Vụ Tân Hoàng Phát: Các bị cáo kêu oan, nại bị ép cung

Ngày 24-1, TAND TP.HCM đã xét xử vụ án liên quan đến cơ sở massage Tân Hoàng Phát (quận Thủ Đức). VKSND TP.HCM truy tố Phan Cao Trí (chủ cơ sở massage) về tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Phan Thị Yến (vợ Trí) cũng bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản. Bốn bị cáo đồng phạm khác lần lượt bị truy tố về tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản.

Làm nhân viên xoa bóp, kích dục

Theo cáo trạng, Công ty TNHH Tân Hoàng Phát thành lập vào tháng 10-2005, kinh doanh dịch vụ xông hơi, xoa bóp. Ban đầu Trí là người đại diện theo pháp luật, sau đó tháng 6-2008, Trí chuyển cho em vợ là Phan Việt Hậu thay mình làm đại diện. Tuy nhiên, trên thực tế Trí vẫn điều hành mọi công việc. Ngoài Tân Hoàng Phát, Trí còn làm chủ của bốn cơ sở massage khác.

Khi tiếp nhận nhân viên, Trí và Hậu buộc nhân viên phải ký một hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đây chỉ là hợp đồng nhằm hợp thức hóa, qua mặt các cơ quan chức năng. Ngoài hợp đồng trên, Trí buộc các nhân viên phải ký vào hai bản thỏa thuận, cam kết trái quy định pháp luật. Cụ thể, buộc nhân viên phải ăn ở tại công ty, không được phép đi ra ngoài. Làm việc hơn sáu tháng mới được phép xin nghỉ một lần (bảy ngày). Nếu làm việc dưới sáu tháng mà xin nghỉ phép, nghỉ việc là vi phạm hợp đồng, phải nộp phạt 24 triệu đồng.

Thực tế, các nhân viên massage không được nghỉ phép và hoàn toàn mất tự do đi lại. Hằng ngày, nhân viên phải làm các công việc như xoa bóp, kích dục cho khách từ 9 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau. Hết giờ làm việc, tất cả nhân viên đều phải ngủ lại nhà Trí. Những món hàng hóa, đồ ăn, thức uống, quần áo… đều được tay chân của vợ chồng ông chủ cung cấp với giá cắt cổ.

Vụ Tân Hoàng Phát: Các bị cáo kêu oan, nại bị ép cung ảnh 1

Phòng xử án không còn một chỗ trống. Đa số họ là người nhà của các bị cáo. Bị cáo Phan Cao Trí, chủ doanh nghiệp Tân Hoàng Phát tại tòa. Ảnh: TTXVN

Nhốt chuồng chó, đánh đập, phạt tiền

Cũng theo cơ quan điều tra, nhà của Trí lúc nào cũng có khoảng 10 bảo vệ canh giữ để đảm bảo các tiếp viên không thể ra ngoài. Nếu cô nào bỏ trốn hoặc bị khách phàn nàn vì phục vụ không tốt thì Trí, Hậu và Phan Quốc Cường (giám đốc Công ty Massage Kim Thu) đánh đập, không cho đi làm mà bắt ở nhà dọn dẹp vệ sinh, nhốt vào chuồng chó... Nhân viên đau ốm khi đi khám bệnh đều có bảo vệ đi theo canh giữ cẩn thận để tránh trường hợp bỏ trốn.

Vợ Trí được chồng giao quản lý tiền bạc, thu các khoản thế chân nếu các tiếp viên xin nghỉ việc hoặc nghỉ phép bằng việc ký một cam kết thỏa thuận với những điều khoản vô lý mà vợ chồng Trí đã soạn sẵn.

Có những nhân viên do không chịu nổi sự bóc lột đã bỏ trốn. Điển hình, cô Thương (ngụ Vĩnh Long) cùng hai người bạn đã trốn thoát khỏi Tân Hoàng Phát khoảng một tháng. Tuy nhiên, khi họ ra bến xe đón xe đi tìm việc đã bị nhóm Trí bắt về. Sau khi đánh họ vì tội bỏ trốn, Trí buộc nạn nhân phải trả 5 triệu đồng tiền nợ và bồi thường 15 triệu đồng tiền đào tạo thì mới cho nghỉ việc. Sợ hãi, cô nhân viên này phải cầu cứu mẹ đi vay mượn tiền chung đủ cho ông chủ để nghỉ việc…

Ngày 6-12-2008, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TP.HCM phối hợp với các cơ quan chức năng khám phá bất ngờ đột kích cơ sở Tân Hoàng Phát. Phát hiện công an, 20 nhân viên bảo vệ đã chống đối nhưng cuối cùng phải thúc thủ.

Theo cơ quan điều tra, 65 nhân viên làm việc tại đây đều có thời gian bị giam giữ ít nhất khoảng hai tháng, có trường hợp lên đến năm năm.

Theo hồ sơ, trong vụ, Trí là chủ mưu, cầm đầu tổ chức kinh doanh trá hình, lừa gạt các cô gái mới lớn, nhẹ dạ ký vào các bản thỏa thuận và cam kết trái pháp luật. Ông chủ này là người ra lệnh cho các bị cáo khác thực hiện việc bắt giữ người trái pháp luật đối với toàn bộ tiếp viên đã được cơ quan công an giải thoát. Đồng thời, Trí cũng chỉ đạo vợ và đàn em cưỡng đoạt khoảng 169 triệu đồng của các nạn nhân.

Khai nại bị ép cung

Tại tòa, bị cáo Yến cho rằng mình bị oan và mong tòa xem xét lại. Yến giải thích mình không hề tham gia vào việc quản lý, điều hành của năm công ty massage này. Chỉ vì có uy tín nên được các giám đốc gửi tiền giữ giùm. Hằng tháng đưa lại để giám đốc phát lương cho nhân viên cũng như chia phần trăm cho cổ đông. Ngoài ra, số tiền mà Yến giữ của nhân viên cũng là do nhân viên tự ý nhờ chứ không có chuyện cưỡng đoạt tài sản của ai.

HĐXX vặn lại nếu bị cáo không có vai trò gì, tại sao những giám đốc khác lại phải mang tiền thu được hằng ngày đến gửi. Phải có quyền lực nào ghê gớm thì mới được người khác gửi tiền. Đến đây, Yến thừa nhận là có góp vốn vào năm công ty này nhưng không nhớ rõ cụ thể góp bao nhiêu tiền.

Cũng giống như vợ, bị cáo Trí khai chỉ làm việc tại Tân Hoàng Phát, không tham gia điều hành bốn công ty masage khác. Trí chỉ tham gia hùn vốn vào năm công ty chứ không trực tiếp điều hành. Riêng hùn với số tiền bao nhiêu, Trí cũng không nhớ rõ. Theo bị cáo, vì không quản lý những công ty này nên những lời khai nhận trước đây tại cơ quan điều tra là do ép cung.

Bị cáo Cường cũng cho rằng mình bị oan vì Công ty Kim Thu không liên quan đến Tân Hoàng Phát. Cường nại rằng máy xông hơi bị hỏng nên Cường qua Tân Hoàng Phát để mượn máy khác. Vừa đến nơi thì gặp công an kiểm tra tại đây rồi bị bắt giữ luôn.

Với thái độ trên của bị cáo Cường, tòa buộc phải công bố bản tường trình do chính tay bị cáo viết tại cơ quan điều tra. Trong bản tường trình, Cường khai nhận có tham gia đánh các nhân viên vi phạm nội quy ba lần. Ngoài ra, bị cáo còn giải quyết cho nhân viên nghỉ phép nhưng phải nộp lại 15 triệu đồng rồi đưa cho Yến giữ. Sau khi tòa cho xem nét chữ, bị cáo thừa nhận đúng là có viết như vậy nhưng là do viết theo yêu cầu của điều tra viên.

Bị cáo Hậu thì giải thích sở dĩ buộc nhân viên phải viết cam kết không ra ngoài vì khi mới bắt đầu vào làm không có tiền nên công ty ứng tiền cho học nghề. Ngoài ra, công ty phải lo chỗ ăn ở nên cần phải làm cam kết để khi có tiền nhân viên không trốn nợ. Công ty Tân Hoàng Phát do Hậu làm giám đốc sẽ cho nhân viên nghỉ phép nếu như có lý do chính đáng. Đối với trường hợp nhân viên vi phạm nội quy như cho khách quan hệ tình dục tại chỗ hoặc bị khách phàn nàn thì chỉ phạt không cho làm việc, phải ở nhà ngồi chơi.

Nghe đến đây, chủ tọa vặn hỏi: “Nếu nói như bị cáo thì bị cáo rất tốt, cơ quan điều tra đã bắt nhầm người tốt rồi à?”. Bị cáo đáp: “Dạ đúng, mong tòa xem xét cho bị cáo”.

Bị cáo Nguyễn Minh Phương (quản lý Công ty Massage Hoàng Thành) và Nguyễn Hoài Nhanh (phó quản lý) tỏ thái độ ăn năn và thành khẩn khai báo.

Hôm nay, tòa tiếp tục xét xử...

Theo thẩm phán Lê Thị Minh Ngọc - chủ tọa phiên tòa, vụ án này có rất nhiều người bị hại. TAND TP.HCM đã nhiều lần gửi giấy triệu tập, thậm chí còn nhờ đến cơ quan truyền thông thông báo nhưng chỉ có ba người có mặt tại phiên xét xử.

Bị truy về bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản với khung hình phạt có thể lên đến 15 năm tù nhưng Phan Cao Trí (đến tòa với áo sơ mi đỏ) lại tỏ ra khá bình thản. Những đồng phạm của Trí cũng không lộ vẻ ái ngại. Trước giờ xét xử, một trong các bị cáo còn xin phép cảnh sát dẫn giải được bỏ áo vào quần cho… lịch sự.

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm