Vụ “Nhậu xong đi tè bị quy tội cướp”: Tòa tuyên án an toàn?

Sáng 15-7, sau nhiều lần hoãn xử và trả hồ sơ điều tra bổ sung, TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã đưa ra xét xử vụ Trần Văn Uống và Khưu Khánh Sỹ bị cáo buộc dùng hung khí nguy hiểm chặn đường cướp xe. Tòa đã tuyên phạt Uống và Sỹ một năm bảy tháng chín ngày tù về tội cướp tài sản.

Do thời hạn tù bằng thời hạn tạm giam nên Uống và Sỹ được trả tự do tại tòa. Tuy vậy, cả hai vẫn bị đưa vào phòng cách ly, không được tiếp xúc ngay với người thân. Trò chuyện ngay sau khi tòa tuyên án, Uống và Sỹ vẫn khẳng định mình không phạm tội, tuy nhiên hiện tại “được tự do đoàn tụ gia đình là mừng hết lớn rồi”.

VKS: Chặn đường cướp xe

Theo cáo trạng, đêm 5-12-2012, Uống và Sỹ nhậu với Đen và Sệt (tất cả cùng quê Sóc Trăng). Sau đó cả nhóm bàn nhau chặn đường cướp xe. Uống, Đen, Sệt mỗi người cầm cây tầm vông dài khoảng 50 cm cùng Sỹ đi bộ ra đường, chia hai bên đứng đợi. Lát sau, anh Phan Thanh Quyền chở bạn gái đến gần, nhìn thấy nên hoảng sợ quay đầu xe. Đen và Sệt xông ra. Đen cầm cây đánh nhưng không trúng. Cả nhóm đuổi theo và ném cây về phía xe nhưng anh Quyền tránh được và chạy đến chốt dân phòng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân báo tin. Công an truy đuổi thì bắt được Sỹ và Uống tại khu vực cách chỗ vừa đứng không xa. Riêng hung khí gây án thì không thu được.

Uống (bên phải) và Sỹ tại phiên tòa hôm 15-7. Ảnh: PL

Cáo trạng xác định Đen và Sệt là đồng phạm, khi nào tìm được sẽ xử lý sau. Uống và Sỹ bị truy tố dùng hung khí nguy hiểm (ba cây tầm vông) cướp xe theo điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS.

Nhiều tình tiết mâu thuẫn

Tại phiên tòa ngày 19-11-2013, Uống và Sỹ được cách ly và khai rất thống nhất, rằng hai bị cáo mới xa quê vào làm thuê cho cơ sở sản xuất thức ăn gia súc khoảng ba tháng. Đêm đó họ tổ chức nhậu trong xưởng, xong thì Uống và hai người kia ra ngoài hóng mát. Đến giờ ra lò (làm việc), Sỹ ra gọi thì đúng lúc này có đám đông người lao đến hô vang: “Bắt nó, bắt nó” nên cả hai buộc phải chạy đi. Sau khi bị bắt, do bị đánh đau quá (Sỹ còn bị treo lên để đánh) nên họ buộc phải ký tên vào bản ghi lời khai có sẵn và viết bản tự khai nhận tội theo ý cán bộ. 

Qua nhiều lần xử rồi hoãn, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa thể buộc tội được do có nhiều mâu thuẫn giữa kết luận điều tra, các bút lục và cáo trạng. Đó là VKS nhận định bị cáo cầm cây tầm vông làm hung khí đi cướp nhưng không có cây gậy nào như thế được thu giữ. Đèn pha của xe máy chỉ chiếu tối đa khoảng 50 m, làm thế nào ở cự ly 80 m, người bị hại thấy các bị cáo cầm cây và khẳng định họ là cướp? Bị hại khai thấy hai người trong khi cáo trạng và kết luận điều tra là bốn người. Quan trọng hơn, người làm chứng lại là người... không chứng kiến vụ việc.

Tại tòa hôm nay, hai bị cáo không bị cách ly và tiếp tục khẳng định mình không có tội. Tuy nhiên, chủ tọa liên tục ngắt lời khi hai bị cáo trình bày lại những vấn đề đã nêu tại phiên tòa trước.

Luật sư: Không có dấu hiệu tội cướp tài sản

Bào chữa cho hai bị cáo, ba luật sư cho rằng vụ án có dấu hiệu chỉ là một vụ cướp tưởng tượng. Cơ quan tố tụng không chứng minh được hai bị cáo có hành vi cướp. Các luật sư lập luận: “Yếu tố quan trọng cấu thành tội cướp là phải thực hiện hành vi khách quan là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm cướp xe. Vụ án này chưa chứng minh được hai bị cáo có thực hiện hành vi khách quan nêu trên. Hơn nữa, xét về mặt tâm lý tội phạm, sau khi cướp không thành thì không ai dại gì vẫn tới lui khu vực đó để bị bắt như trường hợp của Uống và Sỹ cả”.

Đặc biệt, sau khi điều tra lại, người bị hại lại khai rằng lúc hai thanh niên cầm cây xông ra chặn hai bên đường thì khoảng cách giữa anh và họ là 15 m. Anh giảm tốc độ, hai thanh niên đó chạy đến thì khoảng cách còn 5 m. Anh quay đầu xe bỏ chạy đi báo tin thì bị quăng cây theo nhưng không trúng. Các luật sư đặt vấn đề: “Chứng cứ buộc tội chỉ là lời khai nhận tội ban đầu của hai bị cáo và lời trình báo của nạn nhân. Người bị hại khai nhìn thấy hai thanh niên thì quay đầu xe và bị chọi cây. Như vậy, nếu thực sự hai bị cáo có ý định cướp xe thì với khoảng cách chỉ 5 m, còn phải cua gấp để quay đầu thì người bị hại có thể thoát được không?”.

Đáng lưu ý, biên bản bắt người phạm tội quả tang lại được lập sau khi bắt người hơn 15 giờ và cũng không ghi nhận được sự việc quả tang gì ngoài lời trình báo của người bị hại, lời khai nhận tội ban đầu của hai bị cáo và lời khai của hai người đi bắt (biên bản ghi vai trò của hai người này là người làm chứng).

Từ đó các luật sư đề nghị: “Không chứng minh được bị cáo có hành vi cướp thì tuyên hai bị cáo không phạm tội”.

Sau cùng, tòa nhận định hành vi của Uống và Sỹ là cướp chưa đạt do chưa gây hậu quả và không thu được hung khí. Từ đó tòa chuyển xuống truy cứu hai bị cáo theo khoản 1 Điều 133 BLHS.

PHƯƠNG LOAN

Tại phiên tòa ngày 19-11-2013, đại diện VKS huyện Bình Chánh đề nghị phạt Uống và Sỹ mỗi bị cáo 7-8 năm tù. Sau đó vụ án được trả hồ sơ điều tra lại nhiều lần.

Ngày 16-6, VKSND huyện Bình Chánh ra văn bản hoàn trả hồ sơ cho tòa, tiếp tục truy tố Uống và Sỹ tội cướp tài sản theo cáo trạng ngày 15-7-2013.

Trong một diễn biến khác, ngày 6-5, ông Trần Văn Huỳnh (cha của Uống) có đơn yêu cầu thay thẩm phán chủ tọa Trần Hữu Ngôn “để không làm các bị cáo sợ hãi, mất bình tĩnh trong phiên tòa”.

Ngày 16-6, chánh án TAND huyện Bình Chánh quyết định phân công Thẩm phán Nguyễn Văn Quý giải quyết vụ án này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm