/2013 (xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, đường sắt), các tài xế trên có thể bị phạt tiền với mức từ 500.000 đồng đến một triệu đồng.

Song trong bất kỳ tình huống nào, muốn phạt tiền hay phạt tù thì điều tiên quyết là phải truy tìm, xác định được danh tính các lái xe “chạy chậm, ngó qua rồi rồ ga chạy”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm