Vụ nhận chìm: Không thể để ảnh hưởng rồi mới dừng!

Viện đang xử lý gấp rút để hoàn thiện báo cáo cho Chính phủ về việc khảo sát, đánh giá phương án, giải pháp bảo vệ môi trường của dự án nhận chìm chất nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận) do Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, về thời gian báo cáo Chính phủ, ông Minh cho biết hiện vẫn chưa được xác định nhưng “việc báo cáo sẽ được tiến hành rất sớm” - ông Minh nói.

Cùng ngày, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tám, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, về việc nạo vét, nhận chìm bùn, cát sau nạo vét xuống vùng biển gần Khu bảo tồn Hòn Cau. Ông Tám là một trong những người đầu tiên khảo sát, lập hồ sơ đề nghị thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau và rành từng cụm san hô, cỏ biển, bãi tôm giống, bãi rùa đẻ ở đây.

Theo ông Tám, việc lãnh đạo Bộ TN&MT gần đây trả lời báo chí rằng “khi nhận chìm có ảnh hưởng, tác động đến san hô khu vực nào đó thì sẽ dừng lại” là không thể chấp nhận.

“Đợi đến khi san hô đã chết, hệ sinh thái chết, bãi đẻ không còn, nơi lưu ngụ của các loài sinh vật biển ở Ninh Thuận, Bình Thuận biến mất lúc đó mới dừng lại thì làm sao có thể phục hồi được nữa” - ông Tám phản bác.

Theo ông Tám, Chính phủ cần phải tính toán một hướng xử lý khác đối với khối lượng chất nạo vét khổng lồ này. “Tại sao chúng ta không nhận chìm ở vùng nước sâu hơn như một số nhà khoa học đã đề nghị, nơi đó có vận tốc dòng chảy gần bằng không hoặc làm kè lấn biển, chống sạt lở cho nhân dân trong vùng... Như vậy sẽ giữ được nguồn lợi biển lâu dài cho con cháu mai sau, vừa khắc phục được thiên tai cho dân nghèo ven biển…” - ông Tám đề xuất.

Ông Tám cho rằng nhà quản lý phải nhìn thấy các lợi ích lâu dài, sâu xa. “Còn nếu do phải thay đổi vị trí nhận chìm làm tăng chi phí xây dựng nhà máy thì có nhiều cách xử lý khác để hỗ trợ doanh nghiệp” - ông Tám nói và nhấn mạnh: “Nếu không còn hệ sinh thái Hòn Cau thì nguồn lợi biển của cả phía Nam Ninh Thuận và Bắc Bình Thuận có khả năng suy thoái nghiêm trọng”.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7732 gửi Viện HLKH, các bộ, ngành cùng UBND tỉnh Bình Thuận liên quan đến dự án nhận chìm ở biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Viện HLKH chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học chuyên ngành (trường hợp cần thiết có thể mời các chuyên gia, tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia) khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất nạo vét. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý phải rà soát các nội dung liên quan của báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án nhận chìm ở biển đã được Bộ TN&MT phê duyệt, chấp thuận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm