Vụ “công ty gia đình Kim Anh”: Nguyên đơn thắng kiện

“Tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là ông Đỗ Ngọc Quí (Tổng Giám đốc Công ty Kim Anh). Cụ thể: Bác tư cách thành viên của mẹ ruột, các anh em ruột của ông Quí; toàn bộ tài sản tại Kim Anh là của riêng ông Quí; ông có quyền đi đăng ký thay đổi giấy phép kinh doanh”.

Ngày 16-5, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên án như trên đối với vụ kiện giành quyền sở hữu công ty giữa các thành viên trong gia đình doanh nhân nổi tiếng Kim Anh.

Chỉ đứng tên giùm

Như báo Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh, năm 2010, ông Quí khởi kiện cho rằng mẹ và bốn anh chị em khác đứng tên giùm trong điều lệ công ty và trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm hợp thức hóa thủ tục để ông thành lập Công ty Kim Anh vào năm 1994. Nay ông yêu cầu tòa án xác lập quyền sở hữu toàn bộ Công ty Kim Anh cho ông, bác tư cách thành viên của mẹ và tất cả anh em khác.

Các bị đơn thì bảo việc góp vốn là có thật, trên cơ sở tài sản của mẹ phân chia cho các con. Chứng cứ là các biên bản thẩm định giá trị tài sản vốn góp vào công ty ngày 12-11-1994; biên bản kiểm chứng vốn đầu tư ban đầu của công ty... Đề nghị tòa không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Vụ “công ty gia đình Kim Anh”: Nguyên đơn thắng kiện ảnh 1

Công ty Kim Anh hiện có hàng chục cơ sở trực thuộc, tổng tài sản lên đến vài trăm tỉ đồng. Ảnh: TV

Tòa nhận định căn cứ để xác định các bị đơn có góp vốn thực sự vào công ty hay không là giấy chứng nhận vốn góp do công ty ban hành. Các bị đơn không có các giấy tờ này. Những chứng cứ mà phía bị đơn đưa ra chỉ thể hiện các bị đơn có tài sản đó, không thể hiện đã được góp vào công ty. Toàn bộ tài sản của công ty được chuyển từ Doanh nghiệp Kim Anh do ông Quí làm chủ. Trong quá trình công ty hoạt động, các bị đơn không thể hiện quyền và nghĩa vụ cổ đông sáng lập như đề nghị phân chia cổ tức, đề nghị xác lập chứng cứ là thành viên sáng lập theo luật định... Từ những vấn đề trên, đủ cơ sở để công nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Bị đơn thất vọng...

Nói về tâm trạng của mình sau khi nghe tuyên án, ông Dương Việt Trung (bị đơn trong vụ án) cho biết: “Tôi hoàn toàn không phục bản án này, sẽ kháng cáo lên phúc thẩm. Tôi không hiểu nổi kết quả tuyên án của tòa. Cả thành phố này, ai mà không biết Công ty Kim Anh là một công ty gia đình, khởi nguồn từ những xịa mua bán tôm tép của mẹ tôi ngoài chợ Sóc Trăng. Còn nói về luật, Công ty Kim Anh hiện đang hoạt động theo điều lệ công ty năm 1994, tức được điều chỉnh bởi luật công ty năm 1990, không đòi hỏi thành viên sáng lập phải có giấy chứng nhận vốn gốp. Nói về tình, chúng tôi cứ nghĩ là anh em máu mủ một nhà, cùng nhau mà làm cho công ty ngày càng phình to nở rộng. Từ đó mà tất cả chúng tôi không đòi hỏi phải tính toán lợi nhuận hằng năm rồi chia ra rạch ròi như quan điểm của tòa. Tòa khiến chúng tôi vô cùng thất vọng”...

Một bị đơn khác cho biết trong phiên tòa, kiểm sát viên cũng đã đề nghị tòa bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, giữ nguyên tư cách thành viên của các bị đơn theo đúng điều lệ công ty và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hiện hành của Công ty Kim Anh. Nhưng không hiểu sao tòa lại tuyên như trên. Quan điểm của hai cơ quan pháp luật trái nhau khiến chúng tôi không biết đâu đúng, đâu sai...

Trước năm 1975, bà Hoàng Thị Kim Anh khởi sự bằng việc mua bán tôm tép ngoài chợ Sóc Trăng. Việc làm ăn khá dần, bà phát triển thành cơ sở thu mua tôm tép. Đến năm 1992, Doanh nghiệp Kim Anh ra đời. Năm 1994, phát triển thành Công ty TNHH Kim Anh với sáu thành viên là mẹ và các con. Vốn điều lệ công ty ban đầu là hơn 2 tỉ đồng. Sau hai lần tăng vốn đến nay là trên 113 tỉ đồng, tỉ lệ vốn góp các thành viên thay đổi không đáng kể qua các lần tăng vốn. Trong suốt quá trình này, tất cả thành viên trong gia đình cùng làm việc với nhau, không có một cơ sở, một thành viên nào nằm ngoài hệ thống công ty...

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm