Vụ án Lê Công Định và đồng phạm: Xử hành vi, không xử chính kiến

Một số luận điệu lu loa rằng nhà nước Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến, các bị cáo không thể bị kết tội vì họ chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa, không có hành vi dùng bạo lực để lật đổ chính quyền… Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP.HCM (ảnh), khẳng định:

Nói như vậy là không hiểu hoặc cố tình không hiểu bản chất của vụ việc. Không thể nói cựu luật sư Định và đồng phạm bị truy tố, xét xử về tội hoạt động nhằm lật chính quyền chỉ vì những người này bày tỏ chính kiến và thực hiện tự do ngôn luận. Bởi lẽ nhóm của Định đã thực hiện nhiều việc như cáo trạng đã nêu: thành lập tổ chức, tham gia đảng Dân chủ Việt Nam, chuẩn bị cương lĩnh, tuyên ngôn, tập hợp lực lượng… để chống lại chính quyền, nhắm đến mục tiêu lật đổ chính quyền, thay đổi chế độ chính trị. Mà những hành vi này pháp luật Việt Nam đã nghiêm cấm. Như vậy không thể nói đơn thuần đó chỉ là thực hiện tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến được. Anh có thể phản biện, bày tỏ chính kiến của cá nhân nhưng sự phản biện, chính kiến, phát ngôn đó phải mang tính xây dựng, trong khuôn khổ pháp luật. Điều này không chỉ có pháp luật Việt Nam mà tất cả các nước khác đều quy định.

. PV: Cụ thể pháp luật quốc tế quy định về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Vụ án Lê Công Định và đồng phạm: Xử hành vi, không xử chính kiến ảnh 1
Luật sư  Nguyễn Văn Hậu: Về quan điểm bày tỏ ngôn luận, chính kiến thì theo Điều 19 của Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị năm 1960 (ICCPR) mà Việt Nam là thành viên đã quy định rõ quyền tự do hành xử và phát biểu quan điểm đòi hỏi các đương sự phải có bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này có thể bị giới hạn pháp luật vì nhu cầu: tôn trọng quyền tự do, thanh danh người khác; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.

Điều 21 công ước này cũng quy định quyền hội họp có tính cách hòa bình cũng có thể bị giới hạn bởi luật pháp vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý hay những quyền tự do của người khác.

Như vậy, mặc dù quyền tự do ngôn luận và quyền hội họp có tính cách hòa bình…được thế giới thừa nhận nhưng một khi các quyền này ảnh hưởng đến an ninh, trật tự công cộng của quốc gia nào thì quốc gia đó có quyền giới hạn theo pháp luật.

Như thế nào là hành vi đe dọa đến an ninh quốc gia? Như thế nào là ảnh hưởng đến trật tự công cộng? Tuyên bố tại Hội nghị nhân quyền thế giới tại Viên (Áo) năm 1993 cũng đã nêu rõ cần phải tính đến đặc thù giữa các quốc gia và khu vực, cũng như những nền tảng khác nhau về văn hóa, lịch sử và tôn giáo giữa các quốc gia trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Do đó, một hành vi, phát ngôn ở quốc gia này có thể không bị coi là hành vi đe dọa an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội nhưng ở một quốc gia khác thì hoàn toàn có thể bị coi là đe dọa đến an ninh quốc gia, vi phạm trật tự công cộng. Vì thế, mỗi quốc gia đều có những quy định riêng để bảo đảm trật tự xã hội và thể chế chính trị của mình. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Vụ án Lê Công Định và đồng phạm: Xử hành vi, không xử chính kiến ảnh 2

Các bị cáo (từ phải sang) Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20.1 vừa qua. Ảnh: TTXVN

. Có người nói Trần Huỳnh Duy Thức không thừa nhận mình phạm tội bởi lẽ Thức không dùng sức mạnh gì để lật đổ chính quyền. Cáo trạng cũng không thể hiện rõ Thức có dùng sức mạnh gì một cách cụ thể?

+ Hiểu như vậy là chưa đúng. Điều 79 BLHS quy định dấu hiệu của tội này là người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân… Điều này nghĩa là không cần anh phải dùng sức mạnh cụ thể gì, chỉ cần anh hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền là đã cấu thành tội phạm rồi. Theo cáo trạng thì Thức thành lập tổ chức “Nhóm nghiên cứu Chấn”, tham gia tổ chức đảng Dân chủ Việt Nam... Tổ chức đảng này hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính quyền. Như vậy, những hành vi của Thức đã cấu thành tội phạm rồi, không thể nói oan được.

. Nói như luật sư thì những ý kiến cho rằng nhà nước Việt Nam hình sự hóa đàn áp những người bày tỏ chính kiến là không chính xác?

+ Đúng thế. Như tôi đã phân tích ở trên, bất kỳ một quốc gia nào cũng có những quy định riêng để đảm bảo trật tự xã hội và an ninh chính trị. Bất kỳ ai vi phạm cũng sẽ bị xử lý. Có lần tôi đến Mỹ và chứng kiến rất rõ điều này. Người dân ở Mỹ có thể la ó, biểu tình phản đối ngay trước Nhà Trắng nhưng chỉ được biểu tình ở một khoảng cách nhất định. Có ai đó ném vật gì về phía trước hoặc vượt quá khoảng cách cho phép, lập tức cảnh sát bắt ngay. Đó là quy định riêng của nước Mỹ. Việc này cũng được luật pháp quốc tế thừa nhận.

Việt Nam phải trải qua nhiều năm tháng chiến tranh chống ngoại xâm mới có hòa bình, độc lập và tự do. Vì thế, nước ta cũng có những quy định riêng để gìn giữ hòa bình và thể chế chính trị riêng. Ai có hành vi chống phá sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Đó là lẽ đương nhiên và đúng pháp luật.

. Xin cảm ơn ông.

VĂN ĐOÀN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm