Vụ án 80 cây súng hơi

Ngày 13-8, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Lê Mạnh Cường (thuyền viên tàu Thái Bình 27, thuộc Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Long Hải ở Hải Phòng) hai năm tù về tội buôn lậu. Dù đồng tình với truy tố của VKS nhưng toà cũng cân nhắc tuyên phạt bị cáo mức án thấp nhất trong khoản đề nghị của VKS từ hai đến ba năm tù.

Thủy thủ viễn dương kiêm buôn lậu

Theo hồ sơ, bị cáo Cường là thủy thủ tàu viễn dương chuyên vận chuyển hàng hóa đi các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tháng 3-2013, tàu neo tại cảng Sampit - Indonesia để nhận hàng. Chiều 26-3-2013, Cường gặp một người Indonesia và mua 80 khẩu súng hơi nhãn hiệu Sharp-Innova và Sharp-Tiger (chưa qua sử dụng) với giá 20 USD/khẩu (tương đương 400.000 đồng/khẩu). Cường được khuyến mãi thêm 114 ống giảm thanh và 121 hộp đạn loại nhỏ, tổng giá trị thanh toán là 1.600 USD. Sau đó, Cường mang lên tàu cất giấu.

Cũng khoảng thơì gian này, các thuyền viên khác gồm Mã Văn Hưng, Trần Trọng Phúc và Lê Văn Thân cũng bàn nhau mua súng về Việt Nam bán kiếm lời. Phúc và Thân góp mỗi người 160 USD đưa cho Hưng đứng ra mua 24 khẩu súng. Thủy thủ Cao Văn Đức không mua bán gì nhưng cũng tặng năm ống giảm thanh, ba ống ngắm dùng cho súng hơi và hai hộp đạn nhỏ. Toàn bộ số súng đạn này được các thủy thủ chia nhỏ, cất giấu trên tàu.

Bị cáo Lê Mạnh Cường sau phiên xử. Ảnh: HOÀNG YẾN

Đầu tháng 4-2013, tàu Thái Bình 27 cập cảng TP.HCM. Tối 4-4-2013, cơ quan chức năng phát hiện các thuyền viên đang chuyển hàng hóa từ tàu Thái Bình 27 xuống một chiếc ghe không số để đưa vào bờ. Cơ quan chức năng tạm giữ bốn thùng hàng gồm 24 khẩu súng hơi không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Khám tàu Thái Bình 27, cơ quan chức năng thu giữ thêm 80 súng hơi, 119 ống giảm thanh, ba ống ngắm và 123 hộp đạn súng hơi.

Tại cơ quan điều tra, các thuyền viên nói trên khai mang số súng hơi về Việt Nam với mục đích bán kiếm lời và tặng người thân. Với 80 khẩu súng hơi và hàng trăm ống giảm thanh, hộp đạn, Lê Mạnh Cường bị khởi tố, truy tố về tội buôn lậu hàng cấm có số lượng lớn theo điểm c khoản 1 Điều 153 BLHS. Các thuyền viên còn lại do số lượng súng hơi mang về ít nên chỉ bị xử phạt hành chính.

Không định giá được

Quá trình điều tra vụ án, Trung tâm Kỹ thuật Đo lường Chất lượng 3 (thuộc Tổng cục Đo lường Chất lượng) xác định toàn bộ số hàng Cường mang về có xuất xứ Indonesia 100%. Tuy nhiên, hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự không thể xác định được giá trị tài sản trong vụ án này. Lý do: Súng hơi là mặt hàng cấm sử dụng, cấm mua bán trên thị trường nên hội đồng định giá không thể thu thập được thông tin về giá theo Thông tư số 55/2006 của Bộ Tài chính.

Nơi đây cũng giải thích thêm, Công ty Giám định và Chuyển giao công nghệ không có trong danh sách các công ty đủ điều kiện hành nghề dịch vụ thẩm định giá năm 2013 do Bộ Tài chính công bố. Vì vậy, Hội đồng Định giá trong tố tụng hình sự TP.HCM không thể căn cứ vào thông tin trong chứng thư thẩm định giá tài sản của công ty này để làm cơ sở cho việc định giá tài sản.

Tháng 1-2014, qua xác minh, cơ quan điều tra biết Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam có nhập hàng súng hơi Slavia 631 báng gỗ để bán cho các đơn vị thể thao với giá 9,8 triệu đồng/khẩu (mới), đạn 300 đồng/viên... Căn cứ theo điểm e khoản 1 Thông tư 55 nói trên, cơ quan điều tra cho rằng có thể vận dụng súng hơi là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đồng thời khi định giá tài sản nếu không có tài sản cùng loại với tài sản bị xâm hại thì vận dụng tài sản tương đương với tài sản bị xâm hại.

Nhưng ba tháng sau, Hội đồng Định giá trong tố tụng hình sự TP.HCM vẫn cho là không thể định giá như vậy. Theo hội đồng này, súng hơi là mặt hàng cấm nên không có cơ sở cung cấp giá cho cơ quan điều tra.

Xác định số lượng cũng không xong

Thường thì việc định lượng để xác định khung hình phạt với bị can, bị cáo dựa trên giá trị tài sản mà hội đồng định giá kết luận hoặc số lượng hàng xác định là nhiều hay ít...

Trong vụ án này, ngoài việc không xác định cụ thể giá trị tài sản phạm tội, việc xác định hàng cấm số lượng thế nào là lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn theo Điều 153 BLHS cũng đang bỏ ngỏ. Có một số thông tư liên tịch của các bộ, ngành quản lý đưa ra cách xác định thế nào là lớn, rất lớn, đặc biệt lớn dựa trên số lượng. Nhưng các quy định này chỉ xác định một số loại hàng cấm thường gặp như thuốc lá, rượu (Thông tư liên ngành số 36/2012) và pháo (Thông tư liên ngành số 06/2008)... Riêng mặt hàng cấm như súng hơi thì hiện không có hướng dẫn.

Trong vụ án này, do không xác định được hàng buôn lậu có số lượng lớn, rất lớn hay đặc biệt lớn (tương ứng với khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều 153 BLHS, theo hướng khung hình phạt tăng dần) nên cơ quan tố tụng chỉ xử lý bị cáo Cường ở khung hình phạt thấp nhất. Điều này phù hợp với nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo.

HOÀNG YẾN

Cần phải có hướng dẫn cụ thể

Theo tôi, trong vụ án trên cơ quan tố tụng đã vận dụng, xử lý đúng luật. Đúng là hiện chưa có hướng dẫn nào để cơ quan tố tụng làm căn cứ xác định khái niệm thế nào là số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn trong tội buôn lậu tại Điều 153 BLHS. Vì thế, các cơ quan tố tụng trung ương cần xem xét hướng dẫn áp sao cho thấu đáo, tránh tình trạng các cơ quan tố tụng vận dụng luật cảm tính, không thống nhất, mỗi nơi nhận định mỗi kiểu.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự
- ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm