Vụ 'Nhấn chìm bùn, cát' vào 10 sự kiện môi trường 2017

Năm 2017, Bộ TN&MT bình chọn sự kiện ngành tài nguyên và môi trường với hơn 16.200 lượt tham gia bình chọn. Hội đồng đã bình xét, lựa chọn ra 10 sự kiện nổi bật trên 28 sự kiện được đưa ra tham vấn và vụ “nhấn chìm” bùn cát sau nạo vét ở Vĩnh Tân (Bình Thuận) đã được đưa vào 10 sự kiện môi trường nổi bật 2017.

Việc nhấn chìm bùn cát sau nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển cạnh Khu bảo tồn biển Hòn Cau thay bằng phương pháp lấn biển

Cụ thể, ngày 29-12- 2017, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 3459/QĐ-BTNMT công bố 10 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên và môi trường năm 2017 bao gồm:

1. Hội nghị lần thứ nhất của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Hội nghị đã nhận diện đầy đủ các thách thức và xu thế biến đổi của đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Từ đó xác định, đề xuất các giải pháp tổng thể, định hướng chiến lược để thực hiện chuyển đổi quy mô lớn mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

2. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11- 2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

3. Nhiều hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan được dự báo, cảnh báo kịp thời, giảm thiểu thiệt hại. Năm 2017 được biết đến là một năm kỷ lục về các hiện tượng thiên tai khốc liệt, cực đoan và dị thường tại nhiều nơi trên cả nước với 16 cơn bão, bốn áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 15 đợt nắng nóng diện rộng với những trị số nắng nóng lịch sử 42oC ở miền Bắc và miền Trung; nhiều trận mưa lớn diện rộng, lũ lớn đạt mức lịch sử.

Ngành TN và MT đã chính thức đưa thông tin về trượt lở đất, lũ ống, lũ quét trong bản tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn. Cũng trong năm 2017, nhiều hệ thống cảnh báo thiên tai với công nghệ hiện đại được ngành TN và MT đưa vào sử dụng, vận hành góp phần nâng cao chất lượng và tính chính xác của các bản tin dự báo.

4. Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Năm 2017, Bộ TN&MT đã kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi gần 45% điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Lần đầu tiên triển khai thí điểm liên thông giải quyết 11 thủ tục hành chính của ba lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, biển và hải đảo, giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư giảm thời gian và tiết kiệm đến 2/3 chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

5. Triển khai kinh tế hoá trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước. Lần đầu tiên, Bộ TN&MT đưa ra phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

6. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy thị trường bất động sản. Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP tháo gỡ nhiều vướng mắc về đất đai trong thực hiện các dự án đầu tư; bồi thường giải phóng mặt bằng; xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất tháo gỡ vướng mắc trong xử lý nợ xấu của ngân hàng; thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận; hoàn thiện cơ chế để thực hiện phương thức góp quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư, chỉnh trang đô thị.

Đặc biệt đã bổ sung các quy định “cởi trói” cho nông nghiệp với quy định tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp được tiếp tục sử dụng đất mà không phải chuyển sang thuê đất để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp; cho phép nông dân được linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nếu việc chuyển đổi không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại.

7. Thay đổi phương án nhận chìm vật, chất ở biển Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận. Trong năm 2017, trước sự quan tâm, lo lắng từ dư luận, ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan báo chí và người dân, Bộ TN&MT đã cầu thị, lắng nghe và phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý gần 1 triệu m3 vật chất từ hoạt động nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Phương án nhận chìm ở biển được thay thế bằng phương án san lấp mặt bằng theo quy hoạch của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, bảo đảm hiệu quả kinh tế, tiến độ dự án, quyền lợi nhà đầu tư, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và mỗi người dân đều hiểu rõ quyền, lợi ích của việc ghi tên từng thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình trên giấy chứng nhận; đồng thời để các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị điều kiện triển khai thực hiện tốt hơn Thông tư số 33, Bộ TN và MT chính thức ngừng hiệu lực với Khoản 5 Điều 6 Thông tư này.

8. Thực hiện tốt kế hoạch khắc phục đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.Năm 2017, Bộ TN và MT phối hợp chặt chẽ với các địa phương có các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như Công ty Formosa tại Hà Tĩnh, Nhà máy giấy Lee&Man tại Hậu Giang và một số cơ sở có tiềm ẩn nguy cơ cao về môi trường khác để giám sát chặt chẽ về công tác bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

9. Vườn Quốc gia Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh) trở thành Vườn di sản thứ 38 của ASEAN và thứ sáu của Việt Nam.

10. Nhiều cá nhân được công nhận, vinh danh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Việt Nam và thế giới. Năm 2017 là năm mà tại Việt Nam, nhiều tên tuổi của các nhà khoa học được thế giới vinh danh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học của ASEAN; Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh được nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt về đa dạng sinh học. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm